Gặp gỡ cuối tuần
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Người lắng nghe "tiếng vọng" từ thiên thu…

  • 07:49 | Chủ Nhật, 10/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghỉ hưu từ năm 2014, nhưng với nhà khảo cổ học Tạ Đình Hà, sức hấp dẫn của những “câu chuyện” ẩn chứa sau từng lớp trầm tích của mảnh đất Quảng Bình vẫn chưa bao giờ hết “nóng”. Từ di chỉ Cồn Nền khám phá năm 1981 cho đến di chỉ khu lò gốm, sành Mỹ Cương cuối năm 1996 là cả một khoảng thời gian dài ông đã cống hiến biết bao tuổi xuân, sức trẻ và niềm đam mê cháy bỏng. Có lẽ chính vì vậy, “ngọn lửa” ẩn chứa bên trong con người ông vẫn luôn lắng nghe “tiếng thì thầm vọng từ quá khứ”…
Nhà khảo cổ học Tạ Đình Hà (thứ 2 từ trái sang) trong lần tham gia khai quật di chỉ Cồn Nền tháng 9-1998.
Nhà khảo cổ học Tạ Đình Hà (thứ 2 từ trái sang) trong lần tham gia khai quật di chỉ Cồn Nền tháng 9-1998.
- Thưa ông, còn nhớ cách đây gần 40 năm, năm 1981, một chàng trai vừa mới chân ướt chân ráo bước vào “làng” khảo cổ học đã phát hiện di chỉ Cồn Nền (Quảng Phương, Quảng Trạch). Sự kiện đã khiến giới giới khảo cổ học thời bấy giờ rất sửng sốt. Chắc hẳn với ông, đây là dấu ấn mang ý nghĩa đặc biệt?
 
- Quả thật, dù gần 40 năm đã trôi qua, nhưng với tôi, đó là kỷ niệm không thể nào quên, là “mối lương duyên” của tôi với nghiệp khảo cổ. Di chỉ Cồn Nền được phát hiện rất tình cờ và dường như “tiền nhân” đã trao cơ hội này cho tôi. Còn nhớ, những năm 80 của thế kỷ trước rất vất vả, tôi đang giảng dạy tại Trường đại học Tổng hợp Huế, còn vợ tôi công tác tại một trường cấp 2 ở xã Quảng Lưu (Quảng Trạch). Cuối tuần nào, tôi cũng bắt xe đò về thăm vợ.
 
Vợ tôi cũng là giáo viên nên thường xuyên lồng ghép những câu chuyện về thời tiền sử của loài người, về những mảnh gốm rồi trống đồng Đông Sơn… trong những tiết dạy của mình. Để từ đó, trò thêm yêu lịch sử Việt Nam, thêm trân quý những gì đang có. Trong đó, có một học trò tên Sơn, rất thông minh, nhanh nhẹn. Nhiều lần chăn trâu cắt cỏ, cậu bé đã phát hiện những mảnh gốm, lưỡi tầm sét…. nổi lên ở một cái ao trong làng. Cậu bé tò mò và đã kể cho vợ tôi nghe.
 
Lần đó (năm 1981), tôi về thăm vợ và nghe được câu chuyện. Không hiểu sao, tôi linh tính đây sẽ là một câu chuyện khác thường. Vậy là sáng hôm sau, tôi cũng cậu bé Sơn tay cuốc tay xẻng đi tìm hiểu. Thật xúc động, chỉ sau một vài nhát cuốc nhẹ, nhiều hiện vật xuất hiện, như: đồ gốm, vòng tay, rìu đá… Cảm giác sung sướng lúc đó không gì có thể diễn tả nổi!
 
- Được biết, từ năm 1954, các nhà khảo cổ Việt Nam chủ yếu chỉ khai quật lại các di chỉ trước đây do người Pháp phát hiện, rất hiếm các khám phá mới. Vì vậy, di chỉ Cồn Nền chắc chắn nhận được một sự quan tâm đặc biệt?
 
