.

Phong trào không đi lên, thay thế cán bộ đứng đầu!

Thứ Sáu, 24/04/2015, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, có thể nói Quảng Ninh đã thực hiện khá tốt công tác cán bộ, đặc biệt là việc kiên quyết thay thế cán bộ đứng đầu khi phong trào ở nơi đó đi xuống hoặc không chuyển biến. Quảng Ninh cũng là địa phương trăn trở và quyết liệt trong việc giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, quản lý, ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Trần Hải Châu, TUV, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh xung quanh các nội dung này.

 

Anh Trần Hải Châu, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh
Anh Trần Hải Châu, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh.

- Theo anh, việc đầu tiên cần quan tâm trong công tác cán bộ là gì?

- Trước hết là chuẩn hóa cán bộ. Từ nhiệm kỳ trước Quảng Ninh đã rất quan tâm về công tác đào tạo, chuẩn hóa cán bộ. Trong nhiệm kỳ vừa rồi, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục xác định công tác cán bộ là bước đột phá về chiến lược, quan tâm cả hai cấp huyện và xã. Huyện có một chương trình riêng về công tác đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ.

Trong đó yêu cầu cán bộ chủ chốt của huyện, các trưởng phòng ban thì phải có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân. Còn đối với cấp xã, phấn đấu đa số cán bộ chủ chốt phải đạt trình độ đại học chuyên môn, trung cấp về lý luận chính trị (từ nhiệm kỳ 2005-2010, cán bộ chủ chốt cấp xã của huyện đã đạt 80% đối với chuẩn trên). Thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, vừa qua chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ đối tượng cán bộ chủ chốt cấp xã thì cơ bản đều trên chuẩn so với qui định của Chỉ thị 36 (Chỉ thị 36 yêu cầu cán bộ cấp xã có trình độ trung cấp trở lên).

Tuy nhiên, đối với yêu cầu của huyện theo kế hoạch, chương trình công tác cán bộ đã ban hành, chúng tôi vẫn yêu cầu những đồng chí cơ cấu cán bộ chủ chốt nhiệm kỳ này phải có trình độ đại học, nếu đồng chí nào chưa đạt chuẩn sẽ bố trí, cơ cấu làm việc khác bởi ngay chính các đồng chí này từ đầu đã biểu quyết thống nhất chương trình, kế hoạch của huyện về công tác cán bộ.

- Gần như trong công tác cán bộ, Quảng Ninh đã đi trước một bước về chuẩn hóa trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, thế còn trong công tác qui hoạch cán bộ, huyện đã làm như thế nào?

- Trước hết là phải bám sát các hướng dẫn của cấp trên trong công tác qui hoạch cán bộ, phải bảo đảm đúng về qui trình, về tiêu chuẩn (đặc biệt là các tiêu chuẩn mà huyện đã đi trước một bước như tôi nói ở trên), chú ý cán bộ nữ, cán bộ trẻ, làm sao để luôn có đội ngũ cán bộ sẵn sàng thay thế có đầy đủ phẩm chất, năng lực cũng như kinh nghiệm công tác.

- Đối với cán bộ chủ chốt cấp xã, các phòng, ban của huyện thì việc qui hoạch cán bộ được xây dựng từ cơ sở và đề xuất lên huyện thẩm định, phê duyệt, vậy Ban Thường vụ Huyện ủy dựa trên những căn cứ nào để bảo đảm chính xác trong thẩm định, phê duyệt qui hoạch cán bộ cấp cơ sở, các phòng, ban của huyện, bởi trong thực tiễn vẫn có thể xảy ra tình trạng phe nhóm, bè phái dẫn đến thiếu khách quan trong công tác qui hoạch?

- Điều anh băn khoăn là đúng và thực tiễn rõ ràng cũng đã xảy ra. Để tránh tình trạng thiếu khách quan dẫn đến qui hoạch cán bộ không sát đúng, huyện căn cứ trên nhiều kênh. Ví dụ: từ đề xuất của cơ sở, từ ngành dọc của cán bộ đưa vào đề xuất qui hoạch, từ phong trào, hiệu quả công tác của ngành, lĩnh vực... của các cán bộ đó, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Cán bộ là gốc của mọi công việc".

