Gặp gỡ cuối tuần
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Tôi gọi đó là tình yêu"

  • 08:37 | Chủ Nhật, 31/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vào một chiều cuối năm 2020, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bác sỹ Annet Ramos Plasencia, thành viên nữ duy nhất trong đoàn chuyên gia y tế Cuba sang làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tại khu nhà riêng của các chuyên gia. Qua những câu chuyện chủ yếu là bên lề công việc, chúng tôi cảm nhận được tình cảm mà bác sỹ Annet dành cho Quảng Bình mà như lời bà nói đó là “tình yêu” bởi nơi đây có nhiều nét tương đồng với quê hương của bà từ văn hóa, ẩm thực. “Tôi đặc biệt yêu thích phụ nữ Việt Nam, họ thực sự rất đẹp, nhất là khi mặc áo dài,”-Annet mở đầu câu chuyện.
 
- Như lời bà nói là rất yêu phụ nữ Việt Nam, theo bà phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Cuba có những điểm giống và khác nhau nào về tính cách cũng như văn hóa truyền thống?
 
- Qua thời gian công tác tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, tôi được tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ, họ là đồng nghiệp, là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân… và tôi nhận thấy rằng, phụ nữ Việt Nam và Cuba đều có điểm chung là hết lòng vì gia đình, luôn nỗ lực trong công việc. Họ đều có phẩm chất đạo đức truyền thống, cần cù, đảm đang và luôn đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Điểm khác nhau mà tôi thấy rõ nhất là các bạn có trang phục truyền thống áo dài rất đẹp.
 
Bác sỹ Annet Ramos Plasencia.
Bác sỹ Annet Ramos Plasencia.
Còn ở Cuba thì không có thiết kế trang phục truyền thống cho riêng phái nữ. Tôi rất thích khi được ngắm các bạn nữ trong tà áo dài, bởi họ rất duyên dáng. Tôi cũng đã được bệnh viện, khoa nhi tặng áo dài và tôi còn may thêm vài bộ với những màu sắc khác nhau để mặc trong các sự kiện trọng đại… Tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc và tự tin khi được khoác lên mình trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Ở Cuba, chúng tôi có trang phục truyền thống cho cả nam và nữ.
 
Đó là kiểu áo sơ mi được may bằng các chất vải mềm mại, thoáng mát như cotton và màu chủ đạo là màu trắng. Với loại trang phục này, người dân Cuba từ thành thị đến nông thôn đều mặc. Cố Chủ tịch Phidel Castro và nhiều quan chức khác ở Cuba cũng thường mặc loại áo này trong các sự kiện.
 
Tôi nghĩ, dù màu da, ngôn ngữ, trang phục có khác nhau nhưng vì có chung nhiều đặc điểm tính cách, văn hóa nên tôi đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới trên quê hương các bạn. Với tôi, Quảng Bình-Việt Nam là quê hương thứ hai, những người bạn đồng nghiệp và con cái của họ là gia đình mới của tôi ở nơi đây.
 
- Là phụ nữ sống xa gia đình, quê hương, chắc hẳn bà gặp không ít khó khăn trong cuộc sống?
 
- Đúng vậy, phụ nữ luôn đặt gia đình và vai trò làm mẹ lên hàng đầu nên khi xa gia đình, quê hương chắc chắn có những khó khăn, rào cản nhất định so với nam giới. Khó khăn lớn nhất với tôi là nỗi nhớ gia đình, nhớ con trai và những người thân… Và rất may là những người đồng nghiệp, những người bạn mới ở Quảng Bình đã giúp tôi vượt qua tất cả.
 
Tôi và chuyên gia Jesús de los Santos Renó Céspedes (lĩnh vực ung bướu) đến làm việc tại bệnh viện trong đợt 2 của chương trình hợp tác quốc tế về y tế. Vì thế, khi chúng tôi tới đây đã có những đồng nghiệp Cuba là các bác sỹ: Piter Martínez Benítez (chuyên gia về lĩnh vực tim mạch), Crescencio Anerio Alfonso (chuyên khoa phẫu thuật thần kinh), Alfredo Garcia Mirete (chuyên khoa ung bướu)… hỗ trợ rất nhiều, giúp tôi sớm thích nghi với cuộc sống mới. Mỗi khi nhớ gia đình, tôi thường gọi điện thoại về nhà gặp người thân, chia sẻ với họ những hình ảnh về nơi tôi làm việc cũng như cuộc sống sinh hoạt.
 
Bệnh viện đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi về nơi ăn chốn ở và điều kiện làm việc. Chúng tôi giao tiếp với các đồng nghiệp bằng tiếng Anh nên cũng dễ dàng hỗ trợ nhau trong chuyên môn, cuộc sống sinh hoạt. Tôi đã nhận được nhiều tình cảm từ bạn bè, đồng nghiệp và người dân Quảng Bình nên khoảng cách địa lý dần được rút ngắn. Chúng tôi thường xuyên trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn công việc để chăm sóc, điều trị tốt cho người bệnh.
Chuyên gia Annet luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người vì sự thân thiện trong giao tiếp với đồng nghiệp và người bệnh.
Chuyên gia Annet luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người vì sự thân thiện trong giao tiếp với đồng nghiệp và người bệnh.
- Rất vui vì chuyên gia hài lòng với công việc và cuộc sống mới. Vậy điều gì để lại nhiều ấn tượng với bà nhất khi sống và làm việc nơi đây?
 
