Không chỉ là người thầy

  • 11:15 | Chủ Nhật, 08/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Gần 9 năm gắn bó với Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH-THCS) số 1 Kim Thủy, ngôi trường vùng khó của huyện Lệ Thủy, điều mà thầy giáo Đỗ Trung Quảng (SN 1981), Tổng phụ trách Đội, đạt được không chỉ là những danh hiệu, lời khen ngợi mà hơn hết là tình cảm yêu mến của bao thế hệ học trò dành cho mình. Với học sinh, anh Quảng không chỉ là một người thầy mà như một người cha, người anh rất đỗi gần gũi, thân quen và hết lòng vì học trò.

Gian nan không ngại

Trước khi lên công tác tại Trường PTDTBT TH-THCS số 1 Kim Thủy (năm 2011), anh Đỗ Trung Quảng đã có 8 năm dạy học ở Phú Thủy (Lệ Thủy). Anh kể, ngày mới lên vùng đất mà nhiều người bảo “khỉ ho cò gáy” này, cuộc sống của anh và nhiều giáo viên khác rất vất vả, thiếu thốn đủ bề; trường phải mượn trụ sở UBND xã cũ đã xuống cấp để làm chỗ ở nội trú cho giáo viên và học sinh. Phần lớn học sinh của trường là người dân tộc Vân Kiều hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên việc bỏ học giữa chừng, nhất là sau các dịp nghỉ lễ, tết không phải chuyện hiếm. Để duy trì sĩ số các lớp học vì thế gian nan không khác gì một cuộc chiến.

Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội, anh Quảng được cử làm tổ trưởng tổ quản lý, chăm sóc học sinh bán trú và nhiệm vụ vận động học sinh cũng do anh đảm nhiệm chính.

Nhiều giáo viên trong trường đánh giá, những gì anh Quảng đã làm được còn hơn cả sự giao phó, mong đợi của nhà trường. Họ bảo anh là “bậc thầy thuyết phục”, bởi chưa thấy ai kiên trì như anh. Dường như anh chưa bao giờ bỏ cuộc, chịu thua trước trường hợp học sinh bỏ học nào. Những học sinh “lỳ lợm” nhất, sau khi được anh thuyết phục cũng ngoan ngoãn trở lại trường tiếp tục việc học hành. 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức hạn chế là nguyên nhân khiến nhiều học sinh người Vân Kiều ở Trường PTDTBT TH-THCS số 1 Kim Thủy bỏ học.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức hạn chế là nguyên nhân khiến nhiều học sinh người Vân Kiều ở Trường PTDTBT TH-THCS số 1 Kim Thủy bỏ học.

Thầy Đỗ Trung Quảng cho hay, mỗi lần đi vận động học trò đều là một kỷ niệm đáng nhớ đối với anh.

Có trường hợp, anh phải đi lại không dưới 7 lần, thậm chí cắm chốt ở nhà phụ huynh hay phải lặn lội vào tận Quảng Trị để “bắt” học sinh về. Trường hợp em Hồ Thị Liên (bản An Bai, xã Kim Thủy), học sinh lớp 9 là một điển hình. Anh kể, lúc đó, đang giữa học kỳ 1 lớp 7, em Liên đột ngột nghỉ học không lý do. Ngay cả gia đình Liên cũng không biết được nguyên nhân của việc em bỏ học.

Nhận nhiệm vụ, anh Quảng đã lặn lội lên tận nhà em để khuyên bảo, vận động em tới lớp, nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng. Lần thứ nhất, anh lên cắm chốt ở nhà em Liên cả ngày trời nhưng không có kết quả gì, em không hề “hé nửa lời”. Không nản chí, ngày hôm sau và ngày sau nữa, anh Quảng lại lên trò chuyện cùng em Liên. “Dường như quá nể sự lỳ lợm của thầy nên em Liên đã “dời tâm chuyển ý”, đồng ý trở lại trường”, anh Quảng hài hước chia sẻ.

Trường hợp của em Hồ Thị Xuân (bản Bang, xã Kim Thủy) cũng khiến anh Đỗ Trung Quảng tốn rất nhiều công sức để thuyết phục. Hoàn cảnh của em Xuân khá đặc biệt, bố mẹ ly hôn, em ở với người bố suốt ngày say xỉn và dì (vợ của bố). Không được sự quan tâm, kèm cặp của gia đình, Xuân nảy sinh tâm lý chán nản, không thích học và đúng lúc anh Quảng đi tập huấn, không có mặt ở trường, em bỏ học đi theo một thanh niên vào tận Quảng Trị. Biết tin, anh Quảng lập tức khăn gói vào Quảng Trị. Sau khi dò hỏi, tìm được chỗ ở của Xuân (tại nhà thanh niên nọ), anh Quảng đã tìm mọi cách để vận động em trở lại trường.

