Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chiến khu xưa ngày mới

  • 09:56 | Thứ Bảy, 31/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tự hào truyền thống hào hùng của vùng đất chiến khu xưa, bằng sự đoàn kết thống nhất một lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) đồng cam cộng khổ, nỗ lực hết mình để dựng xây quê hương ngày càng ấm no, khởi sắc trong hành trình phát triển đi lên của thành phố anh hùng bên dòng Nhật Lệ...
 
Chiến khu xưa
 
Cách trung tâm TP. Đồng Hới 12km về phía Tây, xã Thuận Đức dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt hướng về biển Đông, nơi đây là căn cứ địa đầu tiên của tỉnh ta trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Tuy làm nơi căn cứ trong thời gian ngắn nhưng mảnh đất Thuận Đức lưu giữ nhiều sự kiện quan trọng, ghi lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử kháng chiến của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình.
 
Chiến khu Thuận Đức được chia thành 3 vùng: Vùng ngoài được gọi là cửa ngõ của chiến khu, ở đây lực lượng dân quân tự vệ vừa canh gác, vừa chiến đấu ngăn chặn địch tấn công lên chiến khu. Vùng giữa là vùng các cơ quan hành chính, quân sự đóng; ở đây có chợ, trường học, trạm liên lạc, trạm xá. Vùng trong cùng là vùng dân cư di tản vừa ở, vừa trồng trọt, sản xuất.
 
Hiện nay, chiến khu Thuận Đức chỉ còn lại dấu tích địa điểm nằm trên đồi Thuận Phong (xã Thuận Đức) với diện tích 10.000m2, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Đến thăm di tích chiến khu Thuận Đức bây giờ, nhiều người vẫn vẹn nguyên cảm xúc về một vùng đất giàu tình nghĩa trong kháng chiến, chịu thương chịu khó trong thời bình...
Di tích lịch sử Chiến khu Thuận Đức được người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ giữ gìn, chăm sóc hàng ngày.
Di tích lịch sử Chiến khu Thuận Đức được người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ giữ gìn, chăm sóc hàng ngày.
Chủ tịch UBND xã Thuận Đức Trần Thị Như Ý cho biết, xã đã huy động nguồn lực đầu tư trên 1,1 tỷ đồng để tôn tạo bia tưởng niệm và trồng các loại cây xanh xung quanh khuôn viên di tích chiến khu; đồng thời chỉ đạo, huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thường xuyên chăm sóc cây xanh, vệ sinh khuôn viên khu vực di tích...
 
“Việc thường xuyên tập trung đến chăm nom toàn bộ khuôn viên di tích chiến khu Thuận Đức cũng là cách để đoàn viên, thanh niên bày tỏ lòng biết ơn, sự trân trọng, tự hào quá khứ hào hùng của cha ông, tạo động lực để vượt qua khó khăn, xung kích trong lao động sản xuất, tình nguyện trong cuộc sống cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống mới. Đây cũng là cách gián tiếp giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về di tích lịch sử cách mạng, ghi dấu địa điểm và thời điểm quan trọng thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình”, Bí thư Đoàn xã Thuận Đức Trần Chí Tâm chia sẻ.
 
Sức bật Thuận Đức
 
Bí thư Thành ủy Đồng Hới Trần Phong khẳng định: “Trải qua những năm tháng khó khăn sau chiến tranh và cả trong thời kỳ đổi mới với xuất phát điểm thấp, nhưng bằng sự đoàn kết, thống nhất một lòng giữa Đảng và dân, đồng cam cộng khổ, bền bỉ khai thác lợi thế, tiềm năng đất đai trong dựng xây quê hương, Thuận Đức đã đổi thay mạnh mẽ...”.
 
Thuận Đức hiện có trên 1.200 hộ với 5.100 nhân khẩu sinh sống ở 6 thôn. Về Thuận Đức hôm nay, đi trên những con đường mới với hệ thống đồng bộ điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa; băng qua những mảnh vườn xanh mát, trù phú, chúng tôi cảm nhận được sự hồi sinh, khởi sắc của vùng quê cách mạng này.
 
Hiện nay, ngoài sản xuất nông nghiệp với việc trồng lúa, nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng, Thuận Đức cũng chú trọng phát triển các ngành nghề dịch vụ, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Trên địa bàn xã có gần 400 cơ sở dịch vụ thương mại, 37 cơ sở dịch vụ vận tải. Các hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân... Nhờ đó, diện mạo khu vực trung tâm xã, các xóm, hệ thống công trình kết cấu hạ tầng đến nhà cửa của người dân đều được thay đổi theo hướng tích cực.
 
