Gặp gỡ cuối tuần
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Quê hương luôn là nguồn cảm xúc trong sáng tác âm nhạc của tôi"

  • 08:25 | Chủ Nhật, 11/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là tâm sự của nhạc sỹ Dương Nguyệt Ánh, hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc Quảng Bình, tác giả của những ca khúc mang đậm “chất miền Trung”, “chất Quảng Bình” như: Miên man Long Đại, Vũ điệu Phong Nha, Tiếng ru, Nơi tôi tìm về, Quảng Bình quê em, Khúc ru miền Trung… Theo cách nói của nhiều người thì nghỉ hưu là “tỷ phú thời gian” nhưng nhạc sỹ Dương Nguyệt Ánh không cho phép mình quá nhàn rỗi mà tìm niềm vui trong hoạt động âm nhạc. “Tôi luôn trăn trở rằng: Thế hệ “vàng" của âm nhạc Quảng Bình đang ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” trong khi thế hệ kế tiếp chưa thể theo kịp”, nhạc sỹ Dương Nguyệt Ánh trải lòng.
 
- Nhiều người nói rằng, khi nghe các ca khúc của chị, thấy mảnh đất, con người Quảng Bình rất rõ. Phải chăng đề tài quê hương là “cái duyên” trong sáng tác âm nhạc của chị?
 
- Quê hương tôi ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, vùng quê có bề dày về truyền thống văn hóa và lịch sử. Bố mẹ tôi đều là những người yêu nghệ thuật. Bố tôi biết chơi nhạc cụ và sáng tác âm nhạc, còn mẹ tôi có giọng hát rất hay. Có lẽ từ cái nôi làng quê và gia đình đã bồi đắp tình yêu đối với âm nhạc trong tôi. Ngoài tôi ra thì gia đình tôi còn có 2 người nữa cũng là nhạc sỹ, đó là anh trai tôi (nhạc sỹ Dương Viết Hòa) và em gái tôi (nhạc sỹ Dương Bích Hà).
 
Hiện tại, con trai tôi cũng là nhạc sỹ, công tác tại Học viện Âm nhạc Huế. Với tôi, âm nhạc gắn liền với cuộc sống như cơm áo, như không khí và mảng đề tài chính trong sáng tác của tôi là quê hương. Đất và người Quảng Bình luôn là nguồn cảm hứng để tôi sáng tác ra các tác phẩm âm nhạc.
 Nhạc sỹ Dương Nguyệt Ánh trong ngày đảm nhận cương vị Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc Quảng Bình
Nhạc sỹ Dương Nguyệt Ánh trong ngày đảm nhận cương vị Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc Quảng Bình
- Hầu hết các ca khúc của nhạc sỹ đều có giai điệu ngọt ngào, nhẹ nhàng, sâu lắng, ca từ giản dị, có phải đó là “dấu ấn riêng” của chị?
 
- Sáng tác âm nhạc cần sự đầu tư một cách chỉn chu từ ca từ, giai điệu. Tôi luôn chọn đề tài quê hương thì cần phải tìm hiểu và “ngấm” bản sắc văn hóa của các làng quê, các làn điệu dân ca, dân vũ, để từ đó chắt lọc ra những yếu tố cần thiết và đưa vào âm nhạc. Viết về quê hương nên ca từ phải gần gũi, mộc mạc, giai điệu có sự pha trộn giữa dân gian và hiện đại. Tôi nghĩ, một bài hát hay, được công chúng đón nhận không chỉ bởi ở giai điệu mà còn ở ca từ. Vì thế, tôi luôn suy nghĩ làm sao để ca khúc mình viết ra có giai điệu đẹp và ca từ phải dễ hiểu, giản dị, đồng điệu với cảm xúc của mọi người.
 
- Có một thực tế rằng, những năm gần đây, không ít hội viên Phân hội Âm nhạc sáng tác nhiều ca khúc về đề tài quê hương, con người Quảng Bình nhưng ít ca khúc được phổ biến rộng rãi và có “chỗ đứng”. Nhạc sỹ nghĩ sao về điều này?
 