- Đúng vậy, đó là một khám phá chấn động giới khảo cổ trong nước. Ngay sau khi phát hiện di chỉ, tôi đã báo cáo với lãnh đạo Khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Huế và sau đó là Viện Khảo cổ học Việt Nam. Năm 1982, chúng tôi bắt tay khai quật di chỉ Cồn Nền và có nhiều phát hiện thú vị. Trong đó, rất nhiều hiện vật có giá trị, như: rìu đá, vòng tay đá, chày nghiền, bàn mài, mảnh gốm (sau phục hồi là nồi gốm), xỉ đồng, chì lưới, thổ hoàng (đá son, dùng để trang điểm)…
 
Theo nghiên cứu, di chỉ khảo cổ này có niên đại khoảng 3.500 năm, muộn hơn di chỉ Bàu Tró và tiến tới sơ kỳ đồ đồng. Con người giai đoạn này đã biết làm nông nghiệp, tạo ra nhiều lương thực, đồ gốm đa dạng, có sự giao thoa trao đổi hàng hóa (bởi nhiều rìu đá làm từ đá nguyên liệu trong vùng không có). Có hai điểm đáng chú ý là đồ gốm có nhiều hoa văn (răng cưa, chấm rải, đường kẻ song song, chữ S đối xứng) và tính tiết kiệm (nhiều rìu đá đã được mài đi mài lại dù đã sứt mẻ). Sau này, với tầm quan trọng của mình, di chỉ tiếp tục được khai quật nghiên cứu.
 Hiện vật thu được khi khai quật khu lò gốm, sành Mỹ Cương (1997).
Hiện vật thu được khi khai quật khu lò gốm, sành Mỹ Cương (1997).
- Đó là di chỉ đầu tiên đưa ông đến với giới khảo cổ, vậy di chỉ cuối cùng ông gắn bó trước khi nghỉ hưu?
 
- Trong suốt hành trình gắn bó với khảo cổ, từ thời sinh viên, tôi đã được theo các bậc thầy của khảo cổ học Việt Nam khai quật nhiều di chỉ ở miền Bắc rồi khi là giảng viên chuyên ngành khảo cổ tại Trường đại học Tổng hợp Huế, tôi lại tiếp tục con đường của mình… Khi chuyển về Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (cũ), tôi vẫn theo đuổi khảo cổ và chuyến khám phá cuối cùng trước khi nghỉ hưu chính là di chỉ khu lò gốm, sành Mỹ Cương (TP. Đồng Hới).
 
Việc phát hiện di chỉ này cũng thật tình cờ, một người dân bản địa trong khi làm vườn đã phát hiện những mảnh gốm kỳ lạ, rồi thông báo với chính quyền địa phương. Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố liên hệ với tôi và ngay lập tức, bằng trực giác, tôi đã cảm nhận mối liên hệ của đồ gốm khu vực này với con đường gốm sứ xuyên Á của người Nhật. Một chuyên gia của Viện Khảo cổ Việt Nam cùng các chuyên gia người Nhật Bản đang nghiên cứu về mối quan hệ giữa gốm, sành miền Trung Việt Nam với Nhật Bản qua thương cảng Hội An đã nhiệt tình tham gia khai quật.
 
Kết quả rất thành công khi chúng tôi phát hiện 3 lò gốm và nhiều hiện vật quý giá khác, chứng tỏ gốm, sành Mỹ Cương không chỉ phục vụ sinh hoạt của người dân địa phương, mà còn có mặt ở các tỉnh miền Trung và cả TP. Sakai (Nhật Bản). Di chỉ góp phần vào việc nghiên cứu con đường thương mại của gốm, sành Việt-Nhật trong thế kỷ 17, 18.
 
- Ông đề cập nhiều đến “cái duyên” khi nhắc đến những khám phá khảo cổ của mình, nhưng tôi chắc chắn thành công còn đến từ nhiều yếu tố khác?
 
