.

Giáo dục mầm non ngoài công lập: Nhiều lợi ích, lắm bất cập

.
07:21, Thứ Sáu, 26/10/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đồng Hới có 5 trường mầm non tư thục, 1 trường mẫu giáo dân lập SOS, 88 nhóm trẻ và 8 lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (GDMN NCL) đã giúp giảm tải cho các trường mầm non công lập và đây cũng là những cơ sở nhận trẻ nhiều lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các cơ sở GDMN NCL, đặc biệt là nhóm trẻ gia đình vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.
 
Giảm tải cho cơ sở công lập
 
Trong các cơ sở GDMN NCL trên địa bàn thành phố Đồng Hới, Trường mẫu giáo dân lập SOS luôn là lựa chọn hàng đầu của các bậc phụ huynh. Chị Hoàng Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 12 giáo viên, 3 cô nuôi, 1 nhân viên bán trú, trong đó 100% giáo viên đều đạt chuẩn. Nhà trường luôn quan tâm đến sức khỏe của trẻ. Các cháu được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Mỗi cháu đều có sổ theo dõi sức khỏe. Hàng quý, nhà trường tổ chức cân đo chiều cao, cân nặng của trẻ và ghi vào sổ để phụ huynh tiện theo dõi tình trạng sức khỏe của con em mình. Không chỉ quan tâm đến chất lượng dạy học trên lớp, trường còn thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, tham quan các trang trại để trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng sống.
Một giờ học của cô và trò Trường mẫu giáo dân lập SOS.
Một giờ học của cô và trò Trường mẫu giáo dân lập SOS.
Nhóm trẻ Thiên Thần, thôn Sa Động, xã Bảo Ninh cũng là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh. Bà Trần Thị Tường Giang, chủ cơ sở cho biết: Nhóm trẻ hiện có 14 cháu ở bán trú từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Các cháu chỉ phải đóng trung bình từ 800-900 ngàn đồng/tháng, ngày ăn 2 bữa trưa, chiều. Ngoài trang thiết bị, đồ chơi đáp ứng yêu cầu, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được quan tâm. Lương thực, thực phẩm để nấu ăn cho trẻ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, luôn bảo đảm các tiêu chí tươi-sạch.
 
Theo thống kê của Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Đồng Hới, hiện tại, số lượng trẻ huy động tại các cơ sở GDMN NCL trên địa bàn là 2.340 cháu. Trong đó, số trẻ vào học nhà, nhóm trẻ là 1.044 cháu và 1.336 trẻ học mẫu giáo.
 
Chị Trương Thị Minh Hương, chuyên viên quản lý mầm non, Phòng GD-ĐT thành phố Đồng Hới cho biết: Vài năm trở lại đây, các cơ sở GDMN NCL trên địa bàn thành phố hình thành và phát triển khá nhanh, góp phần giảm tải cho các trường mầm non công lập. Các trường dân lập, tư thục đã chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình GDMN của Bộ GDĐT. Công tác tổ chức bán trú cũng được các trường mở rộng, chất lượng bữa ăn được chú trọng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các trường tư thục cũng tích cực phối hợp với trạm y tế địa phương khám sức khỏe, cân đo, theo dõi biểu đồ phát triển cho trẻ theo định kỳ và lưu trữ hồ sơ, theo dõi, có biện pháp kịp thời kết hợp với các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ.
 
Còn nhiều bất cập
 
Trên thực tế, số lượng các cơ sở GDMN NCL phát triển nhanh đã góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu chỗ học của trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều trường tư thục, nhóm trẻ gia đình còn bộc lộ không ít hạn chế.
 
Theo chị Minh Hương, đội ngũ giáo viên tại các trường mầm non ngoài công lập thường xuyên biến động nên việc bồi dưỡng chuyên môn còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
 
Các nhóm trẻ gia đình chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, người giữ trẻ phần lớn là người lớn tuổi. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi của một số nhóm trẻ còn thiếu, chưa đồng bộ. Phần lớn các nhóm trẻ gia đình chưa chú trọng đến chất lượng, chủ yếu trông hơn là dạy. Nhiều nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có quy mô lớn, vượt quá số trẻ so với quy định nhưng chưa đủ điều kiện thành lập trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ.
 