Cầu Long Đại. Ảnh: Tiến Hành
Cầu Long Đại. Ảnh: Tiến Hành

Mặt khác, chúng tôi chỉ đạo cán bộ Ban Tổ chức, Phòng Nội vụ bám cơ sở để nắm bắt thật chắc về cán bộ, từ tiêu chuẩn về trình độ bằng cấp đến năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đưc, lối sống... Dựa trên những kênh đó để Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá đúng cán bộ, đưa vào hay không đưa vào qui hoạch.

Và cũng dựa vào các kênh đó để chúng tôi xem xét công tác qui hoạch cán bộ của cơ sở thực hiện có tốt không, có công bằng, khách quan hay không và nơi nào có biểu hiện thiếu công tâm, khách quan sẽ phê bình, rút kinh nghiệm nghiêm túc. Và một điều quan trọng nữa là chúng tôi thực hiện rà soát hàng năm để bổ sung hoặc kiên quyết đưa ra khỏi qui hoạch những cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn hoặc không còn bảo đảm tiêu chuẩn nữa.

- Được biết, Quảng Ninh có cách làm khá tốt trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ nên cả người được bố trí, sử dụng cũng như người phải rời khỏi từng vị trí cụ thể đều tâm phục khẩu phục?

- Việc này bắt đầu từ thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Quảng Ninh thông qua việc thực hiện nghị quyết để xử lý các vấn đề nổi cộm, chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ để xốc lại phong trào. Chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy là nơi nào phong trào đi xuống hoặc không chuyển biến, tạo dư luận không tốt trong nhân dân thì kiểm tra, đánh giá để có hướng xử lý và sau hai năm vẫn không có chuyển biến thì thay thế người đứng đầu cấp ủy đó.

Ví dụ ở Võ Ninh, An Ninh khi nội bộ có vấn đề, chúng tôi đã kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ, sau đó phong trào ở các xã này đã đi lên. Hay như các xã Hiền Ninh, Duy Ninh và Tân Ninh dù không có sai phạm nhưng do hai năm liền phong trào không có chuyển biến, Ban Thường vụ Huyện ủy vẫn quyết định thay các đồng chí Bí thư Đảng ủy bằng cách thay đổi chức danh ngay trong tập thể lãnh đạo chủ chốt xã, hoặc luân chuyển cán bộ đơn vị khác tới. Vì Ban Thường vụ Huyện ủy đã cho hai năm để xốc lại phong trào nhưng nếu không đưa được phong trào đi lên thì chính người đứng đầu cấp ủy cũng tự nhận thấy những hạn chế của mình, từ đó chấp nhận sự thay thế.

- Như vậy, việc thay thế cán bộ ở Quảng Ninh rất kiên quyết?

- Phương châm của Ban Thường vụ Huyện ủy trong lãnh đạo, điều hành, đặc biệt là trong công tác cán bộ là “Thảo luận dân chủ, kiên trì vận động, kiên quyết thực hiện”. Ví dụ việc thay thế một cán bộ đứng đầu cấp ủy ở nơi có phong trào yếu phải hết sức cân nhắc, sao cho có lý, có tình, làm sao để đưa phong trào nơi đó đi lên nhưng cũng bảo đảm không để cán bộ bị sốc, bất mãn bởi họ cũng không phải là cán bộ bị kỷ luật.

- Thời gian qua Quảng Ninh rất quan tâm đến việc đề xuất giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt tại các hội nghị cấp tỉnh, anh với cương vị Bí thư Huyện ủy đã đề cập rất nhiều đến vấn đề này?

