Thầy hiệu trưởng đầu tiên của Trường cấp 3 Tuyên Hoá

  • 07:31 | Thứ Hai, 18/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là Thầy giáo Đặng Phàn (1924-1996), quê xã Châu Hóa (Tuyên Hóa). Ông là cán bộ lão thành cách mạng. Với 22 năm công tác trong ngành Giáo dục, ông đã đảm đương các cương vị hiệu phó, hiệu trưởng, bí thư chi bộ các trường cấp 3 trên địa bàn tỉnh. Cho đến bây giờ, các thế hệ học sinh của ông có lẽ không ai quên được hình ảnh một người thầy phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực trong công tác, bình dị trong lối sống, đôn hậu gần gũi với mọi người và ấm áp tình thương đối với các em học sinh...
 
Trường cấp 3 Tuyên Hóa được thành lập từ tháng 8 năm học 1965-1966 do thầy giáo Đặng Phàn làm hiệu trưởng. Năm đầu gồm 3 lớp 8 mới tuyển vào, 1 lớp 9 và 1 lớp 10 từ Trường cấp 3 Quảng Trạch chuyển lên, với số lượng tất cả 221 học sinh và 15 thầy, cô giáo. Buổi đầu thành lập, trong điều kiện chiến tranh, cơ sở vật chất chưa có gì, học sinh phải đi rừng để lấy tranh tre, nứa lá về làm trường, nhưng dưới sự lãnh đạo của thầy Đặng Phàn và được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh và những người dân ở thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, nên chỉ sau 2 tháng, nhà trường đã có cơ sở vật chất trường lớp tạm ổn và hệ thống hầm hào phục vụ cho việc dạy và học trong thời chiến.
 
Tuy chỉ học ở trường 1 năm lớp 10 (năm học 1965-1966) nhưng thầy Hiệu trưởng Đặng Phàn đã để lại trong tôi những ký ức đẹp, đáng nhớ. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh thầy với dáng người thư sinh dong dỏng cao, nước da hồng hào, nhưng rắn rỏi, giọng nói trầm ấm, rất thiện cảm... Cứ mỗi lần tôi lên văn phòng nhà trường (ở trong nhà dân) gặp thầy để nhận Báo Nhân dân về đọc tin, thầy đều vui vẻ, ân cần căn dặn: “Cố gắng lên em nhé! Đọc thật chậm rãi, rõ ràng”. Sau khi đọc xong gặp lại, thầy khen: “Tốt đó! Cứ thế mà phát huy em nha!”…
 
Trong chiến tranh gian khổ, ác liệt, thầy và trò nhà trường đã kiên cường bám trụ trên mảnh đất Thiết Sơn giàu truyền thống cách mạng. Từ một giáo viên chính trị trở thành hiệu trưởng, thầy luôn gần gũi với mọi người, tâm huyết với sự nghiệp "trồng người". Trong lãnh đạo, thầy luôn có tư duy đổi mới, coi chất lượng giáo dục là trên hết, nghiêm túc trong thi cử, biết khơi dậy tinh thần ham học của học sinh và ý thức trách nhiệm của các thầy, cô giáo. Ngoài giờ học, thầy luôn dành thời gian đi đến tận từng nhà học sinh động viên các em khắc phục khó khăn để học tập. Do điều kiện chiến tranh, không tập trung được cả trường để nhắc nhở, thầy tranh thủ về gặp từng lớp để trao đổi cặn kẽ với học sinh việc học tập cũng như việc phòng tránh máy bay Mỹ kể cả khi học tại trường cũng như khi về nhà... 
Thầy giáo Đặng Phàn (ngồi thứ 4 từ trái sang) và Hội đồng Trường cấp 3 Tuyên Hóa năm 1966 (ảnh tư liệu).
Thầy giáo Đặng Phàn (ngồi thứ 4 từ trái sang) và Hội đồng Trường cấp 3 Tuyên Hóa năm 1966 (ảnh tư liệu).
Cuộc đời của thầy là cả một quá trình cống hiến cho quê hương. Thầy sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê Châu Hóa giàu truyền thống cách mạng và văn hóa-một vùng quê địa linh nhân kiệt nằm cạnh bờ nam sông Gianh. Tuổi thơ của thầy gắn bó với quê hương khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn quyết liệt.Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, được các đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Lê An và Nguyễn Đình Bổng giáo dục, giác ngộ, thầy một lòng đi theo cách mạng, tham gia hoạt động của Hội Ái hữu, Thanh niên cứu quốc và Việt Minh bí mật, cùng với mọi người đi cướp chính quyền ở huyện lỵ Minh Cầm (Tuyên Hóa).
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 2-1947, thầy vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công giữ nhiều chức vụ: cán bộ văn phòng Ban Thi đua Tỉnh ủy Quảng Bình; Chánh Văn phòng, Bí thư Chi bộ cơ quan Huyện ủy Tuyên Hóa,  Bí thư Đảng ủy xã Lê Trực, chỉ đạo xã Văn Hóa, chỉ đạo rào làng chiến đấu ở Lệ Sơn, xây dựng cơ sở quần chúng vùng địch hậu Phù-Cảnh...  
       
