.

'Ngành Giáo dục Quảng Bình mãi mãi ghi ơn anh Trần Sự!'

.
10:50, Thứ Sáu, 26/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là lời tâm sự chân thành và đầy xúc động của ông Nguyễn Chất, cán bộ hưu trí phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Quảng Bình từ năm 1989, khi Quảng Bình trở về địa giới cũ. Thời điểm ấy, ông Trần Sự là Chủ tịch UBND tỉnh. Bằng những quyết sách đúng đắn, kịp thời, ông đã đặt nền móng quan trọng cho giáo dục Quảng Bình trong bối cảnh vô cùng khó khăn của những ngày đầu tách tỉnh.
 
Dù đã gần 30 năm trôi qua, ông Nguyễn Chất vẫn nhớ như in thời điểm tỉnh nhà trở về địa giới cũ vào tháng 7-1989. “Khi chia tỉnh, Quảng Bình được chia 800 triệu đồng. Giữa ngổn ngang khó khăn, số tiền ấy nếu đem chia cho tất cả các ban, ngành chắc cũng chỉ như muối bỏ bể. Thế rồi anh Trần Sự đã quyết định sử dụng gần hết 800 triệu đồng để xây dựng Trường THPT Đào Duy Từ. Nhờ đó, giữa thị xã gần như trơ trụi, ngôi trường vững chãi đã mọc lên, trở thành niềm tự hào của người dân Đồng Hới và của cả tỉnh Quảng Bình lúc bấy giờ!”.
 
Tiếp đó là Trường trung cấp sư phạm Quảng Bình, tiền thân của Trường đại học Quảng Bình ngày nay. Ông Trần Sự đã quyết định cho mua lại toàn bộ khu đất từ một doanh nghiệp để xây dựng lại trường, bởi trong thời gian nhập tỉnh, Quảng Bình không có trường sư phạm như Quảng Trị và Huế. Rồi đất xây dựng Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh cũng được mua lại từ Công ty dược phẩm Quảng Bình. Tiếp theo là các trường cấp 1, cấp 2 đua nhau mọc lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, hạ tầng giáo dục Quảng Bình đã được khoác một diện mạo mới, dù bối cảnh của tỉnh nhà còn đầy khó khăn.
 Trường THPT Đào Duy Từ hôm nay. Ảnh: M.Q
Trường THPT Đào Duy Từ hôm nay. Ảnh: M.Q
Thời điểm ấy, toàn tỉnh chỉ có khoảng gần 9.000 cán bộ giáo viên, vừa thiếu về số lượng vừa chưa bảo đảm yêu cầu chất lượng. Và bắt đầu từ năm 1990, đội ngũ cán bộ, giáo viên tỉnh nhà được tập trung đào tạo. Về lĩnh vực quản lý giáo dục, trong vai trò Chủ tịch UBND tỉnh, ông đã nhận thấy những bất cập khi các huyện, thị xã quản lý bậc học mầm non, cấp 1, cấp 2 luôn diễn ra tình trạng nợ lương giáo viên và bố trí biên chế chưa phù hợp.
 
“Lúc này, anh Sự quyết định sẽ chuyển giao cả ba bậc học nói trên về cho Sở quản lý. Để làm được điều này, anh đã đưa vấn đề ra kỳ họp HĐND tỉnh. Kết quả, HĐND tỉnh thống nhất thông qua. Sở Giáo dục-Đào tạo được giao quản lý toàn ngành về quy hoạch, kế hoạch, nhân sự, tài chính. Trong bối cảnh đó, đây là một quyết sách đúng đắn mà nhiều tỉnh trong khu vực chưa làm được, góp phần ổn định cả về chất lượng, số lượng đội ngũ và mang lại những thuận lợi trong hoạt động của ngành Giáo dục!”, ông Chất chia sẻ.
 
Lúc bấy giờ, trong các bậc học, mầm non là bậc học vất vả nhất. Từ năm 1989 trở về trước, hầu hết giáo viên mầm non đều nhận lương bằng hiện vật như lúa, ngô, khoai, sắn, tôm cá, nước mắm… tùy thực tế từng địa phương. Nhiều giáo viên yêu nghề, mến trẻ nhưng đành ngậm ngùi chia tay trường lớp bởi cuộc sống quá khó khăn và biên chế chỉ dành cho các giáo viên trong ban giám hiệu. Và việc đầu tiên mà Chủ tịch tỉnh Trần Sự chia sẻ với giáo viên mầm non là quyết định trích từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ mỗi giáo viên mầm non 50.000 đồng/tháng.
 
“Đó là năm 1991, nhiều giáo viên mầm non lần đầu tiên được trả thù lao bằng tiền mặt đã òa lên khóc. Thế rồi, số tiền phụ cấp cứ tăng dần lên đến 80.000 đồng rồi 120.000 đồng vào năm 1995. Không dừng lại ở đó, anh Trần Sự còn quyết định tăng biên chế cho bậc học mầm non. Cao điểm có những năm tăng thêm cả trăm biên chế. Giáo dục mầm non sau những khó khăn, đã bắt đầu khởi sắc nhờ những quyết định kịp thời của anh Sự! Và để đi đến những quyết định này cũng không đơn giản khi có người đồng tình, có người không đồng tình. Anh đã thuyết phục, phân tích để cuối cùng nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Ngành Giáo dục Quảng Bình mãi mãi ghi ơn anh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giáo viên bậc học mầm non khi anh luôn quan tâm và rất xem trọng bậc học khởi đầu này!”, ông Chất bồi hồi nhớ lại.
 
30 năm đã trôi qua từ những ngày gian khó ấy. Trong những khởi sắc chung của Quảng Bình, ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh nhà đã gặt hái nhiều thành tích suất sắc. Nhưng để có được thành quả ấy, không thể không kể đến những đóng góp quan trọng mà ông Trần Sự, người cán bộ lãnh đạo đầy tâm huyết, trách nhiệm và quyết đoán đã đóng góp cho tỉnh, cho ngành Giáo dục-Đào tạo.
 
Và có lẽ, không chỉ riêng ngành Giáo dục Quảng Bình, mà người dân Quảng Bình sẽ mãi mãi ghi ơn ông, Chủ tịch tỉnh Trần Sự!
 
Ngọc Mai
,