Tận dụng lợi thế địa hình, đất đai, nhiều hộ dân ở Thuận Đức đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế. Do đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã được công nhận là sản phẩm OCOP, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
 
“Với nguồn nguyên liệu trồng được 2ha cùng với việc thu mua của người dân các vùng lân cận, mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 50 lít dầu sả, 120 lít dầu tràm; giải quyết việc làm cho 6 lao động theo thời vụ và hàng chục lao động gián tiếp với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng. Sản phẩm tinh dầu tràm, dầu sả “cô Nguyệt” của gia đình được công nhận OCOP 3 sao. Để giữ vững thương hiệu, bảo đảm sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng, uy tín, chúng tôi dự định thành lập hợp tác xã để mở rộng quy mô, giúp giải quyết “đầu ra” sản phẩm cho một số hộ dân trên địa bàn đang sản xuất nhỏ, thành phẩm hàng khó tiếp cận thị trường”, chủ hộ sản xuất Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chia sẻ.
Người dân nơi chiến khu xưa với mô hình phát triển kinh tế (Trong ảnh: Trồng rau khí canh).
Người dân nơi chiến khu xưa với mô hình phát triển kinh tế (Trong ảnh: Trồng rau khí canh).
Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân cũng được cấp ủy, chính quyền xã Thuận Đức quan tâm, chú trọng. Hàng năm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), khu dân cư NTM kiểu mẫu được xã triển khai sâu rộng trong toàn dân. Năm 2023, 6/6 thôn trên địa bàn được công nhận thôn văn hóa, 5/6 thôn được công nhận thôn văn hóa 5 năm liên tục giai đoạn 2019-2023. Mức sống của người dân ngày càng nâng lên đáng kể; thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở Thuận Đức đạt 54 triệu đồng/năm.
 
Bí thư Đảng ủy xã Thuận Đức Nguyễn Duy Văn cho biết: Đảng bộ xã có 284 đảng viên, sinh hoạt tại 11 chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của thành phố, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thuận Đức đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế, đưa địa phương ngày càng phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con dần được cải thiện, quốc phòng-an ninh được giữ vững.
 
Những năm qua, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích cực, toàn diện các giải pháp về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Đặc biệt, các cấp ủy đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; chú trọng đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý kịp thời những vấn đề nổi lên mà dư luận quan tâm; đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận.
 
Nhờ vậy, mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân ngày càng gắn bó mật thiết, chung lòng, chung sức xây dựng Thuận Đức ngày càng khởi sắc. Trong 4 năm liên tục (2020-2023), Đảng bộ xã Thuận Đức được đánh giá là đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Với sức mạnh tổng hợp của nội lực và sự hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương, động lực của kết quả đạt chuẩn NTM cuối năm 2023, Thuận Đức đang trên đà tăng trưởng vượt bậc. Hiện xã đang phấn khởi hoàn thiện các thủ tục xét chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2024.
 
Về chiến khu xưa ngày mới, đi trên những tuyến đường hoa rực rỡ sắc màu, những ngôi nhà cao tầng thiết kế mới với nhiều kiểu dáng hiện đại, gặp nụ cười tươi rói của các cụ, các mẹ, các chị, cán bộ hội, đoàn thể đang vệ sinh thôn xóm mới hiểu được sự gắn bó khăng khít cũng như giá trị và sức mạnh của tình dân, nghĩa Đảng. Cùng sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thuận Đức, tin rằng vùng đất chiến khu xưa sẽ tiếp tục vươn lên tầm cao mới, trở thành đô thị hiện đại, văn minh trong hành trình phát triển đi lên của thành phố anh hùng bên dòng Nhật Lệ.
 
Từ đầu năm đến nay, Thuận Đức có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với gần 71 tỷ đồng, đạt 57,23% kế hoạch, tăng 23% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên 11 tỷ đồng, đạt 107,9% so với dự toán giao đầu năm; thu ngân sách xã trên 7,8 tỷ đồng, đạt 65,07% so với dự toán giao.

Hương Trà

tin liên quan

Về lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh

(QBĐT) - Nói đến huyện Quảng Ninh, người ta thường nghĩ ngay đến lễ hội đua thuyền truyền thống, bởi vì đây là hoạt động văn hóa truyền thống được cư dân huyện Quảng Ninh duy trì hàng trăm năm nay ở nhiều cấp độ khác nhau.

Bất ngờ Trần Lý Minh

(QBĐT) - Tối 15/7/2024, xem QBTV truyền hình trực tiếp lễ trao giải thưởng sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, thấy Trần Lý Minh vượt qua những "cây cao bóng cả" để giành giải nhất văn học khiến tôi hết sức bất ngờ và xúc động!

Vài nét về truyện cổ dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Truyện cổ các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình được xem xét ở đây là của dân tộc Bru-Vân Kiều, dân tộc Chứt và cộng đồng người Nguồn. Trong kho tàng văn học dân gian dân tộc thiểu số Quảng Bình, truyện cổ có tần suất xuất hiện nhiều và đóng vai trò chủ đạo.