Tại Đại hội Đảng bộ huyện Tuyên Hóa lần thứ II (1949), lần thứ III (1951), thầy giáo Đặng Phàn được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, giữ các cương vị Chánh văn phòng Huyện ủy, rồi phụ trách công tác tuyên huấn, sau đó được cử đi học văn hóa, chính trị ở tỉnh... Hòa bình lập lại, được điều vào tỉnh giữ nhiều trọng trách, thầy Phàn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Từ tháng 9-1961 đến 1983, Tỉnh ủy điều thầy qua làm công tác giáo dục. Trong 22 năm công tác trong ngành Giáo dục, thầy đã có 4 năm làm giáo viên chính trị, Bí thư chi bộ, thư ký Công đoàn, Phó hiệu trưởng Trường cấp 3 Đồng Hới (1961-1965), 18 năm làm Hiệu trưởng và Bí thư Chi bộ ở các trường: cấp 3 Tuyên Hóa (1965-1969) và cấp 3 Bắc Quảng Trạch (1969-1983).
 
Ấn tượng nhất đối với thầy giáo Đặng Phàn là 4 năm về làm Hiệu trưởng Trường cấp 3 Tuyên Hóa (8-1965 đến 8-1969). Mặc dù nhiều khó khăn, nhưng thầy và tập thể cán bộ, giáo viên của trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền, trường đều đạt trường tiên tiến, Chi bộ được công nhận là chi bộ 4 tốt. Cuối năm học 1968-1969, trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
 
14 năm làm Hiệu trưởng và Bí thư Chi bộ Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch (1969-1983), thầy đã lãnh đạo xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh mọi mặt, đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, trở thành lá cờ đầu của tỉnh, nhận được rất nhiều phần thưởng cao quý của Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh...
 
Trường cấp 3 Tuyên Hóa ngày nào, bây giờ là Trường THPT Tuyên Hóa có nhiều đổi thay, khang trang hơn, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học đầy đủ, hiện đại hơn. Ngọn lửa truyền thống của trường trong gần 55 năm qua vẫn được các thế hệ học sinh và các thầy, cô giáo giữ gìn, phát huy để mãi tỏa sáng trong sự nghiệp đổi mới của Đảng.
 
Với những thành tích cống hiến của mình, thầy giáo Đặng Phàn vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 17 năm chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 27 năm lao động tiên tiến (1955-1982), được tặng 25 bằng khen của UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương và nhiều năm được tặng danh hiệu “Chiến sỹ Hai giỏi”, được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng.
 
Thầy giáo Đặng Phàn đã đi xa (12-1996), nhưng cả cuộc đời với gần 50 năm tuổi Đảng, 37 năm hoạt động cách mạng (có 22 năm làm công tác trong ngành Giáo dục), dù ở cương vị nào, thầy cũng luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
                                                                                                      Hồ Duy Thiện