Đến trường mùa… sốt xuất huyết

  • 10:37 | Thứ Sáu, 15/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - So với thực tế, con số 7.000 ca sốt xuất huyết (SXH) trong toàn tỉnh có lẽ sẽ lớn hơn nhiều. Trong nỗi lo chung của người dân trước sự tấn công của dịch SXH, các bậc phụ huynh có con học bán trú còn lo lắng hơn nhiều, bởi đây là môi trường thuận lợi để dịch lây lan. Trước thực trạng này, các trường học trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch SXH, bảo đảm sức khỏe cho các em học sinh.
 
Một trong những trường học đang có cách làm hiệu quả, được phụ huynh rất đồng tình và nhiều trường học trên địa bàn tham khảo học tập là Trường mẫu giáo SOS Đồng Hới. Vào giờ ngủ của trẻ, những chiếc màn rộng, may theo kích cỡ phòng học được mắc vuông vắn để tất cả các cháu đều được nằm màn nhưng vẫn bảo đảm thông thoáng, dễ chịu.
 
Chị Hoàng Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không phải đến thời điểm này, khi dịch SXH hoành hành, các cháu mới được ngủ màn. Cách đây nhiều năm, nhà trường đã may số màn này để sẵn sàng sử dụng cho những thời điểm xảy ra các loại dịch bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt hoặc đề phòng các loại côn trùng khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Hiện tại, những chiếc màn này đã phát huy tác dụng khi bảo đảm trẻ không bị muỗi đốt để phòng tránh dịch SXH. Không chỉ cho trẻ nằm màn, trường đã tiến hành hợp đồng phun thuốc diệt muỗi xung quanh khuôn viên, nhất là ở những nơi nhiều cây cối để bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ. Với những nỗ lực này, Trường mẫu giáo SOS hầu như chưa có trẻ bị mắc bệnh SXH.
 
Tại Trường mầm non Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), từ thời điểm dịch SXH bùng phát và lan rộng, nhà trường đã tổ chức làm vệ sinh thường xuyên xung quanh khuôn viên để hạn chế muỗi và bọ gậy. Phòng học được lau chùi bằng các loại dung dịch kháng khuẩn, bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng. “Nhà trường tích cực phối hợp với trạm y tế xã để nắm tình hình dịch bệnh đối với trẻ để chủ động phòng ngừa. Rất may là từ thời điểm dịch SXH lan rộng đến nay, toàn trường chưa có trẻ nào bị SXH!”, cô giáo Phan Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm. 
Dùng màn cho trẻ trong giờ ngủ, cách phòng, chống SXH hiệu quả của Trường mẫu giáo SOS Đồng Hới.
Dùng màn cho trẻ trong giờ ngủ, cách phòng, chống SXH hiệu quả của Trường mẫu giáo SOS Đồng Hới.
Tại huyện Minh Hóa, mặc dù số lượng bệnh nhân so với các địa phương trong tỉnh không lớn nhưng người dân cũng rất lo lắng. Chị Đinh Thị Ngọc Mai (xã Trung Hóa) cho biết, những ngày này, chị luôn nhắc nhở cậu con trai đang học lớp 5 phải mặc quần áo kín đáo để hạn chế muỗi đốt. “Tôi cũng chia sẻ với các thầy cô giáo và phụ huynh theo dõi con em, kịp thời phát hiện trẻ bị mắc bệnh để điều trị và phòng ngừa cho các học sinh khác!”.    
 
Một số trường tiểu học và mầm non trên địa bành thành phố Đồng Hới cũng đã tăng cường công tác vệ sinh trường lớp, nhất là các phòng học để hạn chế muỗi. Những trường chưa nằm trong vùng dịch và được cơ quan chức năng phun thuốc diệt muỗi, vào cuối buổi học, trường tiến hành xịt thuốc chống muỗi; hàng ngày lau sàn nhà bằng các loại nước diệt khuẩn, xông tinh dầu đuổi muỗi. Nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nhắc nhở mặc quần áo cho trẻ phù hợp, tránh bị muỗi đốt, theo dõi sức khỏe của trẻ, khi có biểu hiện sốt hoặc nghi SXH thì ngay lập tức đưa các cháu đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
 
Từ những nguy cơ lây lan dịch bệnh SXH, nhất là trong môi trường học bán trú của trẻ mầm non và tiểu học, không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng. Chị T.H.L, phụ huynh Trường tiểu học Đồng Mỹ (thành phố Đồng Hới) chia sẻ: "Tôi không biết khu vực nhà trường đã được cơ quan chức năng phun thuốc diệt muỗi hay chưa nhưng qua quan sát, hiện tại, ở đây vẫn có nhiều muỗi. Đặc biệt là thời điểm giao mùa, ở trường các cháu không có điều kiện nằm màn như ở nhà, trường lại quy định các cháu phải đi chân trần trong lớp học, tôi và nhiều phụ huynh thật sự lo lắng bởi điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ các cháu bị muỗi đốt cao hơn. Đặc biệt, khi trong các lớp đã có một số cháu bị bệnh. Mong rằng cơ quan chức năng quan tâm tiến hành các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy ở các điểm trường, nhất là đối trường có trẻ học bán trú để bảo đảm an toàn cho con em!"
 
Bố Trạch là địa phương có số ca SXH lớn nhất tỉnh. Thống kê đến thời điểm cuối tháng 10 toàn huyện có gần 1.500 người mắc bệnh. Theo bác sỹ Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch, tỷ lệ bệnh nhân là trẻ dưới 15 tuổi khá lớn. “Môi trường trường học, nhất là đối với các trường học bán trú, là điều kiện thuận lợi để bệnh SXH lây lan. Về phác độ điều trị bệnh SXH giữa người lớn và trẻ nhỏ cơ bản giống nhau, nhưng đối với bệnh nhân là trẻ ở bậc học mầm non, tiểu học, việc tiêm và truyền dịch gặp nhiều khó khăn hơn do các cháu còn bé. Do đó, các trường học cần làm tốt công tác vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi. Và ngay trong mỗi gia đình, mọi người cũng chủ động phòng ngừa bằng cách giữ gìn vệ sinh nhà cửa, phun thuốc diệt muỗi quanh khuôn viên nhà, nhất là nơi có nhiều cây cối. Một giải pháp đơn giản nhưng khá hiệu quả là nên chú ý đóng cửa nhà, nhất là thời điểm 5 đến 6 giờ tối để tránh muỗi bay vào nhà!”.
 
Trao đổi về công tác phòng, chống bệnh SXH trong trường học, nhất là các trường học bán trú, đồng chí Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, căn cứ tình hình thực tế và chỉ đạo của tỉnh, sở đã, đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tiến hành phun thuốc diệt muỗi ở những khu vực có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, các trường cần tự giác phòng, chống dịch bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh trường lớp và khuôn viên, hạn chế việc sinh sôi của bọ gậy, muỗi… Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của nhà trường, các bậc phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe các cháu, hạn chế và đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới.
 
Ngọc Mai