.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp

.
14:42, Thứ Tư, 05/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Ông Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo trả lời phỏng vấn Báo Quảng Bình nhân dịp khai giảng năm học mới 2018-2019.
 
. PV: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục Quảng Bình đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tiếp tục quán triệt các nội dung của Nghị quyết 29, năm học 2018-2019 ngành sẽ đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào để nâng cao chất lượng giáo dục, thưa đồng chí?  
 
- Ông Trần Đình Nhân: Năm học 2018-2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đã xác định chủ đề năm học: Quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, văn hóa ứng xử trong trường học.
 
Vì vậy, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: tăng cường kỷ cương về GD-ĐT; rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp và cơ sở giáo dục (CSGD) trong toàn tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD); chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, SGK phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tăng cường các nguồn lực, bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non (GDMN), thực hiện cơ chế, chính sách phát triển trường, lớp; chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non (MN) theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì và phát triển mạng lưới, đặc biệt giải quyết vấn đề trường lớp ở các khu đông dân cư, hạn chế trường hợp quá tải kéo dài ở các trường MN; tập trung mọi điều kiện chăm sóc, giáo dục nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ trong các cơ sở GDMN. Nâng cao trình độ cho đội ngũ CBQL, GV MN, tập trung bồi dưỡng để nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ GV toàn cấp học, gắn chất lượng, hiệu quả công việc với trách nhiệm của tiệu trưởng các nhà trường.
 
Đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, SGK mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác thi, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD; chủ động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK trong thời gian tới. 
 
Nâng cao chất lượng giáo dục gắn với đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. 
 
Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống; sử dụng hiệu quả thư viện lớp học, thư viện trường học; tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh, góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy và học trong các CSGD.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2018-2019.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2018-2019.
. PV: Thưa đồng chí, để thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, việc chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của ngành GD-ĐT Quảng Bình đến năm học này như thế nào?
 
- Ông Trần Đình Nhân: Trước hết nói về đội ngũ GV, bước vào năm học 2018-2019, toàn ngành có 19.317 cán bộ, GV, nhân viên (trong đó, cấp THPT 2.246 người, THCS 4.655 người, tiểu học 6.055 người, MN 6.361 người). Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo và CBQLGD cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm về cơ cấu bộ môn, có năng lực chuyên môn, tâm huyết với nghề, ý thức tự học tự bồi dưỡng có sự chuyển biến mạnh mẽ; tỷ lệ GV, nhân viên trên chuẩn ngày càng tăng, chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
         
Về cơ sở vật chất, thời gian qua Sở GD-ĐT đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch nhằm tăng trưởng cơ sở vật chất trường học đáp ứng yêu cầu thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đến nay, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa (KCH) ở các trường phổ thông đạt 83% (trong đó, tiểu học 77,27%, THCS 90,18%, THPT 93,63%); tỷ lệ KCH phòng học bộ môn đạt 86%; bình quân toàn tỉnh, tỷ lệ KCH đối với cấp học phổ thông của phòng học thông thường, bộ môn đạt 83,5%. Ngoài số phòng học được KCH, trong những năm gần đây, tỷ lệ KCH các phòng chức năng, bộ môn, thư viện, thiết bị, thí nghiệm thực hành… không ngừng tăng trưởng, đạt 71%.
 
Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh triển khai rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học và công tác dồn ghép các điểm trường lẻ của cơ sở GDMN và phổ thông; triển khai thực hiện mua sắm kịp thời bổ sung thiết bị dạy học cho các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị gần 10,5 tỷ đồng... để phục vụ công tác chuẩn bị triển khai áp dụng chương trình, SGK mới.
 
Đồng thời tập trung chỉ đạo các trường phổ thông trực thuộc, phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố, các CSGD điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tham mưu UBND tỉnh bố trí lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án, các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác để chuẩn bị thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình.
 
. PV: Vào năm học mới, vấn đề “nóng” luôn được các bậc phụ huynh học sinh và dư luận xã hội quan tâm đó là việc “lạm thu” tại các cơ sở giáo dục. Vậy Sở GD-ĐT đã có những động thái gì để chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng này trong năm học 2018-2019, thưa đồng chí ?
 
- Ông Trần Đình Nhân: Nhận thức được vấn đề “nóng” luôn được các bậc phụ huynh học sinh và dư luận xã hội quan tâm đó là việc “lạm thu” tại các CSGD, nên ngay trong hè năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT đã có công văn chấn chỉnh và hướng dẫn việc thực hiện các khoản thu, chi trong các CSGD công lập năm học mới 2018-2019 (Công văn số số 1510/SGDĐT-KHTC ngày 2-8-2018) gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, các phòng GD-ĐT, các trường trực thuộc để thực hiện. Trong đó, đặc biệt quy trình thực hiện các khoản thu thỏa thuận phải tổ chức xin ý kiến của phụ huynh học sinh bằng phiếu.
 
Ngày 9-8-2018, Sở ban hành Công văn số 1541/SGDĐT-VP về việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện các khoản thu, chi trong nhà trường rõ ràng, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng thu sai dưới mọi hình thức trong các CSGD trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các địa phương, các CSGD quán triệt thực hiện nghiêm các quy định và quy trình được hướng dẫn tại Công văn số 1660/HD-SGDĐT; trong đó, phải thông báo công khai đến cha mẹ học sinh để phân biệt rõ khoản thu theo quy định và khoản thu theo thoả thuận hoặc đóng góp tự nguyện.
 
Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức quán triệt và chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và của Sở về các khoản thu, chi trong các CSGD công lập tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Đồng thời, lồng ghép vào việc kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới, sở đã yêu cầu các trường báo cáo dự kiến các khoản thu ngoài quy định của Nhà nước mà đơn vị sẽ thu trong năm học 2018-2019 để rà soát và chấn chỉnh.
 
Đặc biệt, sở sẽ công khai đường dây “nóng” của ngành để tiếp nhận thông tin của người học, cha mẹ học sinh và nhân dân kịp thời phản ánh về các hiện tượng thu, chi không đúng quy định trong các trường để có giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, đúng quy định.
 
Sở cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra về các khoản thu, chi đối với các trường, CSGD thuộc thẩm quyền quản lý nhằm kịp thời phát hiện sai sót để chấn chỉnh và xử lý theo quy định.
 
Để chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng lạm thu trong các CSGD, vào năm học mới  Sở GD-ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các CSGD trong toàn tỉnh về vấn đề thu, chi để phát hiện sai phạm và kiên quyết xử lý người đứng đầu theo quy định của pháp luật và của tỉnh. Đồng thời, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân cùng với ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản thu trong các trường học; đơn vị nào thực hiện các khoản thu và quản lý, sử dụng các khoản thu trái với quy định, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
 
. PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn và xin chúc ngành GD-ĐT Quảng Bình thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2018-2019.
 
Nội Hà (thực hiện)
,