.

Càng "chạm" vào lịch sử, càng thấy yêu quê hương

Thứ Bảy, 19/11/2016, 10:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua những bước thăng trầm của thời gian, với niềm đam mê ấp ủ từ lâu, hình ảnh mảnh đất Quảng Bình xưa luôn được hiện hữu rõ nét trong tâm thức của anh Phan Thanh Xuân (Đức Ninh, Đồng Hới). Người đàn ông ấy luôn tâm đắc, nâng niu gần 50.000 tư liệu nhuốm màu thời gian mà anh lặng thầm góp nhặt, sưu tầm suốt 20 năm qua như một báu vật. Bởi anh bảo, lãng quên lịch sử chính là lúc có lỗi với cha ông. Chúng tôi đã cuộc trò chuyện với người đàn ông có niềm đam mê đặc biệt: sưu tầm tư liệu cũ về quê hương Quảng Bình.

Anh Phan Thanh Xuân với 20 năm đam mê sưu tầm tư liệu cũ về Quảng Bình.
Anh Phan Thanh Xuân với 20 năm đam mê sưu tầm tư liệu cũ về Quảng Bình.

- Anh bắt đầu việc sưu tầm tư liệu cũ từ bao giờ? Và vì sao lại chọn nó chứ không phải là một đam mê khác?

- Mình bắt đầu sưu tầm dữ liệu cách đây đã lâu, dễ cũng 20 năm rồi. Cuộc sống của mình có rất nhiều thứ để đam mê, vì bạn biết đấy, bể học là mênh mông mà, nhưng hình như ông trời chỉ cho mình đạt được một phần nào đó, ở một số lĩnh vực mà thôi còn lại là thất bại thảm hại (cười).

- Với gần 50.000 đầu tài liệu, anh được coi là nhà sưu tầm có khối lượng ảnh tư liệu rất đồ sộ. Vì sao anh tiếp cận được chúng?

- Tôi nghĩ là bởi may mắn. May mắn khi trong tay nắm bắt được công nghệ và sự bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin, nhất là quá trình số hóa dữ liệu và công nghệ mạng đúng vào lúc mình cần nó.

Ví như, khi mình muốn sưu tầm những tư liệu cũ về Đồng Hới, thì may mắn rằng bản thân đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của những người bạn gần xa, những người Đồng Hới gốc thế hệ trước.

Những người bạn ở nước ngoài thì giúp mình có được tài khoản trong các thư viện lớn nổi tiếng trên thế giới, để từ đó tiếp cận và tải được nguồn dữ liệu này về. Nếu không có sự giúp đỡ này thì có lẽ cả gia sản mình cũng chả bao giờ trả nỗi phí từ các thư viện này. Ngoài ra có các bác thuộc lớp cây đa, cây đề trong giới sử học cũng như các nhà học thuật trong nước đã giúp mình soạn và sắp xếp khối tài liệu bát nháo ấy.

- Nghĩa là công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin không hề đối kháng mà là rất hữu ích trong việc hỗ trợ để thỏa mãn niềm đam mê đó?

- Tất nhiên để “thỉnh” nó – tức là khối dữ liệu ấy về nhà mình và cất giữ lại là điều có lúc không dễ dàng gì và nhất là việc phải biết sử dụng, khai thác nó ra sao. Cho dù mình là một kỹ sư công nghệ thông tin nhưng đặc điểm chung của ngành này là công nghệ liên tục thay đổi, do đó phải liên tục học hỏi thêm nhiều kiến thức về chuyên ngành. Mà bạn biết không, đuổi theo nó nhiều khi cũng mệt mỏi lắm. (cười)

- Khó khăn lớn nhất của anh trong quá trình sưu tầm tư liệu và hình ảnh lịch sử?

- Cái khó nhất, mình cố gắng tránh nhất đó là sự dị nghị của người đời. Thật đấy, bởi đã nói tới ảnh xưa, dữ liệu cũ nhất là các tư liệu lịch sữ rất dễ đụng chạm đến các vấn đề chưa rõ ràng, nhạy cảm. Lại là người ngoại đạo của ngành Sử nên chắc chắn không tránh khỏi thị phi đâu đó dành cho mình, trong khi mình cố thanh minh rằng mình không là nhà sử học, mình chỉ sưu tầm, góp nhặt dữ liệu để dành cho giới nghiên cứu cũng như các thế hệ con cháu sau này mà thôi, thì cũng chả ai chịu hiểu.

Tất cả các bức ảnh, tư liệu và các bài viết của mình đưa lên Facebook phải được lựa chọn, tìm hiểu kỹ để tránh nhầm lẫn. Lịch sử không dễ dàng biến mất mà không để lại vết tích gì. Chỉ có điều, hậu thế sau này muốn biết được tiến trình lịch sử cha ông xưa thực sự xảy ra như thế nào như chính nó đã từng xảy ra là điều không dễ dàng gì, vì rất nhiều lý do.

