.

Điều chuyển giáo viên có gây ảnh hưởng chất lượng?

.
07:55, Thứ Sáu, 02/11/2018 (GMT+7)
Tình trạng thừa thiếu giáo viên diễn ra ở các cấp học. Một số địa phương đã tiến hành điều chuyển giáo viên nhưng giải pháp này nảy sinh nhiều bất cập.
 
Giáo viên lúng túng, học sinh thiệt thòi!
 
Để giải bài toán thừa - thiếu giáo viên, thời gian qua, một số địa phương đã phải đưa ra giải pháp tình thế bằng cách luân chuyển giáo viên trung học cơ sở xuống dạy bậc mầm non, tiểu học.
 
Một số tỉnh, thành phố như Nghệ An, Đà Nẵng đã giải quyết bài toán dôi dư  giáo viên THCS bằng cách điều chuyển xuống dạy mầm non, hay tiểu học sau quá trình bồi dưỡng, đào tạo lại. Tuy nhiên, ngay đầu năm học này, vụ việc 131 giáo viên Văn và Toán bậc THCS ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa bất ngờ nhận lệnh điều chuyển xuống dạy tiểu học khi bắt đầu năm học gây bất bình cho nhiều giáo viên, khiến cho người học không khỏi lo lắng về chất lượng dạy học.
 
Tại huyện Diễn Châu, thầy Y - một giáo viên dạy môn Văn bậc THCS với thâm niên 20 năm bị điều chuyển xuống dạy môn Đạo đức, Thể dục ở tiểu học. Những gì gắn bó với thầy Y suốt 20 năm đã ngấm vào máu, thành kỹ năng, kỹ xảo nghề thì nay bỗng không có giá trị gì. Thầy Y cho rằng, đây là quyết định bất hợp lý, bởi những giáo viên như thầy được đào tạo chuyên môn chuyên sâu, nghiệp vụ, phương pháp, kiến thức để dạy bậc THCS giờ chuyển xuống tiểu học.
 
Thầy Y lo rằng, mình không hoàn thành được công việc được giao và nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cùng danh dự của người giáo viên. Một giáo viên môn Văn khác cũng bị điều chuyển xuống tiểu học lo lắng cho biết, ngay bản thân phụ huynh có con học họ cũng không muốn gửi con cho họ vì bản thân những giáo viên này còn mơ hồ không hình dung được dạy ra sao. 
 
Lý giải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng chuyển giáo viên THCS xuống tiểu học cũng chỉ là giải pháp tình thế khi không còn cách lựa chọn nào tốt hơn. Hiện Nghệ An đang thừa khoảng 1.000 giáo viên THCS, trong khi lại thiếu giáo viên tiểu học và mầm non. Nhiều ý kiến lo lắng, với mầm non thì ngoài kiến thức còn đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng, phương pháp sư phạm chuyên biệt để nắm bắt tâm lý, nếu không sẽ rất dễ xảy ra tình trạng bạo lực, hành hung trẻ.
 
Không chỉ giáo viên mà ngay hiệu trưởng nhiều trường cũng cho rằng, giải pháp này sẽ làm “khó” giáo viên và ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Bà Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM) cho rằng: “Việc chuyển đổi giáo viên như vậy là không phù hợp. Ở bậc tiểu học, giáo viên được đào tạo để dạy nhiều môn, còn ở bậc THCS giáo viên đào tạo theo phân môn. Ngoài ra, 2 bậc học này có kỹ năng và phương pháp giảng dạy hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn giáo viên ngữ văn sẽ gặp khó khăn khi dạy học sinh tiểu học đánh vần, tập viết... Dù các nhà quản lý có cho rằng, sẽ bồi dưỡng giáo viên hay vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm thì tôi khẳng định là không ổn. Cuối cùng chỉ có học sinh là đối tượng chịu thiệt thòi nhất”.
 
Trước tình trạng đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các địa phương cần tránh tình trạng chưa chuẩn bị điều kiện tối thiểu cho giáo viên đúng theo yêu cầu của từng bậc học, cấp học. Không thể vì thiếu quá, bí quá mà chúng ta vội vàng đưa giáo viên THCS xuống dạy mầm non chỉ sau vài tháng tập huấn.
 
Cần có giải pháp lâu dài
 
Theo lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nguyên nhân của việc dôi dư nhiều giáo viên ở cấp THCS được Bộ đánh giá là do thiếu dự báo, quy hoạch tổng thể nhu cầu của đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, giải pháp luân chuyển giáo viên từ bậc THCS xuống dạy tiểu học, mầm non đang nảy sinh nhiều bất cập bởi lẽ, bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt.
GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Giải pháp tình thế này chỉ là để giáo viên khỏi thất nghiệp. (Ảnh:  minh họa)
GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Giải pháp tình thế này chỉ là để giáo viên khỏi thất nghiệp. (Ảnh: minh họa)
Về vấn đề này, GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Giải pháp tình thế này chỉ là để giáo viên khỏi thất nghiệp chứ giáo viên THCS mà xuống dạy mầm non thì không thể dạy được. Bởi nó vừa ảnh hưởng chất lượng các bậc học vừa khiến tâm lý giáo viên bị xáo trộn. Bản thân phụ huynh cũng muốn con học giáo viên được đào tạo đúng bộ môn chứ không phải là giáo viên tay ngang.
 
“Giải pháp lâu dài, Bộ GD-ĐT phải dự báo từ nay đến năm 2025 với tốc độ phát triển dân số của nước ta thì số lượng học sinh ở từng cấp học sẽ là bao nhiêu để đào tạo giáo viên đáp ứng. Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng đào tạo ồ ạt của các trường sư phạm, đào tạo bất chấp quy luật phát triển, quy luật cung cầu của xã hội” - GS Dong đề xuất.
 
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non không thể làm ồ ạt. Bởi, điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non có thể gây ra nhiều bất cập, thậm chí sẽ phát sinh rất nhiều tình huống ảnh hưởng tới chất lượng của bậc học này. Do đó, theo ông Nhĩ, muốn điều chuyển giáo viên từ bậc trung học cơ sở xuống dạy bậc tiểu học, mầm non thì cần có chế độ chính sách phù hợp, ví như được giữ nguyên bậc lương. Đồng thời, số giáo viên động viên được đó phải được đào tạo lại trước khi điều chuyển để họ đảm bảo yêu cầu giảng dạy. “Muốn giải quyết tận gốc bài toán thừa thiếu giáo viên, đề nghị Bộ Nội vụ cần xác định lại định mức giáo viên/tỷ lệ học sinh hiện nay để tính toán xem thừa, thiếu ra sao” - ông Nhĩ đề xuất thêm.../.
 
Theo Hoàng Dũng/Báo VOV
,