.

Xây dựng văn hóa ứng xử trường học giai đoạn 2018-2025

.
07:46, Thứ Tư, 19/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 2079/KH-UBND giao Sở Giáo dục-Đào tạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trường học giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
 
Mục tiêu của đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo (NG), nhân viên, học sinh (HS), sinh viên (SV) để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT); góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
 
Theo đó, kế hoạch của UBND tỉnh được cụ thể hoá thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2018-2020: 100% trường học xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học (gọi tắt là Bộ Quy tắc ứng xử) theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ GD-ĐT tạo ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường.
 
Giai đoạn 2021-2025: 100% cán bộ quản lý (CBQL), NG, nhân viên, HS, SV được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; 100% CBQL, NG, nhân viên, cán bộ công đoàn giáo dục, đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt về tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Có ít nhất 95% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.
 Trong chương trình giáo dục phổ thông cần lựa chọn các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của học sinh.
Trong chương trình giáo dục phổ thông cần lựa chọn các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của học sinh.
Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh đã đưa ra những giải pháp quyết liệt. Trước hết là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Với yêu cầu phải tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ NG, CBQL giáo dục, nhân viên, HS, SV, gia đình và cộng đồng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; về mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, gia đình người học, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, NG, cán bộ, nhân viên trong trường học.
 
Chú trọng tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, yêu thương con người và truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc ta; nêu gương cán bộ, NG, nhân viên và người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử, các cá nhân điển hình, mô hình nhà trường thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa ứng xử. Cần phải đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên báo chí, truyền hình và các phương tiện thông tin khác của trung ương, địa phương, nhà trường.
 
Thứ hai, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học, trên cơ sở quy định quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ GD-ĐT ban hành, các cơ sở giáo dục (CSGD) xây dựng, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (CBQL, NG, nhân viên, HS, SV, cha mẹ HS...). Bộ Quy tắc ứng xử phải được niêm yết công khai; thường xuyên phổ biến, quán triệt trong các tiết học chính khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS...
 
Phát huy tính gương mẫu của CBQL, NG, nhân viên và trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử; chú trọng xây dựng nhân cách người thầy. Đẩy mạnh giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho CBQL, NG, nhân viên, HS, SV; tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học.
 
Thứ ba, CSGD phải đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, HS, học viên, SV trong các CSGD; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo, vùng miền. Giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho NG, người học.
 
Cụ thể, đối với CSGD mầm non cần bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non, trong các chuyên đề lễ giáo, hoạt động giáo dục... để hình thành và phát trỉển ở trẻ em ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi (lễ phép, kính trọng, yêu thương thầy, cô giáo, ông bà, cha mẹ; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu cái đẹp).
 
Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cần bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động giáo dục; trong chương trình giáo dục phổ thông, lựa chọn các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử, lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của HS; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, lòng tự trọng; tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè; chia sẻ, bao dung của người học. Xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căng tin, trực nhật...).
Các cơ sở giáo dục đặc biệt coi trọng phương pháp trải nghiệm, thực hành các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học.
Các cơ sở giáo dục đặc biệt coi trọng phương pháp trải nghiệm, thực hành các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học.
Đồng thời, phải đổi mới phương pháp dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục chính trị, ngữ văn, lịch sử..., theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trong đó, đặc biệt coi trọng phương pháp trải nghiệm, thực hành các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học; giáo dục kiến thức pháp luật, trách nhiệm công dân; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý HS.   
 
Phát huy vai trò của tổ chức đoàn, hội, đội, tổ chức đa dạng hình thức giáo dục ứng xử văn hóa, thể hiện tinh thần yêu nước, tôn trọng giá trị lịch sử truyền thống văn hóa tốt đẹp cho HS, SV thông qua hoạt động hát Quốc ca, lễ chào cờ Tổ quốc và các hoạt động tập thể.
 
Tăng cường giáo dục, định hướng để HS, SV sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, khởi nghiệp, giải trí lành mạnh và thể hiện ứng xử văn hóa trong môi trường mạng internet, các mạng xã hội; thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng.
 
Thứ tư, nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử, bằng việc tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho HS, SV đối với đội ngũ CBQL giáo dục các cấp; tổ chức các hoạt động về giáo dục văn hóa ứng xử trong chương trình đào tạo giáo viên trong các cơ sở đào tạo sư phạm theo các chuyên đề, tài liệu giáo dục để xây dựng đội ngũ NG gương mẫu, có lòng tự trọng, nhân cách và lối sống văn hóa.
 
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Trong đó, nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả; tổ chức xử lý các cá nhân có hành vi vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử, công bố công khai kết quả xử lý các vụ việc liên quan. Gia đình có trách nhiệm chính giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và cộng đồng; phối hợp với nhà trường xây dựng và thực hiện các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình cho trẻ mầm non và HS phổ thông trong từng năm học.
 
Đối với chính quyền địa phương, cần xác định nhiệm vụ xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là nội dung quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương; chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học theo thẩm quyền. Có trách nhiệm chính trong tuyên truyền, vận động, phối hợp các lực lượng trên địa bàn, tạo điều kiện để xây dựng văn hóa ứng xử cho người học tại cộng đồng; hỗ trợ người học gặp khó khăn, xử lí kịp thời các vi phạm, bảo đảm an toàn cho người học. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa ứng xử trong các nhà trường; có hình thức động viên khen thưởng các trường học làm tốt; xử lý đối với các đơn vị để xảy ra các vấn đề về bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn hóa.
 
Nội Hà
,