“Vất vả lắm tôi mới thuyết phục Xuân quay lại học, ấy vậy mà trở lại trường chưa được bao lâu, em lại bỏ trốn theo thanh niên ấy một lần nữa. Lần này, Xuân không ở lại nhà thanh niên mà đi làm thuê và ở tại một quán ăn gần đó. Sau năm lần bảy lượt kiên trì tìm đến thuyết phục, tôi mới dẫn được Xuân về trường và năm học 2018-2019, em ấy đã tốt nghiệp ra trường”, anh Quảng kể lại.

Đó chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp học sinh bỏ học được thầy giáo Đỗ Trung Quảng vận động thành công. Chỉ tính riêng trong năm học 2017-2018 và 2018-2019, anh đã vận động được hơn 10 học sinh từ bỏ ý định nghỉ học. Và nhờ “bậc thầy thuyết phục” ấy, trong 5 năm trở lại đây, Trường PTDTBT TH-THCS số 1 Kim Thủy không có học sinh nào bỏ học.

Nhân lên tình thương yêu

Ngoài việc hoàn thành tốt công tác chuyên môn, vận động học sinh bỏ học trở lại trường, thầy giáo Đỗ Trung Quảng còn thuyết phục được nhiều học sinh dân tộc Vân Kiều học xong chương trình THCS không đậu vào trường nội trú tỉnh, tiếp tục theo học các trường trung cấp, trường nghề trong tỉnh nhằm trang bị vốn kiến thức sau này lập nghiệp.

Không dừng lại ở đó, anh còn tích cực kết nối, kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất cho trường. Năm học 2018-2019, anh đã làm “cầu nối” kêu gọi các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh hỗ trợ hàng trăm suất quà với tổng trị giá trên 300 triệu đồng cho học sinh của trường...

Anh Đỗ Trung Quảng trong một buổi tập huấn CLB “Thủ lĩnh thay đổi” cho học sinh
Anh Đỗ Trung Quảng trong một buổi tập huấn CLB “Thủ lĩnh thay đổi” cho học sinh

Gần 9 năm gắn bó cùng ngôi trường vùng khó ấy, với những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của trường, anh Quảng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý mà không phải giáo viên nào cũng có được.

Nhưng anh bảo, đối với anh, phần thưởng lớn nhất chính tình cảm mà các học sinh dành cho mình. Sự tận tâm của người giáo viên ấy đã được bao thế hệ học trò đáp trả bằng tình yêu mến, kính trọng. Những việc làm, những lời động viên của thầy Quảng không chỉ “kéo chân” học sinh đến trường mà còn giúp các em định hướng được tương lai, tiếp thêm động lực để các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình cách đây không lâu, em Võ Khắc Kiều Trang, một cựu học sinh Trường PTDTBT TH-THCS số 1 Kim Thủy tâm sự: “Gần gũi học trò qua những sinh hoạt, phong trào trong trường học, thầy Tổng phụ trách Đội không chỉ là người thầy mà còn là người anh, người bạn đồng hành với học sinh trên bước đường thành nhân. Nhìn những ngày thầy lặn lội một chặng đường dài từ trường lên đến các thôn, bản, đến từng hộ gia đình để kêu gọi học sinh đi học mà chúng em thấy thương thầy. Đôi lúc thầy là thầy nhưng không phải thầy, thay vì đứng chỉ đạo thì tất cả mọi việc thầy đều làm trước cho chúng em thấy, chỉ chúng em từng cái nhỏ nhặt nhất... Rồi những ngày thầy gọi từng bạn đến thầy cắt tóc nhìn mà không cầm được cảm xúc. Không chỉ riêng chúng em mà các bậc phụ huynh sẽ không bao giờ quên được người Tổng phụ trách Đội như thầy...”.  

Tình yêu, sự quý trọng, tôn kính của học sinh là điều mà mọi giáo viên đều mong muốn có được trong sự nghiệp “gõ đầu trẻ” của mình. Và đó chính là phần thưởng xứng đáng mà thầy giáo Đỗ Trung Quảng đã “gặt hái” được bằng chính tấm lòng đối với học sinh.

Tâm An

Trang bìa tác phẩm "Hoàng Hiếu Nghĩa-chơi thơ và tri âm" của thầy Hoàng Hiếu Nghĩa.