Hoa nở trên núi...

  • 08:33 | Chủ Nhật, 06/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thật khó có thể nói hết nỗi khó khăn, vất vả của những giáo viên vùng cao ở đại ngàn Trường Sơn giữa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Nhưng vượt lên tất cả, hàng ngày họ vẫn âm thầm, cần mẫn “gieo chữ” ở những thôn, bản xa xôi nhất để ươm mầm ước mơ của các em học sinh…
 
Gập ghềnh hành trình “gieo chữ”
 
Chúng tôi đến với Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS (PTDTBT TH và THCS) Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy vào những ngày cuối tháng 9. Có tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của các thầy, cô giáo và học sinh nơi đây mới biết rằng hành trình "gieo chữ" nơi vùng cao Lâm Thủy còn lắm gian nan, gập ghềnh…
 
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hiển, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy đóng trên địa bàn biên giới rẻo cao. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Trường được thành lập vào năm 2002 sau khi tách từ Trường PTCS Ngân Thủy. Ngày đó, trường chỉ có 8 lớp với 98 học sinh, 11 cán bộ giáo viên, nhân viên; có 3 điểm trường là Xà Khía, Bạch Đàn, Tân Ly. Năm học 2005-2006, trường mở lớp đầu tiên ở điểm trường Eo Bù-Chút Mút. Năm 2012, trường đổi tên như bây giờ và thực hiện mô hình bán trú…
 
Cũng theo thầy Hiển, toàn trường có 312 học sinh, trong đó, 204 học sinh tiểu học và 108 học sinh THCS. Trường có 3 điểm trường lẻ, có những điểm trường đi bộ khoảng 2 tiếng, có những điểm trường cách xa khoảng 20km. 97% học sinh nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình các em đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương, nhưng hầu hết phụ huynh ở đây đều muốn con em mình học cái chữ để thoát nghèo.
 Một tiết học của cô và trò ở Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.
Một tiết học của cô và trò ở Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.
“Hiện nay, việc duy trì, ổn định số lượng học sinh, nhất là đối với học sinh THCS, gặp rất nhiều khó khăn do các em nghỉ học để lao động kiếm sống với cha mẹ, hoặc do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, để duy trì, nuôi dạy học sinh bán trú là điều không hề dễ dàng. Khó khăn hiện nay là dù đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhưng nhà ở nội trú cho học sinh vẫn rất chật chội (15-16 học sinh/phòng).Ngoài ra, hàng năm, cứ đến mùa khô vào khoảng tháng 8-9, các giáo viên của trường phải rất khó khăn, vất vả, băng rừng để tìm nguồn nước tự chảy dẫn về khuôn viên nhà trường phục vụ sinh hoạt cho khu nội trú vì nguồn nước chính phục vụ cho trường cách khoảng 2km bị khô hạn…”, thầy Hiển chia sẻ.
 
Cũng như với xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, ai đã một lần đến với các thôn, bản của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh và đi sâu vào các bản heo hút, cách sông trở đò, như: Ploang, Rìn Rìn, Sắt, Nước Đắng, Hôi Rấy, Dốc Mây…, mới cảm nhận được con đường đến trường của học sinh nơi đây khó khăn đến nhường nào.
 
“Trường PTDTBT TH Trường Sơn hiện có 305 học sinh, trong đó, 237 học sinh là người dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế các hộ gia đình ở đây còn rất khó khăn nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con mình đến trường. Trường có 7 điểm trường lẻ, điểm xa nhất cách trường khoảng 45km. Tuy trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố nhưng đường tìm tới con chữ của học sinh ở đây vẫn còn vất vả lắm…”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hảnh, Phó hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
 
Cũng theo cô Hảnh, gian nan, vất vả là thế, nhưng với lòng yêu nghề, các thầy, cô giáo vẫn luôn nở nụ cười khi mỗi ngày đến lớp nhìn thấy sĩ số lớp học đông đủ. Ở đây, học sinh tiểu học đầu tuần gia đình đưa các cháu đến, cuối tuần có cháu được gia đình đến đón, có cháu tự đi về nhà. Khó khăn lớn nhất mà trường gặp phải là huy động học sinh đến trường do nhà cách trường xa, cách sông trở đò. Mặt khác, cơ sở vật chất nhà trường tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng tại một số điểm trường không có nhà công vụ cho giáo viên, các phòng chức năng, nhà vệ sinh…
 
“Hiện, trường có 70 em học sinh ở lại bán trú nhưng được gửi trong dân, trong đó, 9 em học sinh ở bản Sắt ở lại nội trú thì giáo viên nhà trường phải cắt cử theo dõi, chăm sóc. Đầu năm 2020, trường sẽ thực hiện ăn bán trú, tuy nhiên, đến nay, cơ sở vật chất phục vụ cho công việc này chưa được bảo đảm…”, cô Hảnh cho biết thêm.
 