Các trường mầm non tư thục có chất lượng thì mức thu học phí cao, trong khi lương của công nhân, lao động phổ thông thấp, không đủ điều kiện để chi trả học phí cho con. Công tác quản lý các cơ sở GDMN NCL ở một số địa phương còn nhiều bất cập, một số nhóm trẻ mặc dù chưa thật bảo đảm đầy đủ các điều kiện yêu cầu nhưng vẫn duy trì hoạt động.
 
Theo phân cấp hiện nay, ngành giáo dục quản lý chuyên môn, chính quyền địa phương cấp phép và quản lý hoạt động đối với các CSMN NCL. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, công tác kiểm tra hoạt động của các cơ sở ngoài công lập sau cấp phép chưa thường xuyên.
 
Lý giải về vấn đề này, bà Đỗ Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Lý cho hay, phường Bắc Lý tập trung dân cư đông nên nhu cầu gửi trẻ rất lớn, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp. Giờ giấc đón con không ổn định, thu nhập thấp nên các nhóm trẻ gia đình vẫn là lựa chọn tối ưu đối với nhiều phụ huynh. Hiện tại, phường Bắc Lý có 11 nhóm trẻ gia đình nhận chăm trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Vì số lượng nhóm trẻ nhiều nên phường không quản lý được hết, nhất là điểm tự phát nhỏ lẻ từ 3 cháu trở xuống.
 
“Một năm, phường tổ chức phối hợp với trường mần non công lập trên địa bàn đi kiểm tra 1-2 lần để nắm tình hình hoạt động của các nhóm trẻ. Cán bộ phụ trách chủ yếu là kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian, thỉnh thoảng có việc về cơ sở thì tranh thủ ghé các nhóm trẻ gia đình nắm bắt tình hình luôn”, bà Ngân chia sẻ.
 
“Vấn đề quản lý các cơ sở GDMN NCL, đặc biệt là các nhóm trẻ gia đình quá khó. Cán bộ phòng GD-ĐT thành phố muốn về kiểm tra các cơ sở này thì phải tổ chức phối hợp liên ngành nhiều đơn vị, chứ không phải muốn là về kiểm tra được”, bà Trần Thị Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Đồng Hới giải bày.
 
Cần có giải pháp đồng bộ
 
Theo bà Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Lý, việc quản lý các nhóm trẻ gia đình hiện nay thực sự không dễ dàng, bởi các nhóm có số lượng trẻ ít thường nằm xen kẽ trong khu dân cư, hoạt động mang tính thời vụ. Nếu chủ nhóm trẻ không tự giác tuân thủ quy định hiện hành, không báo cáo trước khi hoạt động thì cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát kịp thời. Để khắc phục tình trạng này, phường Bắc Lý đã chỉ đạo các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở như: tổ dân phố, Hội Phụ nữ, cộng tác viên dân số... nắm bắt tình hình hoạt động của các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn, từ đó kịp thời báo cáo tình hình nếu có vấn đề bất thường xảy ra. 
Các trường mẫu giáo, mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Đồng Hới đều có khu nhà bếp bảo đảm an toàn vệ sinh.
Các trường mẫu giáo, mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Đồng Hới đều có khu nhà bếp bảo đảm an toàn vệ sinh.
Còn theo bà Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Đồng Hới, giải pháp tốt nhất cho việc nâng cao chất lượng dạy và học của các cơ sở GDMN NCL là việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các trường mầm non tư thục để giảm bớt các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn.
 
Sau khi Sở GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở GDMN NCL trong tháng 9 vừa qua, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT đã có kết luận yêu cầu Phòng GD-ĐT thành phố Đồng Hới phối hợp với các xã, phường trên địa bàn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDMN NCL chưa bảo đảm yêu cầu, điều kiện hoạt động, trong thời gian 45 ngày (kể từ ngày thông báo kết luận kiểm tra) phải khắc phục, hoàn thiện theo quy định; nếu các cơ sở GDMN NCL này không thực hiện sẽ thu hồi quyết định, đình chỉ hoạt động.
 
Phòng GDĐT thành phố cần tiếp tục quan tâm, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở tư thục trên địa bàn.
 
Bên cạnh đó, các địa phương cần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở GDMN NCL đủ điều kiện hoạt động để phụ huynh biết và lựa chọn; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia giám sát, phát hiện các nhóm trẻ gia đình hoạt động trái quy định, không bảo đảm an toàn cho trẻ để xử lý nghiêm theo quy định.
 
 Lan Chi
,