Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11:

Người thầy giáo miệt mài "cõng chữ" lên non

  • 14:31 | Thứ Tư, 20/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là thầy giáo Trương Bá Thiểu (SN 1982), tổ trưởng chuyên môn của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy (PTDTBT)-nhà giáo duy nhất của tỉnh ta được Sở Giáo dục-Đào tạo chọn tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức nhằm tuyên dương những giáo viên tiêu biểu đang công tác, giảng dạy ở các trường học tại những địa bàn khó khăn trong toàn quốc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
 
Trường PTDTBT tiểu học và THCS Lâm Thủy đứng chân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy. Trường có 3 khu vực lẻ đều cách xa điểm trường trung tâm hàng chục cây số. Để đến được các khu vực lẻ vào mùa mưa, các thầy, cô giáo phải đi bộ, trèo đèo lội suối hơn nửa ngày đường, có những khu vực cách xa trung tâm trên 22km.
 
Thầy Thiểu tâm sự, là con út trong gia đình nông dân ở vùng cát Cam Thủy, từ nhỏ, thầy đã nuôi ước mơ làm nhà giáo. Năm 2005, ước mơ ấy thành hiện thực khi tốt nghiệp ra trường thầy được về công tác tại Trường PTDTBT tiểu học và THCS Lâm Thủy. Trải qua 14 năm gieo chữ tại vùng biên giới Việt-Lào và cũng từng ấy năm đảm nhận công tác chủ nhiệm lớp 1, lớp 5, thầy luôn được nhà trường, phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu mến. Trong đó, có 11 năm thầy đã xung phong công tác tại các điểm khu vực lẻ sát biên giới Việt-Lào.
 
Thầy Thiểu kể, những ngày đầu mới gắn bó với vùng đất này, khó khăn chồng chất khó khăn, có những mùa mưa lớn nước cuốn trôi cầu, thầy và trò phải đến trường trên những chiếc bè tự chế; vượt qua những con đường gập ghềnh dốc đá cheo leo, hay những đường đất lún sâu trơn trượt; còn đến với các điểm trưởng lẻ phải đi bộ hơn 10km. Đến trường rồi nhưng không có học sinh để dạy, thầy lại phải tiếp tục băng rừng, lội suối để vận động phụ huynh đưa học sinh đến trường.
Thầy giáo Trương Bá Thiểu luôn tận tình với học trò vùng cao.
Thầy giáo Trương Bá Thiểu luôn tận tình với học trò vùng cao.
Đặc biệt, khi đêm đến giữa đại ngàn Trường Sơn, bên những trang giáo án lớp ghép với ngọn đèn dầu leo lét, nỗi nhớ nhà cứ cồn cào... Nhưng có lẽ tình cảm yêu thương dành cho học trò ở chốn biên cương đã giúp các giáo viên vượt lên tất cả… Họ không thể nào quên được hình ảnh các em những ngày đầu tập viết, em nào cũng cầm bút như cầm khúc gỗ… Thương các em, giáo viên lại càng càng quyết tâm bám lớp. Qua những lời động viên khen ngợi của thầy, dần dần các em bắt đầu biết viết, biết tính toán; có em viết chữ đẹp không kém các bạn dưới xuôi.
 
Thời tiết miền biên giới luôn thất thường, có khi cả tháng trời không thể về được điểm trường trung tâm để tiếp tế lương thực và các nhu yếu phẩm, do mưa lớn sạt đường, nước suối dâng cao, các thầy, cô giáo đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của dân bản… Vì vậy có khi phải đi bộ gần 20km để đến dạy tại điểm lẻ Chút Mút; đi bộ 10km, băng qua 9 con suối mới đến được điểm lẻ Bạch Đàn… thì giáo viên vẫn không quản ngại. Chính tình cảm mộc mạc, chân thành của phụ huynh và học sinh đã làm các thầy, cô giáo gắn bó mà chẳng muốn rời xa miền sơn cước này.
 
Với đặc thù vùng biên giới, học sinh Bru-Vân Kiều chiếm trên 98%, nên thầy giáo Trương Bá Thiểu cũng như các đồng nghiệp luôn tìm tòi học tiếng Bru-Vân Kiều để có thể giao tiếp với đồng bào; thông hiểu những phong tục tập quán, sống hòa đồng với bản làng, thông qua đó nhằm tăng cường tiếng Việt cho các em học sinh.
 
Bản thân là tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, thầy Thiểu luôn trăn trở làm thế nào để kiến thức của các em không có khoảng cách quá xa so với đồng bằng. Thầy luôn phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm dạy học và kinh nghiệp làm công tác chủ nhiệm với đồng nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ mới ra trường để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.
 
Và để nâng cao chất lượng, việc duy trì sĩ số lớp học là điều quan trọng đối với địa bàn bị chia cắt bởi nhiều sông suối, núi đồi, kinh tế-xã hội còn quá nhiều khó khăn như Lâm Thủy. Thầy Thiểu đã tìm nhiều biện pháp để chỉ đạo tổ, động viên tuyên truyền các bậc phụ huynh, làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục... Nhờ vậy, qua các năm học, tổng số học sinh của tổ và của lớp thầy chủ nhiệm luôn bảo đảm số lượng được giao; tỷ lệ chuyên cần đạt 100%, số lượng được duy trì mang tính bền vững. 
 
Giờ đây, giao thông đi lại trên địa bàn xã đã bớt khó khăn hơn, cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thầy và trò Trường PTDTBT tiểu học và THCS Lâm Thủy đã gặt hái được nhiều thành công, trường được công nhận là đơn vị lá cờ đầu ở vùng đặc biệt khó khăn và năm học 2019-2020, nhà trường đăng ký xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đây chính là niềm vinh dự và cũng là động lực to lớn cho giáo viên và học sinh nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa trên hành trình gieo chữ giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
 
Hiền Mai