.
Nhân Ngày Học sinh, sinh viên 9-1:

Học sinh sáng tạo

.
08:41, Thứ Tư, 09/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2018-2019 vừa khép lại. 4 dự án của học sinh các Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Lệ Thủy, THCS Tân Hóa và THCS Quảng Tùng đã xuất sắc giành giải nhất. Đây là lần thứ 6, Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học, mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, khơi nguồn sáng tạo cho học sinh toàn tỉnh.

Xác định vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), ngay khi có công văn hướng dẫn của sở, hầu hết các đơn vị trực thuộc và các phòng GD-ĐT đã phát động sâu rộng công tác nghiên cứu KHKT trong toàn thể học sinh (HS) của đơn vị mình và chủ động tổ chức các cuộc thi cấp cơ sở để lựa chọn những dự án tiêu biểu tham gia cuộc thi cấp tỉnh.

Chủ nhân của 6 dự án xuất sắc được chọn tham gia cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2018-2019.
Chủ nhân của 6 dự án xuất sắc được chọn tham gia cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2018-2019.

Năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT đã nhận được hồ sơ tham gia dự thi của 30 đơn vị trực thuộc và 8 phòng GD-ĐT, với 100 dự án. Qua vòng sơ khảo và lựa chọn được 73 dự án tiêu biểu thuộc các lĩnh vực toán học, phần mềm hệ thống, kỹ thuật cơ khí, hệ thống nhúng, năng lượng, vi sinh, khoa học thực vật, y sinh, hóa học, hóa sinh, khoa học xã hội và hành vi… tham gia vòng thi cấp tỉnh tại khu vực trưng bày.

Ông Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban Giám khảo trao đổi: Kế tục sự thành công của 5 lần thi trước, cuộc thi lần này một lần nữa khẳng định tiềm năng sáng tạo, sự đam mê nghiên cứu của HS tỉnh ta; cũng như khẳng định được sự quan tâm đối với công tác nghiên cứu khoa học của các đơn vị trường học.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, các đề tài tham gia cuộc thi đã đi vào chiều sâu, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đời sống, giải quyết những vấn đề đặt ra trong sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày.

Những dự án đạt giải cao đã thể hiện sự dày công nghiên cứu của các tập thể và cá nhân HS cũng như sự đầu tư của nhà trường và giáo viên trong công tác tư vấn, hướng dẫn. Nội dung trình bày trong báo cáo của HS thể hiện được quy trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, xác định đúng mục tiêu và phương pháp nghiên cứu.

Có nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao như:  “Phương pháp mới trong chưng cất nhằm loại bỏ độc tố andehit và methanol ra khỏi rượu áp dụng cho hộ gia đình nấu rượu thủ công” của nhóm tác giả Nguyễn Khắc Hiếu và Trương Quang Hiểu, học sinh Trường THCS Tân Hóa (Minh Hóa); “Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời” của nhóm tác giả Nguyễn Mai Thùy Dương và Bùi Quang Bảo, học sinh Trường THCS Quảng Tùng (Quảng Trạch); “Chế tạo hệ thống hấp thu rung động và tái tạo năng lượng” của nhóm tác giả Đặng Thủy Nguyên và Trần Xuân Du, học sinh Trường THPT Lệ Thủy; “Thùng lọc nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất hộ gia đình vào mùa lũ” của nhóm tác giả Đoàn Thị Kim Chi và Hoàng Minh Quý, học sinh Trường THCS Đồng Hóa (Tuyên Hóa); "Thuyền đưa đón học sinh vùng cồn bãi có phao tự động chạy bằng năng lượng tự nhiên” của nhóm tác giả Dương Hoài Nam và Trần Thị Kim Huệ, học sinh Trường THCS Quảng Minh (TX. Ba Đồn)…

Ngoài ra, còn nhiều dự án khác thể hiện ý tưởng độc đáo, khả năng sáng tạo mà các thí sinh đã đưa đến cuộc thi lần này.

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các em HS là chủ nhân của các dự án được chọn tham gia tại khu vực trưng bày trả lời khá lưu loát, rõ ràng các câu hỏi mà Ban giám khảo đặt ra, điều này thể hiện các em nắm rất chắc kiến thức, phương pháp và mục đích nghiên cứu dự án của mình.

