.

Ưu đãi cho sinh viên sư phạm: Đừng tiếp tục lãng phí

.
15:22, Thứ Năm, 27/12/2018 (GMT+7)
Theo nhiều chuyên gia, cần xem xét, đánh giá nghiêm túc, công bằng và thấu đáo về chính sách học phí, tín dụng đối với sinh viên sư phạm để tránh lãng phí ngân sách.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong khu tự học của trường - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong khu tự học của trường - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Chính phủ vừa công bố dự thảo nghị định quy định chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Nghị định này áp dụng với người theo học ngành đào tạo giáo viên tại các trường trung cấp, CĐ, ĐH và các cơ sở đào tạo được phép đào tạo giáo viên.
 
Làm trong ngành giáo dục được miễn trả nợ vay
 
Theo đó, người theo học sư phạm sẽ được hưởng chính sách tín dụng sư phạm, tức cho vay để hỗ trợ chi trả chi phí đào tạo phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong toàn khóa học. Thay vì miễn học phí, người học ngành sư phạm được vay tín dụng bằng mức học phí, kèm theo sinh hoạt phí hằng tháng.
 
Mức vốn cho vay đảm bảo đủ để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí cho học sinh, sinh viên sư phạm trong toàn khóa học, cụ thể: mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học (học phí); chi trả chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian đào tạo, tối đa 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên (sinh hoạt phí) và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học với lãi suất 0,5%/tháng.
 
Cũng theo dự thảo này, sinh viên ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu 5 năm sẽ không phải hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm. Trong vòng 2 năm từ khi tốt nghiệp mà không công tác trong ngành mới phải hoàn trả khoản vay. Nếu học sinh, sinh viên sư phạm không làm việc trong ngành giáo dục phải trả 100% khoản vay tín dụng và lãi suất của khoản vay.
Thay đổi chính sách sẽ có tác động đến quá trình đổi mới giáo dục. Với người học, khi quyết định chọn nghề giáo họ sẽ là những người rất có trách nhiệm với quyết định của mình, nỗ lực hoàn thiện bản thân để bước lên bục giảng truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau. Với trường sư phạm, nhà trường đứng trước áp lực đổi mới, cải tiến toàn diện để khẳng định chất lượng.
 
TS Nguyễn Thị Minh Hồng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Hướng đến chính sách đầu ra về lương giáo viên

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc đầu tư ngân sách cho sinh viên ngành sư phạm trong thời gian qua chưa gắn chặt với trách nhiệm người thụ hưởng.
 
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm áp dụng từ năm 1998 đến nay cũng tỏ ra nhiều hạn chế, lỗi thời. Do vậy, cần phải xem hướng đến chính sách đầu ra về lương giáo viên, thay cho chính sách ưu đãi học phí, tín dụng để tránh sự lãng phí.
 
Thực tế, khi chọn ngành học của học sinh, bên cạnh sự phù hợp, yêu thích với ngành nghề thì câu hỏi tiếp theo sẽ là liệu khi tốt nghiệp, họ có cơ hội việc làm, thu nhập và có thể sống bền bỉ với nghề hay không?
 
PGS.TS Nguyễn Thám - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) - cho rằng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã có thời gian dài tác động tích cực đến tuyển sinh sư phạm, đặc biệt là thời kỳ đó sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội làm việc đúng ngành đã chọn.
 
"Hiện nay học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm, chủ yếu là cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp quá khó khăn. Nếu nhìn bức tranh sinh viên sư phạm ra trường khó tìm kiếm việc làm, nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp và nguồn đầu tư cho chính sách cấp bù sư phạm (miễn học phí) thì chúng ta không khỏi băn khoăn về sự lãng phí ngân sách" - ông Thám nói.
 
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng cần nhanh chóng bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vì chính sách này gây nhiều lãng phí, trong khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều.
 
Hơn nữa, nhiều sinh viên sư phạm sau khi được học miễn phí ra trường lại làm cho nơi khác chứ không phục vụ cho sư phạm, gây lãng phí.
 
"Không phải vì miễn học phí mà thu hút học sinh vào, thậm chí còn gây ra tác dụng ngược. Học sinh thi vào sư phạm không vì đam mê yêu thích mà chủ yếu vì được miễn học phí. Chính sách này có thể còn khiến cho sinh viên lười học, bởi vậy phải đóng tiền thì sinh viên mới cố gắng học.
 
Theo tôi, cho vay tín dụng sư phạm có ưu điểm hơn so với việc miễn học phí, em nào học thì cho vay tiền. Nếu ra trường làm sư phạm thì sẽ hoàn trả cho các em, còn nếu làm ngoài thì các em phải trả lại số tiền này.
 
