.

Bộ Giáo dục-Đào tạo: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

.
10:23, Thứ Năm, 10/01/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Chiều 9-1, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại 64 điểm cầu trong cả nước, nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế tại các tỉnh, thành phố và các đơn vị giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì.
 
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã tổ chức xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới để nâng cao chất lượng giáo dục thế hệ trẻ, đáp ứng những đòi hỏi của thực tế và bắt kịp xu thế chung của nhân loại; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
 
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành việc xây dựng chương trình GDPT mới, gồm chương trình tổng thể (khung chương trình) và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình GDPT mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
 
Theo Bộ GD-ĐT, chương trình GDPT mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành, là giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.
 
Chương trình GDPT mới sẽ được thực hiện theo lộ trình như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
 
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định kết quả của chương trình GDPT mới phụ thuộc việc triển khai thực tiễn, trong đó có đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý. Vì thế thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình.
 
Do đó, hai nhiệm vụ sẽ được ngành GD-ĐT chú trọng thời gian tới là hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo; chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình. Rút kinh nghiệm từ những lần đổi mới trước, lần này Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ liên quan chuẩn bị đội ngũ nhà giáo cũng như cơ sở vật chất giảng dạy, những yếu tố này đang được triển khai ở các mức độ khác nhau. 
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng mong muốn lãnh đạo các địa phương tăng cường trao đổi để cùng Bộ GD-ĐT tham mưu Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt ra khỏi phạm vi của Bộ để giải quyết kịp thời.  “Thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự nhịp nhàng phối hợp giữa các bên liên quan”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Nội Hà
 
 
 
,