"Mái nhà chung" của trẻ khuyết tật Lệ Thủy

  • 07:24 | Thứ Sáu, 20/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy (tiền thân là Trường tình thương An Thủy) được thành lập từ tháng 8-1999 với nhiệm vụ chính là dạy chữ, phục hồi chức năng, can thiệp sớm cho trẻ điếc trước tuổi đến trường và làm công tác tư vấn cho ngành Giáo dục của huyện về giáo dục, hòa nhập trẻ khuyết tật. 20 năm ngôi trường nhân văn này ra đời là chừng ấy thời gian các thế hệ giáo viên nơi đây luôn nỗ lực hoàn thành công việc "đặc biệt" ấy bằng trách nhiệm, tình yêu thương.
 
Tình yêu thương trong mái nhà chung
 
Nhìn khối công việc “đồ sộ” mà mỗi thầy, cô giáo phải thực hiện trong một ngày tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy, chúng tôi chợt thấy chạnh lòng. Không giống như những ngôi trường khác, tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, các giáo viên muốn hoàn thành nhiệm vụ phải nỗ lực gấp đôi. Ngoài dạy dỗ, các thầy, cô giáo còn đóng vai trò là những người cha, người mẹ, là những người truyền cảm hứng để các em vượt qua mặc cảm bản thân.
 
Cô giáo Hoàng Thị Huyên-một trong những giáo viên công tác lâu năm tại trung tâm chia sẻ: “Những ngày đầu về nhận nhiệm vụ, tôi thực sự hoang mang, lo lắng. Tôi chưa hình dung được những khó khăn mà mình sẽ đối diện, chưa xác định hết những công việc mình phải làm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đến giờ lên lớp, hết giờ rồi về nhà như các đồng nghiệp khác, chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc lo tất tần tật cho các em từ việc học tập, vệ sinh cá nhân, tập vận động đến cả bữa ăn, giấc ngủ. Thế nhưng, khi thấy được sự thiệt thòi, mặc cảm và tự ti của các em, tôi thấy cần có trách nhiệm hơn, yêu thương, gắn bó và gần gũi với các em hơn. Nhờ đó, tình cảm cô trò lớn lên từng ngày, mọi khó khăn dần được đẩy lùi. Trẻ khuyết tật thường rất tinh ý, ai yêu thương, quan tâm các em thật lòng, các em đều biết cả. Khi các em biết mình được thầy, cô giáo dành trọn sự yêu thương, chăm chút thì giáo viên dễ kích thích được sự phát triển của trẻ.” 
Học sinh lớp 4 trong một tiết học toán tại trung tâm.
Học sinh lớp 4 trong một tiết học toán tại trung tâm.
Tại trung tâm, các giáo viên luôn đặt mình vào tâm thế của phụ huynh hay của chính các em để có thể thấu hiểu và dễ dàng sẻ chia. Đặc biệt, các thầy, cô luôn không ngừng đổi mới, tìm tòi những phương pháp dạy hiệu quả nhất. Với học sinh khiếm thính, giáo viên không chỉ sử dụng ngôn ngữ của đôi bàn tay mà còn là ánh mắt, nét mặt biểu cảm để các em cảm nhận và nắm bắt nhanh bài học.
 
“Dạy các em học sinh bình thường khó 1 thì dạy các em ở đây khó 10. Học sinh của trung tâm gần như có đầy đủ các dạng khuyết tật từ tay, chân, thị giác, thính giác cho đến bại não, down, tự kỷ… Ban đầu, hầu như các em không chịu hợp tác, không tiếp thu được gì. Giáo viên đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mẫn. Nếu không chịu thương chịu khó, không có tình yêu đặc biệt với các em thì không thể nào làm được”, thầy giáo Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
 