Nhưng về lâu dài cần phải tính đến việc chăm lo đời sống, chính sách lương giáo viên... thì mới có thể thu hút được người giỏi theo học ngành sư phạm được" - ông Dũng nhấn mạnh.
 
Theo ThS Nguyễn Thị Yến Nam - trưởng phòng kế hoạch tài chính Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, rất nhiều nước không có chính sách tài chính riêng cho sinh viên sư phạm. Tất cả sinh viên đều được tham gia tín dụng sinh viên với lãi suất thấp và một số được cấp học bổng tùy theo điều kiện của mỗi chương trình hỗ trợ.
 
"Để thu hút người giỏi trở thành giáo viên, các nơi như Hàn Quốc, Phần Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) tuyển sinh đầu vào gắt gao và trả lương rất cao cho giáo viên. Chính việc xác định như vậy đã định hướng giải pháp cơ bản để duy trì đội ngũ giáo viên có chất lượng gồm: trả lương cao, tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm đòi hỏi chuẩn mực cao, đảm bảo việc làm cho giáo viên" - bà Nam nói.
Nên cấp học bổng
 
Lãnh đạo một trường đào tạo ngành sư phạm ở TP.HCM cũng cho rằng để tạo thêm sự đột phá và tránh cào bằng thì nên chuyển sang cấp học bổng thay vì cho vay sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm.
 
"Khi chuyển thành học bổng thì chỉ những sinh viên giỏi mới được nhận. Chỉ nên có khoảng 30% sinh viên giỏi tốp đầu được cấp học bổng hằng tháng với mức bằng số học phí và sinh hoạt phí hằng tháng hoặc cao hơn; 20% sinh viên thứ hạng tiếp theo được nhận 50% số học bổng trên và số còn lại chỉ được vay học phí. Có như vậy mới tránh được sự cào bằng và tạo động lực học tập cho sinh viên" - vị này kiến nghị.
Theo TRẦN HUỲNH (Tuổi trẻ)
,
  • Nỗ lực 'trồng người' trên vùng cao biên giới

    (QBĐT) - Trường THCS và THPT Hóa Tiến đứng chân trên địa bàn xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa - mảnh đất  một thời oanh liệt với các địa danh gắn liền con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, 20 năm qua, thầy và trò Trường THCS và THPT Hóa Tiến đã không ngừng nỗ lực vươn lên, hoàn thành sứ mệnh "trồng người" trên vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh.

    27/12/2018
    .
  • Lệ Thủy: Có 81,7% gia đình đạt "Gia đình học tập"

    (QBĐT) - Ngày 25-12, Hội Khuyến học huyện Lệ Thủy đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai đại trà xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở theo Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ. 

    25/12/2018
    .
  • Thi THPT quốc gia 2019: Cách ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả

    So với đề thi THPT quốc gia 2018, đề thi tham khảo 2019 không có sự thay đổi về cấu trúc đề thi.
     
    25/12/2018
    .
  • Ấn tượng từ một cuộc thi

    (QBĐT) - Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TP. Đồng Hới vừa tổ chức thành công cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh THCS năm học 2018-2019. Không chỉ có sự gia tăng về số lượng đề án tham gia mà chất lượng cuộc thi năm nay cũng được ban tổ chức đánh giá là cao hơn so với năm trước.

    24/12/2018
    .
  • Tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, cao đẳng nghề

    Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 21/2018/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-1-2019.
     
    24/12/2018
    .
  • Chuyên gia chia sẻ 40 'chiêu' giúp học từ vựng tiếng Anh tốt hơn

    Trong một hội thảo về chủ đề Học từ vựng do Elight Learning English tổ chức mới đây, ông Mark Krzanowski, một chuyên gia với kinh nghiệm 30 năm giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới, đã chia sẻ với các sinh viên, học sinh 40 "chiêu" học từ vựng tiếng Anh nhanh nhớ, lâu quên.
     
    21/12/2018
    .
  • Chia sẻ khó khăn với học sinh vùng khó

    (QBĐT) - Nhằm chia sẻ khó khăn với những ngôi trường vùng khó, qua sự kết nối của Sở Giáo dục-Đào tạo, ngày 19-12, Trường tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới) đã đến giao lưu, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường tiểu học Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch) và Trường tiểu học Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh).

    20/12/2018
    .
  • Học sinh Quảng Bình giành giải Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc và học bổng 1,5 tỷ đồng

    (QBĐT) - Thông tin từ Sở Giáo dục-Đào tạo vừa cho biết, em Lê Văn Thái Sơn, học sinh Trường tiểu học Đại Phong đã xuất sắc giành giải Trạng nguyên và học bổng 1,5 tỷ đồng tại vòng chung kết "Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc 2018".

    19/12/2018
    .