Nơi "trồng người" bằng tình yêu thương

  • 08:31 | Thứ Hai, 23/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau trận lũ do ảnh hưởng cơn bão số 5 ít ngày, nước lũ rút đi, thôi không còn cô lập bản Đoòng, xã miền núi Tân Trạch (Bố Trạch) nữa. Đồng bào bản Đoòng tạm gác lại âu lo vì thiên tai. Lũ rút, đường về xuôi thông, bà con vui cái bụng khi năm học mới 2019-2020 này, bản có đến 4 học sinh được đi học Trường PTDT Nội trú tỉnh.
 
Đến tận nhà, gõ tận cửa
 
Ngày chia tay 4 học trò bản Đoòng và 3 em khác tại bản Km 39 trung tâm xã xuôi về TP. Đồng Hới học nội trú, mấy thầy cô giáo Trường PTDT bán trú TH và THCS Tân Trạch chẳng có gì để cho, món quà nhỏ chỉ chiếc ba lô, vài cuốn vở, cũng là sự hỗ trợ của người dân trong tỉnh hướng về xã Tân Trạch sau bão số 5. Thầy giáo Phan Văn Huy, Phó Hiệu trưởng nhà trường dặn dò các em ở bản Đoòng là Nguyễn Văn Xinh, Nguyễn Văn Xanh, Nguyễn Thị Con, Nguyễn Thị Xa cố gắng “chân cứng đá mềm”, ai sao mình vậy, chăm học chăm hành, xứng đáng với sự kỳ vọng của thầy cô, bố mẹ, bản làng.
 
Buổi sáng các em theo đường 20-Quyết Thắng vào TP. Đồng Hới, cũng là thời điểm chiếc trống Trường PTDT bán trú TH và THCS Tân Trạch rền vang một hồi dài báo hiệu năm học mới bắt đầu. Năm học 2019-2020 của 30 cán bộ, giáo viên, 35 cháu học sinh mầm non, 45 em học sinh TH và 47 em học sinh THCS trong toàn xã Tân Trạch.
 
Thầy giáo Lê Văn Trương, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH và THCS Tân Trạch phấn khởi: “Nhà trường bắt đầu năm học mới bằng một kết quả khá khả quan của năm trước, khi 100% học sinh ở hai cấp học đều ổn định, không có trường hợp bỏ học giữa chừng. Hai vấn đề quan trọng mà tập thể sư phạm nhà trường xác định ngay từ đầu năm là bám học sinh, bảo đảm sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giúp trẻ đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Hơn một tháng trước ngày khai giảng, giáo viên chủ nhiệm trở lại trường, đến tận nhà, gõ tận cửa nắm chắc số lượng học sinh do mình quản lý”.
Giờ lên lớp của thầy giáo và học sinh A Rem
Giờ lên lớp của thầy giáo và học sinh A Rem

Cô bé Y Mân, học sinh lớp 8, con gái của Đinh Dinh, xinh như đóa hoa rừng. Mùa hè, trai Ma Coong từ các bản ở xã Thượng Trạch ra hò hẹn. Chuyện trai gái nơi núi rừng phía tây Bố Trạch hồn nhiên như cây cỏ, người trong cuộc say lúc nào chẳng biết. Hết ba tháng hè, Y Mân bảo bố chẳng muốn đến trường học chữ mà chỉ muốn lấy chồng. Đinh Dinh hoảng quá cầu cứu Ban Giám hiệu nhà trường và cán bộ xã Tân Trạch. Sáng nào cũng vậy, thầy cô giáo đến nhà Y Mân tỉ tê chuyện trò. “Mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng Y Mân cũng đã vui vẻ trở lại trường lớp.

Đinh Su Bin, học sinh lớp 7, con trai Đinh Đầu. Đến cái tuổi chông chênh giữa trẻ con và chút người lớn, đêm đêm theo chúng bạn đi chơi. Trai bản bảo Su Bin học kém, học làm gì cho uổng phí thời gian, công sức, ở nhà mà lên nương, lên rẫy, vào rừng kiếm tiền hay hơn. Su Bin nghe bạn bảo thế nên mỗi lần thấy thầy chủ nhiệm đến chân cầu thang là theo cửa sau trốn lên rẫy. Thầy chủ nhiệm quyết định thi gan cùng Su Bin, ngồi miết ở nhà hóng chuyện với ông Đinh Đầu. Không thể trốn mãi được với cái bụng đói, Su Bin về nhà. Thầy giáo hỏi nguyên nhân không đến trường, cậu học trò thật thà: “Mấy đứa bảo em học dốt”. Thầy khuyên: “Nếu học lực yếu thì cần phải chuyên cần đi học hơn, học nhiều, cái đầu sáng ra, cái tay viết được chữ, cái miệng biết lễ phép, nói được điều hay”. “Đi học cái bụng có no hơn ở nhà không?”-thầy giáo hỏi. “No hơn, ăn cơm ngon hơn!”-Đinh Su Bin bảo-“Ngày mai thầy cho em trở lại trường nghe”.
 
Vừa dạy, vừa dỗ
 
Trẻ A Rem hiền như cây cỏ, nhưng cũng rất thiệt tính. Thầy giáo chỉ một lời “nặng nhẹ” không vừa ý là bỏ học ngang giữa chừng ngay. Nguyễn Thanh Bình, người thầy gắn bó với học sinh A Rem hơn 10 năm trời, trong hơn 10 năm ấy nếm đủ các cung bậc cảm xúc về học trò của mình. “Chúng tôi dạy học sinh theo kiểu bắt tay chỉ việc, dành mọi điều tốt đẹp cho con trẻ theo kiểu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Có như thế trẻ A Rem mới chăm đến trường, thành nề nếp, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui đối với các em” - thầy giáo Nguyễn Thanh Bình tâm sự.
 Trường PTDT bán trú TH và THCS Tân Trạch.
Trường PTDT bán trú TH và THCS Tân Trạch.
Sáu năm nay, Trường PTDT bán trú TH và THCS Tân Trạch áp dụng mô hình bếp ăn bán trú cho học sinh A Rem. Những bữa cơm trưa có cơm trắng, cá, thịt, rau xanh song hành cùng con chữ giúp các thầy, cô giáo thu hút học sinh đến trường. “Những năm chưa có mô hình bán trú, giáo viên đỏ mắt đi tìm học sinh. Giữ học sinh như tài sản riêng của mình vì công tác bảo đảm sĩ số là tiêu chí để đánh giá giáo viên cuối năm. Nhiều lúc đang học, giờ ra chơi, trẻ chạy về nhà kiếm cái ăn. Ăn no, chúng quên mất việc trở lại trường, theo lối mòn, theo bố mẹ lên rẫy. Thầy cô chủ nhiệm tìm lại phải đi tìm đưa học sinh về.”-Hiệu trưởng Lê Văn Trương tâm sự.
 
Cơ sở vật chất nhà trường từng bước bảo đảm, trong đó có khu bán trú cho học sinh gồm 5 phòng ở, 1 phòng ăn, 1 bếp ăn và 2 nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Sau buổi học sáng, học sinh ăn cơm trưa và ở lại bán trú tập trung, cùng sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, xem tivi… Qua 6 năm cùng với nhiều nỗ lực từ phía nhà trường và sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, chất lượng bán trú, chế độ dinh dưỡng, hoạt động văn hóa, văn nghệ cho học sinh liên tục được cải thiện.
 
Mô hình trường học bán trú, tình yêu thương của thầy cô tạo ra sức hút lớn giúp trẻ A Rem hồn hậu đến với con chữ chuyên cần hơn.
 
                                                                                                                                       Hồ An