Quan sát một giờ dạy của thầy giáo Trần Văn Bằng tại lớp, chúng tôi thấy rằng để duy trì nền nếp cho một lớp học với nhiều tâm lý lứa tuổi khác nhau thì giáo viên phải vừa khéo léo vừa hiểu tính cách của từng em, nắm bắt được những thay đổi tâm lý dù là nhỏ nhất để có thể có những cách xử lý tình huống phù hợp. Đối với giáo viên ở trung tâm, một tiết học thành công đôi khi chỉ đơn giản là không em nào chạy ra khỏi lớp. Chuyện học sinh tự làm đau mình và “tấn công” luôn cả thầy, cô giáo không phải là chuyện hiếm. Những lớp học như thế cần rất nhiều tình thương, sự nhẫn nại và tỉ mỉ của các thầy, cô giáo.
 
“Lá cờ đầu” khối các trường học, trung tâm giáo dục chuyên biệt
 
20 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy đã vượt qua khó khăn, thử thành để từng bước khẳng định danh hiệu “lá cờ đầu” toàn tỉnh khối các trường học, trung tâm giáo dục chuyên biệt. Trung tâm đã được Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng cờ thi đua tập thể lao động xuất sắc. 1 giáo viên của trung tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là giáo viên dạy giỏi học sinh khuyết tật toàn quốc, 3 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen...
 
Những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của trung tâm thiếu thốn trăm bề với chỉ 1 dãy nhà cấp 4 có 3 phòng học, chưa có nhà nội trú cho học sinh. Đến nay, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện, sự động viên, sẻ chia kịp thời của các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước, trung tâm đã có một diện mạo hoàn toàn khác, khang trang, sạch đẹp, quy cũ và cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy học. Giờ đây, trung tâm đã có khu nhà nội trú cho học sinh, nhà ăn, bếp nấu phục vụ cho học sinh tương đối rộng rãi, có phòng phục hồi chức năng, phòng vi tính nối mạng cho các em học tập...
 
Với chức năng, nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục học sinh khuyết tật, bước đầu trung tâm đã đáp ứng được lòng mong mỏi của những gia đình có con em bị khuyết tật trên địa bàn huyện. Tại đây, các em đã có quyền được vui chơi, học tập như bao trẻ bình thường khác.
 
Theo thầy giáo Đỗ Văn Mỹ, Giám đốc trung tâm, để đạt được kết quả này là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của tập thể đơn vị. Ngoài việc bám sát kế hoạch, chương trình chung, trung tâm đặc biệt chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, tổ chức học theo nhóm, theo tổ. Mỗi thầy, cô giáo hàng năm đều phải xây dựng một sáng kiến kinh nghiệm áp dụng được vào thực tế dạy học; nghiên cứu, tìm tòi để thiết kế đồ dùng, thiết bị dạy học trực quan.
 
Đồng thời, Trung tâm tập trung xây dựng, thực hiện hiệu quả các CLB, như: CLB "Phụ huynh học ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính", CLB "Tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho học sinh bị bệnh tự kỷ”… Bên cạnh nhiệm vụ dạy văn hóa, mỗi tuần, trung tâm còn tổ chức 2 tiết học phục hồi chức năng/lớp, qua đó, giúp các em hình thành các thói quen, kỹ năng trong sinh hoạt và vận động. Ngoài ra, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế, kỹ năng tự phục vụ, giao tiếp, hợp tác, giao lưu cho học sinh cũng được đơn vị quan tâm tổ chức. Đặc biệt, các em học sinh khuyết tật của trung tâm đã tự tin tham gia giao lưu hò khoan với tất cả các trường học trên địa bàn huyện trong dịp chào mừng kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.   
 
Có thể khẳng định, mỗi thầy giáo, cô giáo ở Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy là một người thân của các em học sinh. Bằng sự tận tâm, nhẫn nại và tấm lòng vị tha, bao dung như những người cha, người mẹ, các thầy cô giáo đã giúp các em học sinh khuyết tật ngày một hòa nhập tốt với xã hội.
 
Văn Hải
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy)