Gặp gỡ cuối tuần
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

PGS.TS Hoàng Văn Dũng: "Khó khăn là động lực để trưởng thành"

  • 08:09 | Chủ Nhật, 23/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 27-11-2019, tiến sỹ Hoàng Văn Dũng (Trường đại học Quảng Bình) được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư ở tuổi 39. Cho đến thời điểm này, anh là phó giáo sư trẻ tuổi nhất Quảng Bình. Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với phó giáo sư-tiến sỹ (PGS.TS) Hoàng Văn Dũng để hiểu thêm về hành trình nghiên cứu khoa học và những thành quả của anh.
 
- Thưa TS Hoàng Văn Dũng, là người được công nhận danh hiệu PGS có độ tuổi trẻ nhất tỉnh cho đến thời điểm này, anh có thể chia sẻ với bạn đọc về hành trình của bản thân để đạt được thành công ngày hôm nay?
 
 - Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác, luôn nỗ lực và cố gắng trong công việc. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Tin học tại Trường đại học Sư phạm Huế năm 2002, tôi đã về giảng dạy tại Trường đại học Quảng Bình, thời điểm đó còn là Trường cao đẳng sư phạm Quảng Bình. Thời gian đầu, tôi cũng gặp những khó khăn, bỡ ngỡ nhất định, nhưng sự quan tâm, sẻ chia của lãnh đạo nhà trường và anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi rất nhiều.
 
Năm 2005, tôi theo học chương trình thạc sỹ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Trường đại học sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 2008. Một bước ngoặt quan trọng trong hành trình là tôi được nhận học bổng tiến sỹ của Trường đại học Ulsan (Hàn Quốc) vào năm 2011, chuyên ngành Kỹ thuật điện tử và hệ thống thông tin. Sau gần 4 năm học tập, tôi đã tốt nghiệp tiến sỹ và trở về trường giảng dạy. Hiện nay, tôi là giảng viên chính, Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Quảng Bình.
PGS.TS Hoàng Văn Dũng và vợ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp tiến sỹ tại Trường đại học Ulsan.
PGS.TS Hoàng Văn Dũng và vợ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp tiến sỹ tại Trường đại học Ulsan.
- Trong hành trình nói trên, anh đã gặp phải khó khăn gì và nỗ lực như thế nào để vượt qua, thưa anh?
 
- Tôi cho rằng để đạt được những mục tiêu của mình, tất cả chúng ta đều phải đối mặt và nỗ lực vượt qua khó khăn. Năm 1998, sau khi thi đỗ 3 trường đại học, tôi đã chọn Trường đại học Sư phạm Huế vì ngôi trường này phù hợp với điều kiện của bản thân. Dù vậy thì, những năm tháng đầu tiên làm sinh viên, tôi và nhiều bạn bè đã phải tất tả ngược xuôi để thuê, mượn máy tính vì chuyên ngành của chúng tôi là Sư phạm tin học và thời điểm đó, máy tính là hàng hiếm. Không chỉ khó khăn trong học tập, cuộc sống xa nhà với bao nhiêu lo toan trong khi “viện trợ” của gia đình rất hạn hẹp cũng là “bài toán khó” của nhiều người lúc bấy giờ, trong đó có tôi. Tuy nhiên, có thể là nhờ tuổi trẻ với nhiều ước mơ, hoài bão và sự khó khăn đó cũng là bối cảnh chung của nhiều bạn bè nên chúng tôi cũng đã vượt qua để học tốt.
 
Nếu nói là khó khăn, thì mỗi giai đoạn có những đặc thù khác nhau. Ví dụ như thời gian tôi học chương trình tiến sỹ tại Trường đại học Ulsan, việc nghiên cứu đến 2-3 giờ sáng, làm việc không có cuối tuần là điều rất thường xuyên. Những khác biệt về văn hóa, sự thiếu thốn tình cảm gia đình… cũng là khó khăn, nhưng vì thế nên tôi và các đồng nghiệp càng phải cố gắng nhiều hơn.
 
- Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn với bạn đọc về những nội dung nghiên cứu của anh tại Trường đại học Ulsan và dự định thời gian tới?
 
- Lĩnh vực tôi lựa chọn trong chương trình nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc là thị giác máy tính. Đây là lĩnh vực tương đối mới, có nhiều triển vọng trong tương lai. Kết quả đạt được của lĩnh vực này đang được ứng dụng trong các hệ thống thông minh phục vụ dân sự, quân sự, hàng không vũ trụ…
 
Xác định hướng nghiên cứu phù hợp với năng lực, đam mê của bản thân và xu hướng phát triển của khoa học-công nghệ, cho đến nay, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này. Để bảo đảm nội dung nghiên cứu có hiệu quả trong thực tiễn, bên cạnh đọc, viết các bài báo khoa học, tôi tham gia nhiều hội thảo chuyên ngành, trao đổi học thuật, đánh giá hiện trạng kết quả nghiên cứu, nắm bắt được thành tựu, hạn chế để định hình ý tưởng, đề xuất giải pháp…
 
Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu khoa học, tôi tham gia giảng dạy sau đại học, hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ cho một số trường đại học. Đặc biệt, tôi đã hướng dẫn nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh cho tỉnh nhà. Đây cũng là cách tôi chia sẻ kiến thức và đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân để ngày càng hoàn thiện hơn.
 
- Với những nỗ lực và thành tựu của mình, anh đã đạt những giải thưởng gì, đặc biệt là trong những năm gần đây?
 