- Sống và làm việc ở quê hương các bạn, tôi cảm thấy như đang ở quê mình bởi nơi đây còn lưu giữ rất nhiều hiện vật liên quan đến cố Chủ tịch Fidel Castro của chúng tôi trong thời gian ông về thăm Quảng Bình. Tôi nhận thấy có một sự tương đồng giữa quê hương của các bạn với quê hương tôi là con người rất thân thiện, hiếu khách. Và nữa, quê hương các bạn có rất nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, nhiều nét văn hóa đặc sắc, ấn tượng nhất là Tết cổ truyền. Ẩm thực ở Quảng Bình cũng rất phong phú. Tôi thích nhất là các món được chế biến từ thịt gà, hương vị rất đặc biệt…
 
Đợt lũ lụt vừa qua, tôi có tham gia cùng cán bộ y tế bệnh viện trong một số hoạt động vì người dân vùng lũ, tôi cảm nhận người Quảng Bình, Việt Nam rất giàu lòng nhân ái. Tôi nghĩ Việt Nam và Cuba có nhiều điểm chung: yêu quê hương, đất nước, kiên trì vượt khó, cần cù lao động, đoàn kết và nhân ái. Những gì người Việt Nam đã làm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và qua các đợt thiên tai, lũ lụt đã nói lên điều đó. Tất cả để lại trong tôi nhiều cảm xúc và tôi gọi đó là tình yêu…
 
- Là một bác sỹ chuyên ngành truyền nhiễm nhi, hàng ngày tiếp xúc với người bệnh, theo bà cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, nhất là phòng, chống các bệnh truyền nhiễm phổ biến hiện nay?
 
- Mô hình bệnh tật nhi ở đây có một số nét giống và khác ở Cuba. Giống nhau là trẻ vẫn thường hay mắc các bệnh truyền nhiễm nhưng có một số bệnh khác với ở Cuba. Vì thế, khi gặp các trường hợp đó, tôi thường trao đổi với các bác sỹ trong khoa để nắm rõ tính chất của bệnh nhằm đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Tôi vừa làm việc, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp nhưng cũng vừa học hỏi thêm từ các đồng nghiệp về những bệnh mà tôi chưa từng gặp hoặc không phổ biến ở Cuba.
 
Tôi thấy, trẻ nhập viện đa số mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa và một số bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, người lớn không nên để trẻ tiếp xúc nhiều với một số loại động vật nhằm bảo vệ sức khỏe. Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em cần rất nhiều yếu tố, trong đó người lớn, các bậc làm cha, làm mẹ cần có kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, có như vậy mới chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm và các loại bệnh khác nhằm giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
 
- Cảm ơn bác sỹ về cuộc trò chuyện rất thú vị này!
 
Annet Ramos Plasencia là chuyên gia về lĩnh vực nhi khoa của Cuba. Bà là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, đã tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và là tác giả của nhiều công trình, dự án về chuyên ngành nhi ở Cuba.
 
 Làm việc tại Khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (từ tháng 7-2019) theo chương trình hợp tác quốc tế về y tế giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Cu Ba, chuyên gia Annet Ramos không chỉ để lại nhiều ấn tượng với đồng nghiệp, người dân bởi chuyên môn giỏi mà còn được mọi người yêu quý bởi sự thân thiện, phong cách giao tiếp lịch thiệp và hết lòng vì công việc.
Nh.V (thực hiện)

tin liên quan

Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: "Hãy lắng nghe những câu chuyện của biển…"

(QBĐT) - Chọn những ngày cuối của tháng 9 mùa thu để ra mắt triển lãm cá nhân đúng nghĩa đầu tiên và lại chọn mảnh đất cố đô để gửi gắm "đứa con là tinh thần" của mình, chắc hẳn họa sỹ Nguyễn Lương Sáng đương ấp ủ những dự cảm và thông điệp riêng. Gặp anh trong thời điểm bận rộn đi lại "như con thoi" giữa bộn bề công việc của giảng đường, không gian triển lãm New Space Arts Foundation (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế)… mới thấy sức mạnh tinh thần ẩn chứa trong đôi mắt buồn nhưng tràn đầy nghị lực quyết tâm của chàng họa sỹ xứ cát chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy: "Mảnh đất này thực sự làm tôi thương nhớ!"

(QBĐT) - 18 tuổi, cô gái trẻ Trần Tiểu Vy đã mang trên vai trọng trách lớn lao của một hoa hậu Việt Nam. Hào quang của thành công đến với cô gái Quảng Nam này từ khá sớm.

"Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau…"

(QBĐT) - Tự ứng cử đại biểu Quốc hội khi mới học năm thứ 3 đại học; là sinh viên duy nhất trong 15 gương mặt nổi bật cả nước được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2017; thành lập công ty chuyên về sáng tạo khởi nghiệp cho giới trẻ khi là sinh viên năm thứ 4… và nay là Chủ tịch Cộng đồng khởi nghiệp Quảng Bình với hàng trăm thành viên.