Với tinh thần cầu thị và tôn trọng sự thật, đứng ngoài chính trị, tôn giáo và mưu đồ lợi ích cá nhân, mình vẫn rất sẵn lòng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ nhiều phía. Tất cả chỉ với mong muốn góp phần làm sáng tỏ những vấn đề của lịch sử Đồng Hới nói riêng và Quảng Bình nói chung.

Ngoài cái khó đó ra thì có mấy thứ khó khăn lặt vặt khác như tiền mua tài khoản, máy chủ, tải dữ liệu tốc độ cao... Nhưng mà những thứ đó mình tự xoay xở được nên không đến nỗi nào.

- Benjamin Franklin từng nói: “Đầu tư vào tri thức có lợi nhuận cao nhất”. Với anh, “lợi nhuận” từ chính những tri thức mình có được là gì?

- Nhiều chứ, nhưng đó không phải là lợi nhuận được tính bằng vật chất mà là tinh thần, là lượng kiến thức mình được tiếp cận. Ở nước ngoài người ta đã có các thư viện, bảo tàng, công ty lưu trữ dữ liệu để phục vụ công cuộc nghiên cứu rất lớn, nó là nơi lưu trữ tri thức, lịch sử nhân loại từ mấy trăm năm nay nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận được khối tư liệu ấy.

Sau khi mình đã có được nguồn dữ liệu kha khá, một số nhà học thuật và sử gia trong nước bắt đầu để ý và ngỏ lời, mình đã cung cấp cho họ một số tư liệu quý trong nước chưa có để họ khai thác. Khi các đứa con tinh thần của họ ra đời, họ đã tặng mình những cuốn sách đó. Rất trân trọng và quý hóa! Với mình, đó có thể coi là một “lợi nhuận” đáng quý mình thu được! Bạn thấy không, “lãi” quá còn gì? (cười)

- Là người được tiếp cận với nguồn tư liệu cổ quý giá về đất và người Quảng Bình, cũng có nhiều dịp đi thực địa tại các di tích, vậy anh nghĩ thế nào về việc trùng tu, tôn tạo, quản lý di tích tại tỉnh ta hiện nay?

- Với câu hỏi này, mình xin phép được giữ câu trả lời lại cho riêng mình nhé! (cười)

- Trong số những hình ảnh anh sưu tầm được, có rất nhiều hình ảnh quý về Đồng Hới xưa. Bản thân anh cũng đã có những nghiên cứu, ghi chép, phân tích rất tỉ mỉ về những bức ảnh ấy. Có lẽ, phải dành một tình yêu đặc biệt cho thành phố quê hương thì anh mới làm được như thế?

- Mỗi người con nước Việt ai ai cũng yêu quê hương của mình cả. Mình chỉ cố gắng tìm hiểu ngọn ngành cục đất, hòn đá, cọng cỏ nơi mình sinh ra mà thôi, âu đó cũng là ước nguyện của nhiều người chứ không phải chỉ riêng mình, chỉ có điều, mình hình như may mắn hơn một số người khác mà thôi.

Một trong nhiều bức ảnh quý về Thành Đồng Hới thời Pháp thuộc.
Một trong nhiều bức ảnh quý về Thành Đồng Hới thời Pháp thuộc.

- Là người đam mê sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử quê hương, anh nghĩ gì khi một bộ phận giới trẻ hiện nay dửng dưng với quá khứ, với lịch sử chính mảnh đất mà mình đang sống?

- Chúng ta đừng nên quy chụp và trách cứ lớp trẻ. Nếu cứ như vậy, đó sẽ là một sai lầm rất lớn. Lớp con cháu nay rất giỏi và thông minh. Đó là điều đáng tự hào. Điều cần làm là phải nâng cao văn hóa đọc cho lớp trẻ.

- Nhà văn Voitaire từng nói rằng tri thức cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người. Anh có dự định gì để truyền “ngọn lửa” ấy hay không?

- Mình chỉ nghĩ đơn giản rằng mình chưa già, những gì mình làm được cho quê hương, đất nước cũng chưa phải là nhiều. Càng không có nhiều tham vọng đến độ muốn làm sáng tỏ nhiều sự thật lịch sử của cha ông mình bị mất mát, lãng quên. Những gì mình tích lũy, sưu tầm và phổ biến gần đây chỉ là bước đầu nhằm giúp các thế hệ con cháu về sau đỡ phải nhọc nhằn trong việc đi tìm những sự thật lịch sử mà cha ông chúng đã trải qua. Âu đó cũng là một trách nhiệm mà mình không được phép lãng quên.

Cách đây 10 năm, mình cũng từng có mong muốn xây dựng một thư viện điện tử để ai cũng có điều kiện để tiếp cận với những tài liệu mà bản thân may mắn tiếp cận được nhưng vì vướng nhiều thủ tục nên không thể thực hiện được.

Mình đã gửi tặng Trung tâm Văn hóa Thông tin thành phố Đồng Hới một số ảnh cũ về thành phố. Hy vọng các bạn trẻ sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn, hiểu hơn về lịch sử quê hương mình. Và chắc chắn rằng, một khi càng “chạm” vào lịch sử, sẽ càng thấy yêu quê hương.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.

Diệu Hương (thực hiện)