Khai giảng, sao cứ chỉ lo phông màn, loa đài?

  • 09:52 | Thứ Tư, 28/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ngoài những bạn được lựa chọn diễn văn nghệ thì phần lớn cảm thấy mình bị "ra rìa", là người ngoài cuộc, không quan trọng. Đâu đó vẫn có những lễ khai giảng mà nhiều bạn nhỏ sốt ruột muốn về.
Khi lễ khai giảng kết thúc, trên gương mặt của các con vẫn còn hiện nụ cười và đó là một lễ khai giảng thành công thực sự - Ảnh: NHƯ HÙNG
Khi lễ khai giảng kết thúc, trên gương mặt của các con vẫn còn hiện nụ cười và đó là một lễ khai giảng thành công thực sự - Ảnh: NHƯ HÙNG
Mấy ngày hôm nay, con trai tôi (vừa bước vào lớp 1) thi thoảng nghêu ngao hát, là vì các con đang tập dượt cho lễ khai giảng. 
 
Tôi đã nghe nhiều và thấy rằng việc tập duyệt khai giảng đã trở thành quen thuộc và ở đâu cũng có. Có lẽ không chỉ ngày khai giảng mà rất nhiều ngày lễ khác trong năm đều được người lớn tạo ra để thể hiện sự quan tâm đối với thế hệ trẻ.
 
Nhưng dường như ở trường học cứ đến hẹn lại lên, nào loa đài, nào phông màn rực rỡ và thực sự người lớn rất ít để ý đến cảm xúc của các bạn nhỏ. Sự kiện có một khoảng cách chứ không đến gần được với các em. Ngoài những bạn được lựa chọn diễn văn nghệ thì phần lớn cảm thấy mình bị "ra rìa", là người ngoài cuộc, không quan trọng. Đâu đó vẫn có những lễ khai giảng mà nhiều bạn nhỏ sốt ruột muốn về.
 
Tôi hỏi con: "Sắp đến ngày khai giảng, con thích chứ?". Tất nhiên, một đứa trẻ 6 tuổi sẽ chờ đợi và rất thích thú với ngày khai giảng với việc được xúng xính áo đẹp, với cờ hoa rộn rã. Nhưng sao tôi vẫn thấy tiếc cho các con, bởi những ồn ào bề nổi của ngày hội đến trường. Vì đâu?
 
Cứ nghĩ trẻ vui với một ngày hội rình rang tiếng nhạc, sân khấu rực rỡ nhưng thực sự trẻ đâu cần một buổi lễ hoành tráng đến mức ấy? Ai cũng nghĩ khai giảng là cho các em nhưng rõ ràng việc tập duyệt quen thuộc hằng năm ấy khiến trẻ đánh mất đi cảm xúc thực sự? 
 
Sự rộn ràng của tiếng nhạc, sự hoành tráng của phông màn trang trí thực chất chỉ là bề nổi và trẻ cần một ngày lễ của riêng mình thực sự. Với trẻ mầm non và tiểu học, sự kiên nhẫn ngồi lắng nghe không hề dễ dàng. Vì vậy, các em cần sự gần gũi, cần nhập cuộc, cần được tham gia thay vì chỉ biết ngồi, chứng kiến và vỗ tay như những cái máy.
 
Một sân trường rộng lớn nhưng sao những đứa trẻ vẫn cảm thấy lẻ loi? Có khi nào ban giám hiệu thử đặt mình vào vị trí những đứa trẻ ấy - những người là trung tâm của giáo dục? 
 
Và ngày khai giảng phải khác ngày bình thường ở những điều giản dị, đó là khi mỗi trẻ được giữ một vai trò gì đó trong buổi lễ chứ không phải ngồi cho đông đủ. Tôi từng biết nhiều trẻ vào vai những ca sĩ "hát nhép", cảm thấy mình không được tin tưởng, chỉ là một nhân vật phụ đạo. Tôi cũng từng nghe những đứa trẻ cảm thấy mệt mỏi với những lễ khai giảng lê thê, chỉ có đọc thành tích là chính. Vậy các em thực sự đang ở đâu trong lễ khai giảng của chính mình?
 
Nhưng năm ngoái, tôi may mắn được dự lễ khai giảng tại Trường mầm non Sao Sáng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nơi con trai tôi học lớp 5 tuổi. Sau khi cô hiệu trưởng lên nói vài lời gửi gắm đến học sinh và phụ huynh (chứ không cầm giấy đọc thành tích) là đến các tiết mục văn nghệ của các bạn nhỏ. 
 
Với một phụ huynh, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và không hiểu sao mắt cay cay khi nhìn thấy các con háo hức dõi theo từng tiết mục xiếc. Những tiếng reo hò trong trẻo, những ánh mắt đen láy hồn nhiên và thích thú khi được bắt tay chú nghệ sĩ xiếc.
 
Khi ấy, tôi hiểu các con thực sự thấy đó là ngày hội của mình và dành cho chính mình. Khi lễ khai giảng kết thúc, trên gương mặt của các con vẫn còn hiện nụ cười và đó là một lễ khai giảng thành công thực sự, với tiêu chí không đọc diễn văn, không khí vui nhộn và không một bạn nhỏ nào cảm thấy mình là người ngoài cuộc. Kết thúc buổi lễ, phụ huynh cùng giúp các cô thu dọn ghế cho các con, cảm giác thật ấm áp, gần gũi và mọi người như gần nhau hơn.
 
Có lẽ khai giảng hay bất cứ ngày lễ nào trong năm, dù diễn ra ở trường hay ở tổ dân phố, dành cho trẻ, chúng ta hãy để ý nhiều hơn đến cảm xúc của các em thay vì đầu tư sân khấu hoành tráng, âm thanh rộn rã chỉ để thỏa mãn mục đích của người lớn. Nhưng mấy trường làm được, tự thay đổi mình và dám thay đổi cách tổ chức vì các con, để các con thực sự là trung tâm của buổi lễ?
 
Theo NGUYỆT ANH (Tuổi trẻ)