- Phân hội Âm nhạc Quảng Bình có 33 hội viên, trong đó có 11 hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nhưng trên thực tế, số người sáng tác đều tay không nhiều. Một số hội viên cũng đầu tư thời gian, công sức để sáng tác âm nhạc và đóng góp rất lớn cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
 
Có không ít nhạc sỹ, tác giả sáng tác ra rất nhiều ca khúc nhưng viết xong rồi “bỏ túi” vì không có đủ kinh phí để dàn dựng và quảng bá tác phẩm. Thế nên, dù có đam mê nhưng thực tế cuộc sống của một số anh chị em nghệ sỹ còn nhiều khó khăn nên khó có thể bỏ kinh phí để đầu tư bài bản cho một ca khúc trước khi “trình làng”. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến “địa phương ca” ít được lan tỏa.
 
- Trong hoạt động sáng tác âm nhạc, chị nhớ nhất là kỷ niệm nào và ca khúc nào mà chị tâm đắc nhất?
 
- Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là quãng thời gian công tác ở Đài PT-TH Quảng Bình. Từ công việc đã tạo điều kiện cho tôi được xâm nhập thực tế ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhờ thế mà tôi dàn dựng thành công các chương trình như: “Khắp nơi ca hát”, “Làng vui chơi làng ca hát”… Tôi còn tham gia viết bài giới thiệu ca khúc mới, chân dung tác giả, tác phẩm, làm giám khảo các cuộc Liên hoan tiếng hát truyền hình-giải Sao Mai hàng năm và các hội diễn văn nghệ của tỉnh. Tôi rất vui khi các nghệ sỹ trưởng thành từ giải Sao Mai như: Thanh Nhân, Hoàng Viết Danh… đều có những bước tiến trong lao động nghệ thuật.
 
Với mỗi “đứa con tinh thần” tôi đều dành nhiều sự đầu tư vào đó. Có tác phẩm chỉ viết trong vòng một buổi như: “Hát về mái nhà chung” phỏng thơ Trần Hải Sâm nhưng cũng có tác phẩm phải ấp ủ những ý tưởng và thời gian khá nhiều. Và có lẽ, tác phẩm “Khúc ru miền Trung” là ca khúc mà tôi dành nhiều cảm xúc nhất.
 
- “Khúc ru miền Trung” đưa người nghe đến với nhiều cung bậc cảm xúc, bởi từng ca từ như vẽ ra một bức tranh quê rất thật về những đau thương, mất mát của người dân miền Trung nói chung, Quảng Bình nói riêng trong thiên tai, bão lũ. Liệu có phải thực tiễn cuộc sống đã cho nhạc sỹ “chất liệu” để tạo nên ca khúc này?
 
- Có thể nói “Khúc ru miền Trung” là tiếng lòng của tôi. Tôi viết ca khúc này sau khi chứng kiến những hình ảnh đau thương do cơn bão số 10 năm 2010 để lại. Hình ảnh người mẹ tuột mất đứa con trong dòng nước xiết cứ ám ảnh tôi, cho tôi mạch nguồn cảm xúc để viết nên những ca từ rất thật rằng: "Ơi à ơi, ru hời, ngủ đi con. Ơi à ơi, ru hời, mưa rơi. Ào ạt mưa tuôn, lời mẹ rung lên quay cuồng trong bão giông. Lời ru như thét gào, lời ru nghẹn ngào…Miền Trung xao xác cánh cò chơi vơi. Người xa quặn thắt, bí bầu thương nhau. Người đi, người  ở, người về, rưng rưng…”.
 
Lúc đó, tôi vừa viết vừa khóc. Bây giờ, mỗi lần nghe lại ca khúc ấy do các nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu hay những lúc ôm đàn ghi-ta vừa đàn vừa hát ca khúc này, tôi cũng không kìm được nước mắt. Cảm xúc cứ ùa về như lúc đầu cầm bút để viết nên những ca từ, nốt nhạc đầu tiên. Ca khúc này được nghệ sỹ ưu tú Thanh Nhân thể hiện rất thành công trong nhiều chương trình nghệ thuật.
 
- Với vai trò là Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc Quảng Bình, điều gì làm nhạc sỹ trăn trở nhất trong hoạt động âm nhạc trên địa bàn tỉnh?
 
