.

100% hộ dân thuộc huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tiếp cận về giáo dục

.
08:31, Thứ Ba, 14/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là mục tiêu của ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình trong kế hoạch hỗ trợ người nghèo tiếp cận về giáo dục giai đoạn 2018-2020.
 
Đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, nhằm bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo đến năm 2020 trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, sở đã có kế hoạch hỗ trợ người nghèo tiếp cận về giáo dục giai đoạn 2018-2020.  
 Thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên diện hộ nghèo, cận nghèo.
Thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên diện hộ nghèo, cận nghèo.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm; phát huy vai trò, vị trí của cán bộ, giáo viên và người lao động trong hoạt động của ngành giáo dục, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đã được giao hỗ trợ người nghèo tiếp cận về giáo dục. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện các giải pháp bảo đảm nâng cao dân trí, trình độ nghề nghiệp cho lao động nghèo; thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh (HS), sinh viên (SV) diện hộ nghèo, cận nghèo, HS, SV khuyết tật; xây dựng cơ chế khuyến học, khuyến tài cho HS nghèo; đầu tư có trọng điểm phát triển cơ sở vật chất, trường lớp ở các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. 
 
Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, Sở GD-ĐT đã đề ra chỉ tiêu cụ thể: 100% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được hỗ trợ tiếp cận về giáo dục; 30% HS tốt nghiệp THPT ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội ĐBKK tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 60% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT trao đổi: Để thực hiện được chỉ tiêu đề ra, trước hết, ngành tập trung hỗ trợ hướng nghiệp, như tăng cường công tác hướng nghiệp cho HS THCS, THPT để định hướng nghề nghiệp việc làm sau khi tốt nghiệp; đặc biệt, HS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản ĐBKK, góp phần phân luồng sau THCS, THPT. Sở chủ động xây dựng chương trình phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho HS THCS, THPT; hỗ trợ học phí học đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho HS.
 
Tiếp theo là hỗ trợ hộ nghèo về giáo dục, trong đó triển khai thực hiện hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đến năm học 2020-2021 theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ; không thu học phí có thời hạn đối với HS ở vùng bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển theo quy định của UBND tỉnh. Tạo điều kiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp mua sách, vở, các đồ dùng học tập và đồ chơi cho con em hộ nghèo; giúp đỡ con em hộ nghèo có điều kiện theo học ở các trường bậc cao hơn. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với HS, SV nhất là SV nghèo, SV thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh.
 
Quan tâm, hỗ trợ cho HS bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội ĐBKK theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ; chính sách tín dụng ưu đãi đối với HS, SV và các chính sách hỗ trợ khác đối với HS, SV thuộc hộ nghèo vùng đồng bào DTTS. Thực hiện chế độ, chính sách thu hút cán bộ, giáo viên ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội ĐBKK theo quy định của Chính phủ. Khuyến khích xây dựng và mở rộng “Quỹ khuyến học” các cấp, các phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”; xây dựng xã, phường, thị trấn thành đơn vị học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập; ưu tiên đầu tư để đạt chuẩn cơ sở trường, lớp học ở các xã ĐBKK. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động hỗ trợ người nghèo, đồng bào DTTS về giáo dục…
Nội Hà
,