Hai em Võ Xuân Phương và Phạm Quang Nhật Minh, HS Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, chủ nhân của dự án giành giải nhất “Năng lực ứng phó với thiên tai của học sinh phổ thông vùng rốn lũ - hiện trạng và giải pháp”, tâm sự: "Quảng Bình là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai khắc nghiệt. Nhất là những vùng “rốn lũ” phải gánh chịu nhiều thiệt hại to lớn, trong đó, HS là đối tượng dễ bị tổn thương.

Vì vậy, chúng em đã tập trung nghiên cứu trường hợp HS xã Quảng Lộc theo học tại Trường THPT Lê Lợi (TX. Ba Đồn), nhằm đánh giá một cách chuẩn xác về những hiểu biết và kỹ năng của nhóm đối tượng này trong ứng phó với thiên tai. Từ đó giúp các bạn có phương án, giải pháp nâng cao năng lực và có sự chuẩn bị ứng phó với các trường hợp nguy hiểm, giúp giảm nhẹ rủi ro do thiên tai là hết sức cấp thiết. Đồng thời, các bạn ấy sẽ là cầu nối phổ biến kiến thức giảm nhẹ rủi ro thiên tai đến với gia đình và cộng đồng."

Còn với Đặng Gia Lê Hoàn và Nguyễn Công Thành, HS Trường THCS Hải Đình (TP. Đồng Hới), chủ nhân đề án “Nghiên cứu xác định thành phần hóa học có trong hoa bông ổi và ứng dụng sản xuất thuốc diệt chuột” được trao giải nhì tại hội thi cho biết: "Để diệt trừ chuột người dân thường sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm độc cấp tính chuột ăn vào chết ngay. Nhưng lại có nhược điểm lớn là các con vật, kể cả người ăn nhầm thì rất khó cứu chữa. Vì vậy, để an toàn cho cuộc sống, mọi người rất muốn sử dụng các sản phẩm diệt chuột có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Chúng em đã cùng chung ý tưởng nghiên cứu hoạt chất chống đông máu từ cây bông ổi (một loại cây có rất nhiều ở tỉnh ta) để làm thuốc diệt chuột. Qua quá trình thử nghiệm thực tế, chúng em thấy rất hiệu quả và có thể nhân rộng một cách an toàn loại thuốc diệt chuột có nguồn gốc từ thiên nhiên này."

 Sản phẩm của dự án “Nghiên cứu xác định thành phần hóa học có trong hoa bông ổi và ứng dụng sản xuất thuốc diệt chuột” của Đặng Gia Lê Hoàn và Nguyễn Công Thành, HS Trường THCS Hải Đình đạt giải nhì tại vòng chung kết cấp tỉ
Sản phẩm của dự án “Nghiên cứu xác định thành phần hóa học có trong hoa bông ổi và ứng dụng sản xuất thuốc diệt chuột” của Đặng Gia Lê Hoàn và Nguyễn Công Thành, HS Trường THCS Hải Đình đạt giải nhì tại vòng chung kết cấp tỉnh.

Lần đầu tiên đến với cuộc thi của HS Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dân Hóa, Đinh Nữ Quỳnh Như và Hồ Thị Na chia sẻ về lý do chọn đề tài “Tìm hiểu tập tục cưới vợ ba lần của đồng bào người Khùa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình - Những biến đổi và giải pháp lưu giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp” (đạt giải ba): "Chúng em là những HS hiện đang sống và học tập trên địa bàn xã Dân Hóa, nơi có đồng bào người Khùa sinh sống; được tham dự nhiều đám cưới và nghe mọi người trong bản làng kể về đám cưới truyền thống của người Khùa.

Từ đó, chúng em đã nảy ra ý tưởng tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo trong phong tục cưới vợ ba lần của người Khùa cũng như những biến đổi của nó trong thời gian gần đây; nhằm loại bỏ dần những điểm hạn chế, đồng thời đưa ra giải pháp để lưu giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp có trong lễ cưới cho các thệ hệ con cháu mai sau."

Tuy không tránh khỏi những hạn chế nhất định, nhưng có thể khẳng định rằng, cuộc thi KHKT dành cho HS trung học đã phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra sân chơi bổ ích cho các em từ lớp 9 đến lớp 12 trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua đó thúc đẩy phong trào học tập nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong HS, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường. Đồng thời, qua cuộc thi này Sở GD-ĐT cũng đã lựa chọn được 6 dự án tiêu biểu (4 dự án đạt giải nhất; 2/6 dự án đạt giải nhì) đại diện cho học sinh Quảng Bình tham gia cuộc thi cấp quốc gia tại Hà Nội trong thời gian tới.

Nội Hà
 

,