Tỏa sáng giữa đại ngàn…
 
Thầy giáo Lê Văn Bắc, giáo viên chuyên biệt dạy thể dục Trường PTDTBT TH Trường Sơn-người đã có nhiều năm cắm bản ở những nơi xa xôi nhất của trường-tâm sự, những năm gần đây, nhờ có trường, có lớp, có giáo viên cắm bản, nên ở nhiều địa bàn xa xôi của xã Trường Sơn, học sinh không còn thất học như trước nữa, nhưng hành trình đến với con chữ cũng lắm gian nan.
 
“Những năm trước, chúng tôi đi cắm bản vất vả vô cùng, khó khăn buổi ban đầu là tiếng nói, phong tục tập quán của đồng bào khi đến từng nhà vận động gia đình cho con đến trường. Nhiều thế hệ học sinh của tôi, tuy gia đình nghèo khó song vẫn cố gắng vượt qua với hy vọng, có kiến thức cuộc sống gia đình sẽ đỡ vất vả hơn…”, thầy Bắc cho biết.
Ông Hồ Văn Vầng (ở giữa, bên phải), bản Eo Bù- Chút Mút, vượt đường xa ra thăm cháu đang theo học tại Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy.
Ông Hồ Văn Vầng (ở giữa, bên phải), bản Eo Bù- Chút Mút, vượt đường xa ra thăm cháu đang theo học tại Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy.
Trường PTDTBT TH Trường Sơn có 80% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, năm học 2018-2019, vượt qua những khó khăn đang gặp phải, trường đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ vậy, năm qua, trường đã có 1 em đạt giải ba viết chữ đẹp cấp tỉnh, 9 học sinh năng khiếu đạt giải (trong đó, có 1 giải nhất, 5 giải nhì, 3 giải ba), 2 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, giải nhì toàn đoàn về các môn thể thao cấp huyện…
 
“Bên cạnh nỗ lực của tập thể lãnh đạo trường, thì chính tình thương và trách nhiệm của mỗi thầy, cô giáo đã góp phần xây dựng ngôi trường ngày càng lớn mạnh, tỷ lệ học sinh đến trường cao, hiện tượng bỏ học và nghỉ học giảm dần. Được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh nơi khó khăn là niềm vui, niềm tự hào đối với tôi...”, cô giáo Hồ Thị Yên, người dân tộc Bru-Vân Kiều, giáo viên dạy Địa lý, Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy chia sẻ với chúng tôi như vậy.
 
Theo như chia sẻ của lãnh đạo Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy, nhiều thế hệ học sinh cũ của nhà trường, bây giờ cũng đã thành đạt nhiều, như: Hoàng Kim, Hồ Huy, Hoàng Văn Hoàng. Năm học vừa qua, trường cũng có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi các môn, như: Sinh học, Vật lý, Văn học, Khoa học-Kỹ thuật, hội thi thể thao cấp huyện… Đặc biệt, trong dạy và học, năm học 2018-2019, ở cấp tiểu học, toàn trường có 67% học sinh được khen thưởng toàn diện và từng mặt; cấp THCS có 8,3% học sinh đạt loại giỏi, 24,8% học sinh đạt loại khá…
 
Những cái bắt tay thật chặt lúc chia tay của các thầy giáo, cô giáo ở những ngôi trường nơi miền biên viễn mà chúng tôi đặt chân đến cứ tạo cảm giác khó tả. Chợt nhớ, hình ảnh ông Hồ Văn Vầng (82 tuổi), bản Eo Bù-Chút Mút, vượt đường xa ra thăm cháu đang theo học lớp 9 tại Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy làm chúng tôi vững tin về tương lai tươi sáng phía trước của các em học sinh nơi đây…
Ngọc Hải-Xuân Vương