.

Xây dựng nhà vệ sinh trong trường học: Quyết tâm đạt chuẩn trong năm học 2018-2019

.
14:42, Chủ Nhật, 16/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong trường học không còn là nỗi lo lắng riêng của các bậc phụ huynh mà đang là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất quan tâm và chỉ đạo sát sao để thực hiện triệt để trong năm học mới 2018-2019 này.
 
Quảng Bình là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư cho giáo dục, trong đó ưu tiên phát triển cơ sở vật chất trường học theo hướng hiện đại và đồng bộ.
 
Đặc biệt, các cấp, ngành đã chỉ đạo huy động nhiều nguồn lực để xây dựng nhà vệ sinh (NVS) và công trình nước sạch tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của giáo viên và học sinh.
 
Đến nay, các trường từ cấp học mầm non đến phổ thông đều có NVS và có biện pháp cung cấp nước cho khu vệ sinh. Tuy nhiên, số công trình vệ sinh bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định chỉ đạt tỷ lệ khoảng 87%, có nguồn nước sử dụng được đạt khoảng 96%; nhiều điểm trường lẻ tại các vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn vẫn chưa có NVS bảo đảm hợp vệ sinh. 
Nhà vệ sinh dành cho học sinh của Trường tiểu học số 2 Quảng Văn luôn được các cô giáo chăm chút lau chùi khô ráo, sạch sẽ.
Nhà vệ sinh dành cho học sinh của Trường tiểu học số 2 Quảng Văn luôn được các cô giáo chăm chút lau chùi khô ráo, sạch sẽ.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng và bảo quản các công trình vệ sinh, nước sạch sau đầu tư xây dựng tại các nhà trường đã được quan tâm và sử dụng có hiệu quả.
 
Tuy nhiên, do hệ thống NVS trường học trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng lâu năm, hệ thống nước cung cấp chủ yếu là nước giếng khoan trực tiếp chưa được xử lý, công tác vệ sinh chưa được chú trọng dẫn đến nhiều công trình nước sạch và NVS xuống cấp, có nơi không bảo đảm, trở thành nỗi ám ảnh của không ít học sinh và là nỗi lo canh cánh của nhiều bậc phụ huynh khi gửi con em tới trường, nhất là học sinh bán trú. 
 
Chính vì vậy, để thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp huy động mọi nguồn lực quyết tâm phấn đấu đến hết năm học 2018-2019, tất cả các cơ sở giáo dục thuộc địa phương quản lý đều có có công trình nước sạch và NVS đạt chuẩn.
 
UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) là đơn vị đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, tổng hợp tình hình bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường trong trường học.
 
Cụ thể: Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng, NVS và công trình cung cấp nước sạch trong trường học đạt hiệu quả; triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường vệ sinh môi trường trong trường học.
 
Sở yêu cầu các đơn vị trực thuộc ưu tiên kinh phí hoạt động được cấp trong năm, huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác để giải quyết dứt điểm việc thiếu NVS, công trình nước sạch trong năm học 2018-2019.
 
Đồng thời UBND tỉnh đã giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu đề xuất UBND tỉnh danh mục đầu tư công trình nước sạch và NVS trường học (xây mới, sửa chữa, cải tạo), chú trọng các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; phối hợp tham mưu nguồn ngân sách, lồng ghép các chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục. Trong đó, ưu tiên đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới NVS và công trình nước sạch trong trường học; nhà ăn, nhà ở và khu vệ sinh cho học sinh nội trú, bán trú.
 
Qua tìm hiểu, được biết, TP. Đồng Hới là địa phương có tỷ lệ NVS trường học đạt chuẩn cao nhất tỉnh (chỉ còn khoảng 12% chưa đạt chuẩn).
 
Bà Trần Thị Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới chia sẻ: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị dạy học; các trường học làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đến năm học này, thành phố đã có 15/17 trường THCS, 22/22 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia và 100% trường học có khu vệ sinh dành cho giáo viên, học sinh.
 
