Gặp gỡ cuối tuần
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Cội lim già" giữa đại ngàn…

  • 16:32 | Thứ Hai, 08/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bạch Đàn là bản nằm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ trên tuyến biên giới Việt-Lào thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Bản được bao quanh bốn phía là núi rừng và đời sống của người dân ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong hành trình 40 năm khai phá và lập bản đến giờ, người dân ở bản Bạch Đàn không những biết làm lúa nước, chăn nuôi theo hướng khoa học mà còn tìm được hướng vươn lên đích thực cho vùng đất và cho tương lai. Thành quả ấy, ngoài ý chí, nghị lực của dân bản còn có đóng góp không nhỏ của già làng Hồ Thanh Tình, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lâm Thủy...
 
“Linh hồn” của bản Bạch Đàn…
 
Cận Tết, chúng tôi băng rừng vào bản Bạch Đàn để gặp gỡ già làng Hồ Thanh Tình. Khi những bước chân vừa chạm đến ngọn đồi Ông Thốôc, cách bản chừng 3 cây số, thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy, bạn đồng hành vào bản Bạch Đàn cùng chúng tôi chỉ vào cây đại thụ bên đường và nói rằng: “Già làng Hồ Thanh Tình được dân bản ví như cây lim xanh của núi rừng Lâm Thủy. Cây lim tỏa bóng mát cho cả bản. Rễ cây bám chặt, giữ đất, giữ rừng, còn nấm lim giúp đồng bào tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực để bảo vệ vùng biên ải của Tổ quốc…”.
 
Chiều cuối năm, bản Bạch Đàn thanh bình đến lạ, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà của già làng Hồ Thanh Tình. Thấy có khách đến, già làng Tình niềm nở đón ngay tận bậc cầu thang của ngôi nhà sàn tươm tất, khang trang nhất, nhì bản. Bên bếp lửa hồng đang rừng rực cháy và chén chè xanh ngút ngàn hơi ấm, già làng Tình bắt đầu sẻ chia những ký ức về đời mình và hành trình 40 năm khai phá, lập bản Bạch Đàn. 
Một góc bản Bạch Đàn.
Một góc bản Bạch Đàn.
Theo già làng Hồ Thanh Tình, những năm 80 của thế kỷ trước, vì không có đất sản xuất, 11 hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở vùng trung tâm Xà Khía của xã Lâm Thủy đã phải gồng gánh gia đình di dân đến vùng đất mới sát biên giới Việt-Lào này để định cư sinh sống và lập nên bản Bạch Đàn ngày nay. Trong số những hộ ban đầu ấy, có gia đình già làng Tình.
 
Những ngày đầu ở bản Bạch Đàn chỉ có rừng, không có đường đi, các cơ sở vật chất khác cũng không có, bà con phải chặt cây rừng làm nhà tạm và canh tác nông nghiệp lạc hậu theo những gì cha ông truyền lại. Vốn là người lính được trải qua trận mạc lại được học hành hơn những người khác trong bản, ông nghĩ bà con dân bản Bạch Đàn cần phải đổi mới cách nghĩ, cách làm và kể cả tư duy để thoát nghèo.
 
Với suy nghĩ đó, dù ở trên cương vị nào, từ cán bộ văn phòng hay Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lâm Thủy, hàng năm, già làng Tình vẫn cần mẫn đi khắp mọi miền đất nước, từ những địa phương xa nhất ở miền Nam hay ở vùng Tây Bắc để học hỏi, tiếp cận các phương thức sản xuất mới về áp dụng tại quê hương và bản làng mình.
 
Nhìn quanh ngôi nhà sàn tươm tất của già làng Tình chúng tôi rất ngạc nhiên khi ông có đầy đủ các trang thiết bị cơ giới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với những chiếc máy cày, máy xát, máy xay và máy tuốt lúa. Ông cũng được mệnh danh là người thợ “cần mẫn” sửa đồ dùng điện tử, tivi, quạt máy… cho cả bản Bạch Đàn.
 
Nói như thầy giáo Ngô Mậu Tình: “Những con suối vào bản Bạch Đàn đã in đậm dấu chân của già làng Tình trên các phiến đá. Mà kể cũng lạ, đá ở suối không rêu xanh như các nơi khác, người ở bản Bạch Đàn bảo rằng, do già làng Tình đã đi hàng chục năm nay nên mới vậy. Không những tận tình giúp đỡ, hiến kế làm giàu cho bà con, già làng Tình còn là lớp người dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được cử đi học cử nhân chính trị nhằm nâng cao trình độ về phục vụ quê hương, ông rất xứng với tên gọi “linh hồn” của bản Bạch Đàn…”.
 
Để Bạch Đàn không còn xa ngái...
 