- (cười lớn) Tất nhiên rồi, hành trình khám phá còn đến từ kiến thức tích lũy, kinh nghiệm và nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn đối với hang Ma Ung ở thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa, phát hiện năm 1985. Khi đưa học trò về đây khảo sát, tôi căn cứ vào nhiều yếu tố để chọn đúng hang này và phát hiện nhiều hiện vật giá trị của người xưa, như: nên chọn hang có hướng Nam (thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời), chọn hang có phần phía trước bằng phẳng (phù hợp là nơi sinh hoạt cộng đồng), phần trong hang bằng phẳng, ít gồ ghề (dễ sinh sống)…
 
- Người yêu sử đã ít, người yêu khảo cổ lại càng hiếm hoi, dường như, ông là nhà khảo cổ học “độc đinh” của Quảng Bình thời bấy giờ? Vậy, tình yêu nào đã dẫn ông đến với khảo cổ học?
 
- Tôi là người làng La Hà (Quảng Văn, Quảng Trạch), một trong “bát danh hương” của Quảng Bình, nhà tôi có rất nhiều sách, đặc biệt là các sách về lịch sử. Chính vì vậy, ngay từ thuở nhỏ, tôi đã làm quen và gắn bó với lịch sử và có niềm yêu thích đặc biệt. Sau này, khi lớn lên, tôi cũng lựa chọn ngành Lịch sử để theo đuổi và cuối cùng đã đến với khảo cổ học như một “mối duyên tiền định”.
 
- Trăn trở của ông khi nhiều di tích lịch sử, văn hóa vẫn còn ít được biết đến, chưa phát huy giá trị, nhất là trong phát triển du lịch?
 
- Thực tế cho thấy Quảng Bình có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa và cả những di chỉ khảo cổ nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Riêng TP. Đồng Hới đã có 2 di chỉ nổi tiếng là Bàu Tró và gốm, sành Mỹ Cương. Nếu chúng ta có hướng đầu tư đúng và phù hợp, sẽ đưa du lịch thành phố vừa phát triển theo chiều sâu, vừa có tính giáo dục cao. Điều đầu tiên cần làm, theo tôi, chính là phải xây dựng hoàn thiện bản đồ khảo cổ của Quảng Bình để có cái nhìn khách quan, toàn vẹn nhất và từ đó có thể xây dựng kế hoạch dài hơi hơn. Đồng thời, các di chỉ khảo cổ rất cần được đưa vào các chương trình ngoại khóa hay các phần học giới thiệu về địa phương để thế hệ sau thêm thấu hiểu lịch sử.
 
- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện ấn tượng này!
 
Mai Nhân (thực hiện)
 

tin liên quan

Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: "Hãy lắng nghe những câu chuyện của biển…"

(QBĐT) - Chọn những ngày cuối của tháng 9 mùa thu để ra mắt triển lãm cá nhân đúng nghĩa đầu tiên và lại chọn mảnh đất cố đô để gửi gắm "đứa con là tinh thần" của mình, chắc hẳn họa sỹ Nguyễn Lương Sáng đương ấp ủ những dự cảm và thông điệp riêng. Gặp anh trong thời điểm bận rộn đi lại "như con thoi" giữa bộn bề công việc của giảng đường, không gian triển lãm New Space Arts Foundation (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế)… mới thấy sức mạnh tinh thần ẩn chứa trong đôi mắt buồn nhưng tràn đầy nghị lực quyết tâm của chàng họa sỹ xứ cát chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy: "Mảnh đất này thực sự làm tôi thương nhớ!"

(QBĐT) - 18 tuổi, cô gái trẻ Trần Tiểu Vy đã mang trên vai trọng trách lớn lao của một hoa hậu Việt Nam. Hào quang của thành công đến với cô gái Quảng Nam này từ khá sớm.

Giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí: "Quê hương Quảng Bình luôn ở trong trái tim tôi…"

(QBĐT) - Giữa tháng 7 này, đêm nhạc "Tri ân quê hương" của Giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ (GS.TS.NS) Nguyễn Anh Trí sẽ được tổ chức tại quê hương Quảng Bình.