- Điều mà tôi luôn nghĩ đến là thế hệ nhạc sỹ “vàng” của âm nhạc Quảng Bình là các nhạc sỹ: Quách Mộng Lân, Hoàng Sông Hương, Dương Viết Chiến đều đang ở độ tuổi "xưa nay hiếm”, trong khi thế hệ chúng tôi và thế hệ kế tiếp chưa thể theo kịp về mọi mặt. Âm nhạc Quảng Bình đang thiếu những gương mặt trẻ, gương mặt nữ. Trong 33 hội viên Phân hội Âm nhạc, người trẻ nhất sinh năm 1974 và chỉ có 4 hội viên nữ, trong đó, 3 người đều hoạt động lĩnh vực sân khấu biểu diễn. Tôi là nữ duy nhất hoạt động ở lĩnh vực sáng tác âm nhạc. Và nếu không có thế hệ trẻ kế cận, âm nhạc Quảng Bình khó có thể phát triển và gặt hái những thành công lớn như các nghệ sỹ “gạo cội” đã tạo nên.
 
- Nhạc sỹ có thể chia sẻ về những dự định trong thời gian tới?
 
- Dự định thì nhiều nhưng điều tôi luôn nghĩ đến là sẽ tiếp tục có những ca khúc mới được công chúng đón nhận. Ngoài đề tài quê hương, du lịch, tôi cũng có một số tác phẩm viết cho thiếu nhi và lực lượng vũ trang. Tôi đang ấp ủ một dự định là sẽ viết một ca khúc về đề tài Bộ đội Biên phòng (BĐBP).
 
Thời còn công tác ở Đài, được theo chân cán bộ, chiến sĩ BĐBP đến nhiều vùng quê thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, được chứng kiến tình quân dân cùng những việc làm ý nghĩa của BĐBP vì sự bình yên và cuộc sống của người dân, tôi rất xúc động. Tôi sẽ thu xếp thời gian, xâm nhập thực tế để sớm cho ra đời ca khúc về đề tài này.
 
- Cảm ơn nhạc sỹ, chúc chị có nhiều sức khỏe để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm âm nhạc mới!
 
Nhạc sỹ Dương Nguyệt Ánh, sinh năm 1958 là nữ nhạc sỹ chuyên ngành sáng tác âm nhạc duy nhất của Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Quảng Bình và Phân hội Âm nhạc Quảng Bình. Chị là tác giả của nhiều ca khúc hay về đề tài quê hương, đất nước. Trong hoạt động nghệ thuật, chị đã nhận được nhiều giải thưởng quan trọng như: 2 lần được nhận giải VHNT Lưu Trọng Lư với ca khúc “Khúc ru miền Trung”, “Miên man long Đại’; giải B liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung-Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho các ca khúc: “Khúc ru miền Trung”, “Lãng du thơ”, “Miên man Long Đại”; giải C do UBND tỉnh Quảng Bình tặng trong cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 410 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình với ca khúc “Nơi tôi tìm về”…
 
                                                                                          Nh.V (thực hiện)

tin liên quan

"Tôi gọi đó là tình yêu"

(QBĐT) - Vào một chiều cuối năm 2020, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bác sỹ Annet Ramos Plasencia, thành viên nữ duy nhất trong đoàn chuyên gia y tế Cuba sang làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tại khu nhà riêng của các chuyên gia. 

Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: "Hãy lắng nghe những câu chuyện của biển…"

(QBĐT) - Chọn những ngày cuối của tháng 9 mùa thu để ra mắt triển lãm cá nhân đúng nghĩa đầu tiên và lại chọn mảnh đất cố đô để gửi gắm "đứa con là tinh thần" của mình, chắc hẳn họa sỹ Nguyễn Lương Sáng đương ấp ủ những dự cảm và thông điệp riêng. Gặp anh trong thời điểm bận rộn đi lại "như con thoi" giữa bộn bề công việc của giảng đường, không gian triển lãm New Space Arts Foundation (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế)… mới thấy sức mạnh tinh thần ẩn chứa trong đôi mắt buồn nhưng tràn đầy nghị lực quyết tâm của chàng họa sỹ xứ cát chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy: "Mảnh đất này thực sự làm tôi thương nhớ!"

(QBĐT) - 18 tuổi, cô gái trẻ Trần Tiểu Vy đã mang trên vai trọng trách lớn lao của một hoa hậu Việt Nam. Hào quang của thành công đến với cô gái Quảng Nam này từ khá sớm.