Già làng Hồ Thanh Tình ít nói về mình, cũng như con suối Bạch Đàn suốt ngày đêm róc rách chảy mang những dòng nước mát ngọt ngào cho bà con dân bản. Trong hành trình 40 năm khai phá và lập bản ấy, đến bây giờ, người dân Bạch Đàn không những chỉ biết làm lúa nước, chăn nuôi theo hướng khoa học mà còn tìm được hướng vươn lên đích thực cho vùng đất, cho tương lai để trở thành một trong những bản tiên tiến nhất, nhì xã Lâm Thủy.
 
Biết chúng tôi muốn được nghe câu chuyện ông giúp đỡ người dân trong bản phát triển kinh tế, già làng Tình khiêm tốn chia sẻ: “Bản Bạch Đàn là nơi trú ngụ của 56 hộ, 220 khẩu đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Bao năm cái nghèo cứ theo mãi, khổ dân bản miềng nên tôi luôn trăn trở làm sao tìm được cây trồng hợp chất đất, khí hậu ở đây để trồng có hiệu quả. Nghĩ là làm, tôi đã đi học hỏi ở những nơi khác, học được gì, biết được gì khi về bản, tôi đều chỉ cho bà con làm cùng, chỉ mong giúp bà con thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn…”
Giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy trao đổi với già làng Tình về việc tập của học sinh ở trường.
Giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy trao đổi với già làng Tình về việc tập của học sinh ở trường.
Từ chỗ dân bản Bạch Đàn chỉ độc canh mỗi cây lúa rẫy, nay nhờ già làng Tình và Bộ đội Biên phòng, bà con đã làm được hơn 3ha lúa nước, 15ha sắn nguyên liệu, 8ha đậu xanh và cùng nhiều cây trồng khác, như: ngô, lạc…; nuôi gần 100 con trâu, bò để ổn định cuộc sống, cho thu nhập.
 
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, già làng Tình cho rằng: “Bản Bạch Đàn đã có nhiều cái rất riêng, đường trong bản đã được bê tông; hệ thống điện sáng kéo vào tận từng nhà; nhà văn hóa, điểm trường tiểu học, mầm non được xây dựng khang trang. Nhưng có lẽ văn minh nhất ở bản miềng là 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường…”.
 
Già làng Tình đã liệt kê một loạt các con em của bản Bạch Đàn học hành thành đạt, như: Hồ Văn Duẫn, Hồ Huy, Hồ Văn Thái, Hồ Thị Vừa… và hiện nay đang có khoảng gần 60 em học sinh ở các cấp học. Cũng theo già làng Tình, để có được thành quả ấy, chính bằng uy tín của mình, ông đã cùng các thầy, cô giáo trên địa bàn miệt mài vận động các bậc phụ huynh đưa con em đến trường với tư duy có cái chữ mới mở mang được đầu óc để xây dựng đời sống mới.
 
Chia tay bản Bạch Đàn trong cái se sắt lạnh của những ngày cuối năm, bất chợt, nghe văng vẳng tiếng ê a đọc bài từ một nếp nhà sàn trong bản, chúng tôi nhớ tới lời của già làng Tình: “Nay mai nữa thôi, bản Bạch Đàn miềng sẽ trở thành bản văn minh, tiên tiến kiểu mẫu. Tương lai đó không còn xa ngái nữa vì đã có định hướng vươn lên đúng đắn cho cả vùng đất, cho tương lai…”. Và rồi, tôi chợt nghĩ rằng, thành quả đó được "bám rễ" vững chắc chính nhờ những “cội lim già” như già làng Hồ Thanh Tình.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

"Tôi gọi đó là tình yêu"

(QBĐT) - Vào một chiều cuối năm 2020, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bác sỹ Annet Ramos Plasencia, thành viên nữ duy nhất trong đoàn chuyên gia y tế Cuba sang làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tại khu nhà riêng của các chuyên gia. 

Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: "Hãy lắng nghe những câu chuyện của biển…"

(QBĐT) - Chọn những ngày cuối của tháng 9 mùa thu để ra mắt triển lãm cá nhân đúng nghĩa đầu tiên và lại chọn mảnh đất cố đô để gửi gắm "đứa con là tinh thần" của mình, chắc hẳn họa sỹ Nguyễn Lương Sáng đương ấp ủ những dự cảm và thông điệp riêng. Gặp anh trong thời điểm bận rộn đi lại "như con thoi" giữa bộn bề công việc của giảng đường, không gian triển lãm New Space Arts Foundation (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế)… mới thấy sức mạnh tinh thần ẩn chứa trong đôi mắt buồn nhưng tràn đầy nghị lực quyết tâm của chàng họa sỹ xứ cát chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy: "Mảnh đất này thực sự làm tôi thương nhớ!"

(QBĐT) - 18 tuổi, cô gái trẻ Trần Tiểu Vy đã mang trên vai trọng trách lớn lao của một hoa hậu Việt Nam. Hào quang của thành công đến với cô gái Quảng Nam này từ khá sớm.