- Việc đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất để sản xuất, ổn định đời sống là một thực tiễn ở huyện Quảng Ninh. Đồng bào dân tộc sinh sống ở những nơi đất đai rộng lớn nhưng lại thiếu đất sản xuất, dẫn đến cuộc sống khó khăn, trong khi các công ty lâm nghiệp, các lâm trường lại bao chiếm phần lớn diện tích đất rừng, và nhiều khi sử dụng không hiệu quả. Ví dụ như ở xã Trường Sơn đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hầu hết (96,4%) diện tích đất lâm nghiệp của xã là do các lâm trường và ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.

Ở đồng bằng, nông dân phải có ruộng, còn ở vùng núi thì họ phải có rừng, có đất rừng để sản xuất. Không được giao đất, giao rừng họ vẫn phải sống phụ thuộc vào rừng và hệ lụy theo đó là nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép và cũng đã từng xảy ra mâu thuẫn về đất đai giữa bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn với các lâm trường... Vì thế, việc điều chỉnh lại các diện tích đất rừng và rừng mà các lâm trường đang quản lý để giao một phần thích hợp cho hộ dân quản lý, sản xuất là vấn đề cần quan tâm. Xác định như vậy nên huyện đã nỗ lực đề xuất các cấp, ngành liên quan tích cực giải quyết.

Thị trấn Quán Hàu từng ngày đổi mới. Ảnh: Tiến Hành
Thị trấn Quán Hàu từng ngày đổi mới. Ảnh: Tiến Hành

- Với nỗ lực đó, đến thời điểm này, huyện đã giao được bao nhiêu diện tích rừng, đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số và bà con đã sử dụng diện tích được giao hiệu quả đến đâu?

- Chúng tôi xây dựng đề án giao đất, giao rừng với sự tham gia của người dân và chính quyền xã, thôn, bản; thành lập ban chỉ đạo giao đất, giao rừng từ huyện đến cơ sở, tích cực triển khai giao đất, giao rừng; hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để bà con trồng rừng...

Với nỗ lực của địa phương, cho đến nay, Quảng Ninh đã giao được 2.905ha rừng tại 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn cho các hộ dân để sản xuất, quản lý hoặc giao rừng để bảo vệ theo mô hình rừng cộng đồng. Diện tích rừng đã trồng sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu đem lại hiệu quả nên nhân dân rất phấn khởi. Trong 2.000ha được giao cho xã Trường Sơn có 1.300ha rừng cộng đồng ở các thôn, bản Khe Cát, Cổ Tràng, Sắt, Long Sơn và Trung Sơn. Được giao đất, giao rừng, đồng bào đã yên tâm để sản xuất, bảo vệ, ổn định cuộc sống, tình trạng phá rừng như trước đây đã giảm hẳn.

Điển hình, tại bản Cổ Tràng, huyện đã giao gần 210ha rừng tự nhiên có trữ lượng gần 33.000m3 gỗ để quản lý, bảo vệ theo mô hình rừng cộng đồng. Được giao rừng, bản Cổ Tràng thành lập ban quản lý rừng cộng đồng gồm 7 thành viên do trưởng bản làm trưởng ban. Ban có nhiệm vụ vừa tuyên truyền, vận động dân bản không chặt phá rừng trái phép vừa tuần tra bảo vệ rừng. Số tiền bảo vệ rừng 200 nghìn đồng/ha (hỗ trợ trong 6 năm liền) được ban quản lý rừng cộng đồng bản chi trả cho hoạt động bảo vệ rừng. Mỗi chuyến tuần tra rừng, mỗi thành viên được trả 100-200 nghìn đồng...

Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề khúc mắc cần quan tâm giải quyết, đó là một số diện tích rừng, đất rừng mà công ty lâm nghiệp, các lâm trường trả lại nằm xa khu dân cư và đất xấu, không phù hợp cho việc trồng rừng (đất núi đá, khe suối, không có đường tiếp cận), do vậy rất khó để giao lại cho các hộ dân. Huyện vẫn đang tích cực phối hợp, đề xuất với các cấp, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ.

- Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho chuyên mục này.

Hữu Thái (thực hiện)