Gỡ các "nút thắt" phân luồng học sinh trong giáo dục nghề nghiệp

  • 09:00 | Thứ Năm, 28/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phân luồng học sinh (HS) sau THCS là giải pháp hướng cho HS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phân luồng HS sau THCS ở tỉnh ta vẫn gặp không ít khó khăn, rào cản, đòi hỏi cần có giải pháp gỡ các “nút thắt” trong vấn đề này…
 
Thực trạng phân luồng HS
 
Theo thống kê sơ bộ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trung bình mỗi năm học, toàn tỉnh có khoảng 12.600-13.900 HS tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS tham gia học tập các cơ sở GDNN đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng rất hạn chế.
 
Cụ thể, năm học 2016-2017, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.600 HS tốt nghiệp THCS nhưng trên 92,5% HS tham gia học văn hóa lớp 10 tại các trường THPT và giáo dục thường xuyên, còn lại 7,5% HS tham gia lao động hoặc đi học nghề. Năm học 2017-2018, cũng tương tự với 7,1% HS tham gia lao động tại địa phương hoặc học nghề.
 
Đối với cấp THPT, tỷ lệ HS sau tốt nghiệp học tập tại các cơ sở GDNN dao động từ 20-25%. Riêng năm 2019, kết quả tuyển sinh của các cơ sở đào tạo trên địa bàn là 15.700 người, trong đó, hệ cao đẳng 120 người/kế hoạch 500 người (đạt 21,2% kế hoạch), hệ trung cấp 1.514 người/kế hoạch 2.000 (đạt 76%), sơ cấp 10.775 người và đào tạo dưới 3 tháng trên 3.300 người. 
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm do Sở LĐ-TB-XH tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung dạy và học ở các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm do Sở LĐ-TB-XH tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung dạy và học ở các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phân luồng HS thấp, trong đó, quan trọng nhất là nhận thức của xã hội, người lao động về GDNN còn hạn chế. Mỗi năm, các trường học trong tỉnh đều tổ chức các tiết hướng nghiệp và lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các tiết sinh hoạt để các em hiểu rõ về năng lực, sở trường của bản thân cũng như xu hướng, nhu cầu nghề nghiệp của xã hội. Tuy nhiên, tâm lý “không ai muốn con mình làm thợ” và “chạy theo bằng cấp” đã ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Nga, có con đang theo học tại một trường THCS ở huyện Quảng Trạch chia sẻ, chất lượng đời sống cao hơn nhiều so với trước đây nên mặc dù sức học chỉ đạt mức trung bình nhưng gia đình chị luôn động viên con “học đến nơi, đến chốn”, ít ra là cao đẳng… để có bằng cấp xin việc. Rõ ràng, việc định hướng nghề nghiệp không dựa vào năng lực, sở thích của HS mà dựa theo phong trào và ý kiến của phụ huynh.
 
Lâu nay, đa phần các trường THPT thực hiện xét tuyển vào lớp 10 không qua thi tuyển nên HS tốt nghiệp THCS chủ yếu vào học THPT. Ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Đồng Hới cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT hàng năm trên địa bàn thành phố gần như tương đương với số HS tốt nghiệp THCS. Vì vậy, dĩ nhiên, các em sẽ lựa chọn thi vào lớp 10 trường THPT. Đối với các em không học trường công lập thì vẫn có thể học tại các trường tư thục, chỉ một số trường hợp điểm quá thấp, không thể vào THPT thì mới chuyển sang học bổ túc hoặc học nghề…
 
Qua trao đổi, bà Đinh Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, chỉ tiêu thực hiện công tác phân luồng HS tốt nghiệp THCS tại Kế hoạch số 936/KH-UBND ngày 14-6-2019 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh thấp hơn các chỉ tiêu tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Chính vì chưa có chính sách phân luồng phù hợp, nên việc chỉ đạo tổ chức phân luồng HS chưa bảo đảm chỉ tiêu theo quy định.
 
Vấn đề đặt ra, trong những năm tới, nếu không làm tốt công tác phân luồng HS sau THCS và đào tạo nghề sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao. Điều này dẫn đến hệ quả trước mắt cũng như lâu dài là thiếu hụt lao động chất lượng, nhiều dự án đầu tư và doanh nghiệp không tuyển được lao động có tay nghề...
 
Cần những giải pháp quyết liệt
 
Theo ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, trước hết, các ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức của người lao động và cha mẹ HS về GDNN, phân luồng HS sau THCS, thị trường lao động, nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay và trong tương lai.
 
Theo đó, Sở Giáo dục-Đào tạo tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trường học tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp và tư vấn phân luồng HS, trong đó, chú trọng việc cung cấp thông tin nghề nghiệp cho các em, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà trường với cơ sở GDNN. Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách đào tạo nghề (hỗ trợ kinh phí cho HS dân tộc thiểu số, HS nghèo, HS THCS tham gia học nghề…) và tư vấn hướng nghiệp thông qua các hoạt động thiết thực, như: ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; giao lưu giữa HS, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và doanh nghiệp; tuyên truyền về những tấm gương thợ giỏi, làm nghề giỏi và tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”... Từ đó, giúp HS và phụ huynh tự tin cho con vào học các trường nghề, không còn tâm lý “bằng cấp” nhằm giảm chi phí đầu tư cho gia đình và xã hội. 
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chính là thực hiện quyết liệt cơ chế, chính sách phân luồng HS sau THCS. Trên cơ sở mục tiêu của Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, tỉnh xem xét để điều chỉnh bảo đảm tỷ lệ phù hợp với đề án chung và tình hình thực tế nguồn nhân lực của địa phương. Từ đó, các ban, ngành, địa phương mới có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác phân luồng, tuyển sinh và đào tạo.
 
Bà Đinh Thị Ngọc Lan còn cho rằng, các cơ sở GDNN cũng cần phải đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung dạy và học, đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Cùng với đó, các cơ sở GDNN điều chỉnh chương trình đào tạo, phương pháp tổ chức đào tạo hướng đến tâm lý lứa tuổi, thể trạng, thể lực của người học và phù hợp với thực tế và nhu cầu doanh nghiệp, nhằm bảo đảm HS vừa học nghề, vừa học văn hóa, đạo đức, kỹ năng làm việc, kỹ năng mềm… Qua đó, tạo điều kiện cho người học sau khi tốt nghiệp nhanh chóng tìm kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định…
 
BOX: Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; ít nhất 40% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%... Trong khi đó, Kế hoạch số 936/KH-UBND của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 15% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 8%; ít nhất 30% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 20%... 
 
Thùy Lâm