.

Những vấn đề đặt ra sau nghi vấn điểm thi bất thường ở Hà Giang

.
07:38, Thứ Ba, 17/07/2018 (GMT+7)
Những nghi vấn về điểm thi bất thường ở Hà Giang đang đòi hỏi cần xem xét lại công tác phát đề, chấm thi và có nên tiếp tục tồn tại kỳ thi “2 trong 1”.
 
Sau khi các hội đồng thi THPT Quốc gia công bố điểm của thí sinh, trên mạng xã hội hiện xuất hiện những thông tin đặt ra nghi vấn: Cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên thì riêng Hà Giang đã có 36 em, chiếm 47,37% cả nước.
 
Theo phổ điểm môn Vật lý của địa phương này, có đến 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi chỉ có 28 thí sinh đạt mức điểm từ 8 đến dưới 9.
Điểm thi môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang
Điểm thi môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang
Nhiều chuyên gia cho rằng đó là điều rất vô lý. Vì theo lẽ thường, với đề thi có mức phân hóa cao như năm nay thì mức điểm càng cao, số lượng thí sinh đạt được càng ít. Thông thường trên bình diện chung, số thí sinh đạt 9-10 chỉ bằng 1/8-1/6 số thí sinh 8-9 mới là hợp lý.
 
Môn Toán cũng vậy, số thí sinh có mức điểm 8-8,75 chỉ có 50 thí sinh, nhưng số thí sinh có điểm từ 9 trở lên tới 57 thí sinh.
 
So với các tỉnh, thành phố có truyền thống và thành tích học tập tốt, điểm thi môn Toán từ 9 điểm trở lên ở Hà Giang cao hơn hẳn. Ví dụ như điểm thi môn Toán ở Hà Giang cao gấp 4,3 lần so với Nam Định; cao hơn gấp hơn 2 lần so với Nghệ An và gần 1,8 lần so với TP HCM.
 
Nên điều chỉnh lại việc phát đề, chấm thi
 
Điểm thi THPT Quốc gia 2018 bất thường ở Hà Giang đang được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng nếu có tiêu cực xảy ra thì đòi hỏi Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng phải xem xét lại các công đoạn phát đề, chấm thi.
 
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho rằng, những ý kiến về sự bất thường về điểm của thí sinh có lẽ cần kiểm tra thật kỹ.
 
Trong khâu chấm thi phần trắc nghiệm nếu có xảy ra tiêu cực thì chỉ có thể trước lúc quét bài thi. Dữ liệu bài thi sau khi quét được bảo mật và gửi về Bộ rồi sau đó mới có đĩa kết quả để cài đặt và chấm. Nếu bài thi được tô, sửa trước khi đưa vào quét là rất khó vì theo quy trình thì để mở kho đề bài thi, thùng bài đựng bài thi và túi bài thi phải có mặt và xác nhận của các thành phần của ban chấm thi, thư ký, thanh tra và cơ quan an ninh. Khi mở thùng bài thi còn phải đối sánh chữ ký của điểm phó đến từ trường ĐH ký niêm phong trên thùng với chữ ký mẫu. Túi bài thi nghi vấn thì phải đối chiếu chữ ký của cán bộ coi thi với chữ ký mẫu của cán bộ coi thi.
 
Ông Thái Sơn đặt vấn đề, sự việc ở Hà Giang nếu có gian lận là sự gian lận có hệ thống, các thành viên tham gia trong quy trình đó thông đồng với nhau và vấn đề này dường như là không thể. Tiêu cực xảy ra nếu có thì do con người thực thi, chứ về quy trình tổ chức thi đã có sự giám sát chéo rất chặt chẽ của các bên tham gia.
 
Khi có điểm số biến động thất thường vậy cần phải kiểm tra lại tất cả từ khâu tổ chức tới khâu chấm thi.  
PGS.TS Trần Văn Tớp
PGS.TS Trần Văn Tớp
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, đến nay, Bộ GD-ĐT đang vào cuộc rà soát lại kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018 bất thường ở Hà Giang. Trong khi chờ đợi kết quả, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, nếu đúng là kết quả thi ở Hà Giang có bất thường thì cần phải xem xét ở các công đoạn phát đề, chấm thi.
 
Việc chấm thi trắc nghiệm được chấm bằng máy. Nếu việc chuyển giao đề, chấm thi được tập trung ở một vài điểm trọng yếu dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì có thể giảm tải được những tiêu cực trong việc sao in đề, chấm thi hơn là để từng địa phương chấm như hiện nay.
 
Nên chỉ còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ
 
Nếu những bất cập trong điểm thi của của tỉnh Hà Giang là có sự tiêu cực thì Bộ GD-ĐT cần xem xét lại có nên tiếp tục gộp 2 kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một nữa không. Đó là ý kiến của GS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
 
Theo GS.NGND Phạm Minh Hạc, kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ GD-ĐT chỉ nên thực  hiện nhiệm vụ hướng dẫn việc tổ chức và ra đề thi.
GS.NGND Phạm Minh Hạc
GS.NGND Phạm Minh Hạc
Bộ nên giao cho các Sở GD-ĐT ở địa phương chỉ đạo các trường tự lo khâu tổ chức thi. Học sinh học ở trường nào thì sẽ đến trường đó thi, không phải đi đâu xa. Việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ do Sở GD-ĐT địa phương xác nhận.
 
Còn đối với các trường đại học, cao đẳng sẽ thực hiện việc tự chủ trong tổ chức thi, xét tuyển để chọn lọc thí sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo của mình. Học sinh muốn thi vào trường nào thì tự nộp đơn vào trường đó.
 
Riêng đề thi vào các trường đại học, cao đẳng thì Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự lo vì mỗi một trường có những đặc thù, cần tuyển sinh theo nhu cầu đào tạo khác nhau.
 
Bộ GD-ĐT chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ thông qua năng lực đào tạo, cơ sở vật chất thực tế của trường đó. Luật Giáo dục ĐH đã quy định và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất rõ cho các trường. Vì thế, các trường có tổ chức thi, xét tuyển và thu hút được thí sinh hay không là hoàn toàn do năng lực của từng trường.
 
Về ý kiến có nên tiếp tục kỳ thi “2 trong 1” nữa hay không, PGS.TS Trần Văn Tớp nêu quan điểm cần phải được xem xét, cân nhắc và có sự thống nhất kỹ lưỡng từ địa phương, trường học. Nếu việc thi, công nhận tốt nghiệp THPT và giao về cho các địa phương được thực hiện nghiêm túc và đơn giản thì chúng ta chỉ còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Kỳ thi này chắc chắn cũng sẽ phải thực hiện nghiêm túc để chọn lọc thí sinh giỏi vào trường./.
 
Theo Bích Lan/VOV.VN
 
,