Thiếu tướng Phan Khắc Hy-Vị tướng Trường Sơn
(QBĐT) - Tôi gặp Thiếu tướng Phan Khắc Hy lần đầu tiên vào dịp kỷ niệm 53 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2012), trong chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức. Lúc này, tướng Hy đã bước vào tuổi 83. Sau này, nhiều lần được trò chuyện với ông, khi ông cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa mới hay đằng sau dáng vẻ nho nhã, hiền hậu ấy là cả một “bản lĩnh thép” của một vị tướng dày dạn trận mạc.
Vị tướng trận mạc
Ông gọi tôi bằng con, xưng ông, tiếng miền Trung trầm ấm, nhẹ nhàng, tướng Hy kể: Ông tham gia Việt Minh từ tháng 4/1945, lúc tròn 18 tuổi. Tháng 8/1945, ông là Ủy viên Việt Minh, thành viên Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc huyện Bố Trạch. Cách mạng tháng Tám thành công, ông giữ chức Trưởng ban phụ trách kinh tế, vừa tăng gia sản xuất, vừa xây dựng căn cứ Ba Lùm, Ba Lòi, trực tiếp huấn luyện lực lượng dân quân huyện Bố Trạch chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Tháng 6/1947, từ một cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật, ông được điều về làm Chính trị viên rồi Huyện đội trưởng, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch. Năm 1949, ông lên nhận công tác tại Tỉnh ủy Quảng Bình. Tháng 12/1949, giữ chức Chính trị viên Tỉnh đội thay đồng chí Đồng Sỹ Nguyên. Giai đoạn 1950-1952, ông làm Tỉnh đội trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời chia cắt hai miền. Miền Bắc tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam. Để phục vụ cho công cuộc kháng chiến lâu dài, tướng Phan Khắc Hy cùng với các sĩ quan ưu tú, cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu bước vào một cuộc trường chinh mới với những vị trí và nhiệm vụ mới.
Từ tháng 3/1967 đến tháng 9/1968, ông là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân. Từ tháng 10/1968 đến tháng 3/1969, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 500 (Bộ Tư lệnh tiền phương Tổng cục Hậu cần). Do yêu cầu của chiến trường miền Nam, tháng 5/1971 ông được điều vào Nam làm Chính ủy Đoàn 470 phụ trách các tuyến đường từ Nam Lào, Đông-Bắc Campuchia đến Nam Bộ. Khi hành quân vào Bộ Tư lệnh Đoàn 559, gặp lại tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông được cử giữ chức Phó Tư lệnh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn kiêm phụ trách Tổng cục Hậu cần tiền phương...
Cuộc đời binh nghiệp của tướng Phan Khắc Hy gắn chặt với những tuyến đường Trường Sơn, gắn với vùng đất lửa Quảng Bình nơi ông sinh ra, trưởng thành, sớm giác ngộ cách mạng. Từ tháng 10/1968 đến tháng 3/1969, ông là Phó Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 500 (sau này sáp nhập vào Bộ Tư lệnh Đoàn 559). Bộ Tư lệnh 500 phụ trách 5 đoạn vượt khẩu tại các trục đường số 8, 10, 12, 18, 20 chiều dài trên 800km đường chính và 400km đường vòng tránh. Lực lượng cầu đường của Bộ Tư lệnh 500 có 12 tiểu đoàn, 6 đại đội công binh, quân số 9.200 người; 12 đội TNXP gần 7.500 người.
Mối tình thủy chung
Mối tình thời chiến trận của vị tướng Trường Sơn giản đơn nhưng không kém phần lãng mạn. Tướng Phan Khắc Hy kể: Cuối năm 1951, ông được điều vào làm phái viên mặt trận Bình Trị Thiên. Vác ba lô lên, tạm biệt quê hương Quảng Bình đến Quảng Trị, vào cơ quan Mặt trận trình giấy tờ. Gặp cô văn thư dáng người nhỏ nhắn, da trắng, nét mặt hiền thục, chất giọng Hà Tĩnh nghe thương thương. Qua tìm hiểu, ông biết tên cô gái ấy là Nguyễn Thị Ngọc Lan, quê quán Hương Khê (Hà Tĩnh), kém ông 5 tuổi.
Quen... rồi thân, những lần đi chiến trường, thương nhớ cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, ông lại viết thư gửi về, tâm sự với cô qua những trang thư tràn ngập yêu thương. Cô Lan tặng ông một chiếc túi nhỏ màu xanh tự chính tay cô khâu như vật đính ước. Ông dùng chính cái túi này đựng thư cô Lan gửi, luôn mang theo bên mình. Tròn một năm, ông ngỏ lời muốn cưới cô làm vợ. Cô gật đầu ưng thuận, đến tháng 11/1952, tại chiến khu Ba Lòng, đám cưới diễn ra đơn sơ dưới sự chủ trì của ông Trần Quý Hai, Chỉ huy trưởng; ông Chu Văn Biên, Chính ủy mặt trận Bình Trị Thiên. Từ đây, hai người chính thức thành vợ thành chồng.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh ngày 1/1/1927 tại xã Hạ Trạch (Bố Trạch), trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông từng đảm nhận các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân... Với những chiến công của mình, Thiếu tướng Phan Khắc Hy được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang Nhất, Nhì, Ba. Ông được phong hàm Thiếu tướng tháng 1/1980. Thiếu tướng Phan Khắc Hy mất ngày 17/9/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 97 tuổi. |
Cưới xong, ở với nhau chưa được mấy thời gian, chiến trường gọi, công việc chờ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đi học rồi trở thành y sĩ Sư đoàn 325. Đến năm 1969, bà Lan tốt nghiệp đại học y chuyển về làm việc tại Bộ Y tế.
Trên chiến trường bom đạn gian khổ, nhớ hậu phương, nhớ miền Bắc, nhớ đến vợ, ông Phan Khắc Hy nhờ những cánh thư nói hộ nỗi lòng mình. Những bức thư viết trên giấy pơ-luya xong, chưa kịp gửi đi, ông cất trong chiếc túi màu xanh, kỷ vật của bà Lan rồi mang theo mình khắp các chiến trường, như mang theo cả tấm lòng, tình yêu của vợ. Tướng Hy lạc quan rằng: “Luôn luôn thấy bà sát cánh, hiện hữu. Bức thư đầu tiên ông viết vào ngày 3/4/1952, khi bắt đầu yêu nhau và lá thư cuối viết ngày 7/5/1975, sau giải phóng miền Nam hơn một tháng”.
Ngày đất nước hòa bình, ông trở về với gia đình, các con, với người vợ hiền, ông trao túi thư cho bà, chứa hơn 500 bức thư tình như một tài sản quý giá nhất, thiêng liêng nhất của người lính. Đôi vợ chồng vị tướng già vẫn trân trọng giữ gìn chiếc túi nhỏ màu xanh chứa hơn 500 bức thư đó cho đến khi ông qua đời.
Thanh Long