Tuy nhiên, do thời gian xây dựng đã lâu nên tại một số trường học, NVS đã bị xuống cấp. Một số trường học có NVS nhưng chưa đáp ứng được quy mô học sinh hiện có… Vì vậy, vào đầu năm học, qua công tác rà soát công trình vệ sinh trường học trên địa bàn thành phố, phòng đã làm tờ trình gửi UBND thành phố đề nghị xây mới 18 NVS cho học sinh và giáo viên của 18 trường học để bảo đảm môi trường dạy học.
 
Minh Hoá là một trong những địa phương có tỷ lệ NVS trường học chưa đạt chuẩn cao của tỉnh với hơn 32% NVS cho học sinh và gần 36% NVS cho giáo viên.
 
Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Hiện trên địa bàn huyện, hầu hết các trường học đều đã có NVS. Tuy nhiên, có nhiều trường NVS xây dựng đã lâu nay đã xuống cấp, không sử dụng được như NVS Trường THCS Yên Hóa, Trường mầm non Xuân Hóa, đặc biệt là một số điểm trường ở xã Trọng Hóa, Dân Hóa... Mặt khác, phần lớn NVS trên địa bàn xây dựng với diện tích nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của học sinh.
 
Huyện đang giao Phòng Kinh tế-Hạ tầng thiết kế mẫu NVS thích hợp cho các trường để huyện rà soát lại, có kế hoạch đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu của học sinh và giáo viên.
 
Theo số liệu rà soát đầu năm học 2018-2019 từ Sở GD-ĐT, hiện các trường học trên địa bàn toàn tỉnh còn thiếu 417 NVS cho học sinh, 370 NVS cho giáo viên, 113 nguồn nước chưa bảo đảm vệ sinh (trong đó cấp học mầm non còn thiếu nhiều nhất). Và để xây dựng NVS đạt chuẩn cũng như công trình nước sạch cho các nhà trường cần nguồn vốn trên 186 tỷ đồng.
 
Đây là con số khá lớn đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Bình, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn hạ quyết tâm đầu tư xây dựng NVS trường học đạt chuẩn trong năm học 2018-2019. 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra nhà vệ sinh của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Lệ Thuỷ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra nhà vệ sinh của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú Lệ Thuỷ.
Ngay trong ngày khai giảng năm học mới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã trực tiếp kiểm tra một số NVS của học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ.
 
Đồng chí yêu cầu cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng các nhà trường nỗ lực, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực, làm tốt công tác xã hội hoá cùng với Nhà nước để đầu tư xây dựng NVS sạch sẽ cho học sinh sử dụng, nhằm bảo vệ sức khoẻ cho thế hệ tương lai; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu NVS và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục.
 
Quyết tâm của tỉnh, ngành GD-ĐT là một tín hiệu vui cho các nhà trường nói chung, phụ huynh nói riêng và đặc biệt là các em học sinh sẽ không còn cảnh phải “nhịn” đến khi về nhà. Tuy nhiên, việc để có được một NVS đạt chuẩn đã khó, việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để sử dụng lâu dài lại càng khó hơn.
 
Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) Đinh Thị Phương Nhạn, những năm qua cùng với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ dạy và học, nhà trường luôn chú trọng công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là NVS của học sinh.
 
Ban giám hiệu phân công đồng chí Phó hiệu trưởng, giáo viên Tổng phụ trách Đội và nhân viên y tế trực tiếp phụ trách; còn các lớp học (ngoại trừ khối 1 và khối 2) dưới sự chỉ dẫn của cô giáo chủ nhiệm sẽ thay phiên nhau mỗi lớp trực 1 tuần, nhằm tập thói quen lao động và ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh. Tại NVS của trường có thảm chùi chân, dép đi riêng trong NVS, xà phòng rửa tay và khăn lau tay sạch sẽ… NVS thường xuyên được lau chùi khô ráo.
 
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, toàn ngành đang nỗ lực, phối hợp huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng NVS trường học đạt chuẩn. Cùng với đó, ngành sẽ kêu gọi Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp cùng chung tay, cộng đồng trách nhiệm với các nhà trường trên địa bàn, đặc biệt là giúp đỡ các trường mầm non, tiểu học trong khâu giữ gìn vệ sinh môi trường trường, lớp học.
 
Nội Hà
,