- Với những kết quả đạt được thể hiện qua các công trình nghiên cứu, công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín, hội thảo chuyên ngành và hoàn thành tốt các đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh, tôi đã được xét tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2017. Ngoài ra với các đóng góp tích cực tại các hội thảo và tạp chí chuyên ngành, tôi đã đạt các giải thưởng như bài báo khoa học xuất sắc của Hiệp hội khoa học kỹ thuật Hàn Quốc, báo cáo xuất sắc tại hội thảo quốc tế về hệ thống tương tác người máy (HSI2013), tính toán cộng tác thông minh (ICCCI2014), được công nhận là người có đóng góp nổi bật cho chuỗi hội thảo các hệ thống thông minh (ACIIDS) trong 10 năm từ 2009-2018; đóng góp xuất sắc trong phản biện cho Tạp chí Journal of Computational Science (tạp chí quốc tế uy tín ISI). 
 
- Sau tất cả những nỗ lực và thành công bước đầu, anh có điều gì muốn chia sẻ với người thân, bạn bè và đồng nghiệp? 
 
- Như câu trả lời đầu tiên của tôi, rằng để đạt được những thành tựu như bây giờ, tôi cũng giống như nhiều đồng nghiệp của mình, luôn nỗ lực và cố gắng trong công việc. Và với riêng tôi, ở những thời điểm khó khăn nhất, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc. Quê tôi ở xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn), là vùng cồn bãi khó khăn. Bố mẹ tôi làm nghề nông nên rất vất vả khi nuôi 8 anh chị em tôi ăn học. Tôi là con út, khi tôi 2 tuổi thì bố mất. Từ đó một mình mẹ tôi nuôi 8 người con. Chúng tôi thấu hiểu những gánh nặng của mẹ nên tất cả 8 anh chị em ai cũng cố gắng học tập và làm rất nhiều việc để phụ giúp mẹ.
 
Sau này, mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại nhớ đến mẹ, thấy những khó khăn của mình chưa là gì và càng cố gắng hơn. Vì vậy, khó khăn cũng chính là động lực giúp tôi trưởng thành.Sau này, tôi may mắn gặp bạn đời là đồng nghiệp. Giữa chúng tôi, ngoài tình cảm vợ chồng, còn là sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng hành của đồng nghiệp. Nên gia đình chính là điểm tựa vững chắc để tôi yên tâm công tác. Gia đình đã đóng góp rất nhiều trong những gì tôi đạt được hôm nay.Tôi cũng rất cảm ơn lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp và cả các em sinh viên vì sự quan tâm, tạo điều kiện và ủng hộ của mọi người. 
PGS.TS Hoàng Văn Dũng và niềm say mê nghiên cứu lĩnh vực thị giác máy tính.
PGS.TS Hoàng Văn Dũng và niềm say mê nghiên cứu lĩnh vực thị giác máy tính.
- Sau 18 năm gắn bó với ngôi trường, anh có mong muốn gì cho bản thân và Trường đại học Quảng Bình?
 
- Những kết quả đạt được trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học của tôi thời gian qua tuy còn khiêm tốn nhưng tôi sẽ không ngừng nỗ lực phát triển để các nghiên cứu của mình ngày càng có chiều sâu và thiết thực hơn. Mong muốn sâu sắc nhất của tôi là những thành quả nghiên cứu khoa học, giảng dạy của bản thân có thể đóng góp thiết thực một phần nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ của tỉnh Quảng Bình, vốn còn nhiều khó khăn so với các địa phương trong nước và quốc tế. Đặc biệt, những thành quả này sẽ góp phần nâng cao uy tín, sự lớn mạnh của Trường đại học Quảng Bình, nơi tôi từng bước trưởng thành, trong bối cảnh đổi mới giáo dục của đất nước hiện nay.
 
- Cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện này. Xin chúc PGS.TS gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giảng dạy trong thời gian tới.
 
PGS.TS Hoàng Văn Dũng sinh ngày 22-8-1980 tại xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, hiện là giảng viên chính, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Quảng Bình. Trong số 18 cá nhân ngành Công nghệ thông tin được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận danh hiệu PGS vào năm 2019, TS Hoàng Văn Dũng đạt số điểm công trình khoa học (quy đổi) cao nhất. PGS.TS Hoàng Văn Dũng đã công bố trên 60 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế; chủ nhiệm 5 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, là PGS trẻ nhất tỉnh Quảng Bình đến thời điểm này.
 
Ngọc Mai-Nội Hà
 

tin liên quan

Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng: "Hãy lắng nghe những câu chuyện của biển…"

(QBĐT) - Chọn những ngày cuối của tháng 9 mùa thu để ra mắt triển lãm cá nhân đúng nghĩa đầu tiên và lại chọn mảnh đất cố đô để gửi gắm "đứa con là tinh thần" của mình, chắc hẳn họa sỹ Nguyễn Lương Sáng đương ấp ủ những dự cảm và thông điệp riêng. Gặp anh trong thời điểm bận rộn đi lại "như con thoi" giữa bộn bề công việc của giảng đường, không gian triển lãm New Space Arts Foundation (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế)… mới thấy sức mạnh tinh thần ẩn chứa trong đôi mắt buồn nhưng tràn đầy nghị lực quyết tâm của chàng họa sỹ xứ cát chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy: "Mảnh đất này thực sự làm tôi thương nhớ!"

(QBĐT) - 18 tuổi, cô gái trẻ Trần Tiểu Vy đã mang trên vai trọng trách lớn lao của một hoa hậu Việt Nam. Hào quang của thành công đến với cô gái Quảng Nam này từ khá sớm.

Giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Anh Trí: "Quê hương Quảng Bình luôn ở trong trái tim tôi…"

(QBĐT) - Giữa tháng 7 này, đêm nhạc "Tri ân quê hương" của Giáo sư, tiến sỹ, nhạc sỹ (GS.TS.NS) Nguyễn Anh Trí sẽ được tổ chức tại quê hương Quảng Bình.