Bước tiến mới của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trên đấu trường quốc tế

  • 07:21 | Thứ Sáu, 10/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Lần đầu tiên, Việt Nam giành huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới là một trong những sự kiện nổi bật của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong năm 2019.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng em Trương Thế Diệu, học viên Viện Đào tạo kỹ năng nghề Denso, đã có thành tích đoạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 - năm 2019, tại Kazan, Cộng hoà Tatarstan (LB Nga). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng em Trương Thế Diệu, học viên Viện Đào tạo kỹ năng nghề Denso, đã có thành tích đoạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 - năm 2019, tại Kazan, Cộng hoà Tatarstan (LB Nga). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

 

Theo đó, Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 được tổ chức từ ngày 16 đến 28/8/2019 tại Kazan Liên Bang Nga có quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của 1.355 thí sinh đến từ 63 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số lượng nghề thi chính thức là 56, trong đó có 12 nghề được tổ chức cho các thí sinh ở tuổi thanh thiếu niên từ 15 - 17 tuổi; 15 nghề tổ chức giới thiệu kỹ năng tương lai; 9 nghề trình diễn. Tham dự kỳ thi lần này, Đoàn Việt Nam đã giành 1 huy chương Bạc (nghề Phay CNC), 8 chứng chỉ nghề xuất sắc. Đây là thành tích xuất sắc nhất của Đoàn từ trước tới nay trong các Kỳ thi tay nghề thế giới

 

Kỳ thi đánh dấu bước tiến mới của Đoàn Việt Nam khi tham gia đấu trường Kỹ năng nghề thế giới. Theo đánh giá chung, chất lượng bài thi của thí sinh Đoàn Việt Nam tại kỳ thi lần thứ 45, cao hơn so với các kỳ thi lần trước. Việc thí sinh Việt Nam đoạt thành tích cao ở Kỳ thi tay nghề thế giới cho thấy công tác huấn luyện, tuyển chọn thí sinh tham gia thi thi tay nghề đã đúng hướng, hiệu quả. Kết quả này khẳng định sự gắn kết với giáo dục nghề nghiệp, xã hội hóa trong công tác dạy nghề, đào tạo, huấn luyện thí sinh tham gia các Kỳ thi tay nghề thế giới và khu vực. Trình độ kỹ năng nghề của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, sánh ngang tầm khu vực và thế giới. Điều này cho thấy phong trào dạy - học, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp cả nước ở tất cả các cấp.

 

Cũng trong năm 2019, theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chất lượng đào tạo nghề nghiệp Việt Nam tăng tới 13 bậc. Việt Nam là nước tăng cao nhất trong khu vực ASEAN. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu, chất lượng thông qua hoạt động kiểm định chất lượng quốc tế. Đến nay, hàng chục trường đã có chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường 12 nghề đạt tiêu chuẩn của Úc; 45 trường 22 nghề đạt tiêu chuẩn của Đức.

 

Trong năm qua, nhiều chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang, cơ chế cho đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nổi bật là một số chính sách, quy định được cụ thể hóa trong Luật giáo dục (sửa đổi), Bộ Luật lao động (sửa đổi). Ngành Lao động tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Skilling up Việt Nam; hội thảo quốc gia VEC 2019 - “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”; tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, hoạt động tôn vinh người dạy, người học, các doanh nghiệp đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; hoạt động khởi nghiệp được triển khai tích cực. Truyền thông giáo dục nghề nghiệp lan tỏa tích cực, thu hút ngày càng nhiều người học, sự quan tâm của doanh nghiệp,  xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối doanh nghiệp được tăng cường. Nhiều doanh nghiệp đồng hành đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Hợp tác quốc tế trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp đi vào chiều sâu với nhiều đối tác uy tín.

 

Theo Phúc Hằng (TTXVN)