Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nặng lòng với quê hương

  • 08:33 | Chủ Nhật, 24/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ông là một nhà giáo, nhà quản lý, nhà ngoại giao, nhà lập pháp, nhà khoa học đa tài… và từng trải qua nhiều cương vị khác nhau. Dù công việc rất bận rộn nhưng ông vẫn có nhiều hoạt động hướng về quê hương. Ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS,TS) Đinh Xuân Thảo (SN 1954), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), là một trong những người con Quảng Bình thành danh ở vùng đất nghìn năm văn hiến.
 
Nhiều đóng góp cho Quốc hội
 
Ông Đinh Xuân Thảo sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở thôn Kiều Tiến, xã Yên Hóa (Minh Hóa). Cũng như bao người dân quê nghèo, cậu bé Đinh Xuân Thảo ngày ấy đã sớm quen với củ sắn, hạt ngô, rau khoai, cơm bồi để lớn lên… Trong khó khăn đó, cậu học trò nghèo vẫn luôn cố gắng học tập, vươn lên. Tốt nghiệp Trường cấp 3 Minh Hóa, năm 1972, chàng trai  miền sơn cước rời quê ra Hà Nội sinh sống và học tập tại Trường đại học An ninh. Sau đó, ông tu nghiệp rồi lấy bằng thạc sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Praha, Tiệp Khắc (nay là Cộng hoà Séc). Về nước, ông tiếp tục học và lấy bằng Tiến sĩ Luật tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đến năm 2003, ông được phong học hàm PGS Luật.
 
Trong quá trình công tác, PGS, TS Đinh Xuân Thảo đã từng công tác tại các bộ: Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Thủy sản và Quốc hội. Từ năm 2007-2016, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang), khóa XIII (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội); giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Kinh tế (khoá XII), Ủy viên Ủy ban Pháp luật (khoá XIII) của Quốc hội; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH Quốc hội; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học UBTVQH; Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương từ năm 2011-2021.
 
Trên cương vị của mình, ông Đinh Xuân Thảo đã tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp với vai trò là Ủy viên Thường trực Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 2013; tham gia xây dựng nhiều dự án luật quan trọng, như: Luật đất đai, quảng cáo, lý lịch tư pháp, căn cước công dân… Trên cương vị là ĐBQH, ông cùng đoàn giám sát của UBTVQH giám sát việc đền bù, giải tỏa, tái định cư đối với việc thu hồi đất và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở nhiều tỉnh thành. Nhờ công tác này đã giúp nhiều người dân giành lại quyền lợi chính đáng.
PGS, TS Đinh Xuân Thảo (ngoài cùng bên trái) bấm nút thông qua Hiến pháp năm 2013 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII.
PGS, TS Đinh Xuân Thảo (ngoài cùng bên trái) bấm nút thông qua Hiến pháp năm 2013 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII.

Là người đứng đầu Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khoa học thuộc UBTVQH, ông tích cực và chủ động tham gia vào nhiều công trình khoa học, khảo sát thực tế trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, ông Thảo còn chủ trì xây dựng nhiều công trình khoa học phục vụ công tác chuyên môn cho các trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc viện; tổ chức, chủ trì nhiều hoạt động khoa học liên ngành có sự phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu và trường đại học trong nước. Qua đó, tạo cơ sở cho việc đóng góp vào quá trình xây dựng luật ở Việt Nam được rõ ràng, minh bạch, mang tính dân chủ, có tính khả thi cao.

Theo PGS, TS Đinh Xuân Thảo, tiếp xúc cử tri của ĐBQH là hình thức hoạt động hết sức quan trọng. Qua hoạt động này, ĐBQH sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tình hình ở địa phương để phản ánh với Quốc hội nhằm thực hiện ba chức năng cơ bản của Quốc hội là: Lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trung bình mỗi nhiệm kỳ ĐBQH, ông đăng đàn phát biểu tại nghị trường khoảng 40 lần. Các phát biểu của ông tập trung vào xây dựng pháp luật, xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, giám sát, trong đó thể hiện tâm tư nguyện vọng của cử tri cả nước, nhất là cử tri nơi ông ứng cử.

PGS, TS Đinh Xuân Thảo kể: “Có lần, tôi tiếp xúc cử tri ở tỉnh Kiên Giang thì bà con bức xúc phản ánh về xây dựng hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đối với nông dân trồng lúa ở địa phương còn nhiều bất cập… Tiếp thu các ý kiến đó, tôi đã phát biểu tại nghị trường, chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan nên các vấn đề được xử lý kịp thời. Nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều lần cử tri TP. Hà Nội bức xúc phản ánh vấn đề liên quan đến việc đền bù giải tỏa khu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi và việc áp giá đất để đền bù. Tiếp thu các vấn đề này, tôi đã tiếp nhận chuyển đơn thư, theo dõi, đôn đốc giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài, được cử tri đồng tình ủng hộ”.
 
Hướng về quê hương
 
Dù sinh sống và làm việc ở Hà Nội nhưng PGS, TS Đinh Xuân Thảo vẫn có nhiều hoạt động hướng về quê hương. Ông Thảo cho biết: Khi còn là ĐBQH, mặc dù ứng cử ở các tỉnh, thành phố khác và làm việc ở cơ quan Trung ương nhưng ông luôn quan hệ gắn bó mật thiết với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình. Do vậy, mỗi khi Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức các hoạt động, như: Hội thảo, tọa đàm, tham quan, khảo sát trong và ngoài nước ông đều mời Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham gia. Có năm, ông còn phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tổ chức một số hội thảo tại tỉnh có sự tham gia của nhiều ĐBQH tỉnh khác và một số chuyên gia nước ngoài để gặp gỡ, giao lưu với cán bộ của tỉnh cũng như quảng bá về Quảng Bình.
 
PGS, TS Đinh Xuân Thảo chia sẻ: “Tôi rất tự hào về đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình qua các thời kỳ. Bởi những lần tiếp xúc cử tri hay tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu đều hoạt động rất tích cực, nắm chắc tình hình của địa phương, phản ánh kịp thời những vấn đề cử tri quan tâm với Quốc hội. Hầu hết ý kiến phát biểu ở nghị trường rất chất lượng, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp được tiếp thu, đánh giá cao”.
 
Nói về quê hương, ông Thảo cho rằng: “Trước đây, Quảng Bình là địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Qua nhiều năm xa quê, tôi thấy Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc về mọi mặt. Tôi tin, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình sẽ luôn đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng tỉnh nhà trở thành một tỉnh giàu và đẹp, một điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước”.
 
Để đóng góp cho quê hương, PGS, TS Đinh Xuân Thảo đã nhiều lần tham mưu, tư vấn, đóng góp ý kiến cho lãnh đạo tỉnh thông qua hoạt động của Hội đồng hương Quảng Bình ở Hà Nội và những lần ông tham gia các đoàn công tác của Chính phủ, Quốc hội về Quảng Bình.
Theo ông Thảo, để Quảng Bình nói chung, huyện Minh Hoá nói riêng phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, trước hết tỉnh và huyện phải quán triệt đầy đủ, triển khai mạnh mẽ và đồng bộ nghị quyết đại hội Đảng các cấp về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, văn hoá... Đồng thời, phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch, gắn quy hoạch tỉnh, huyện với quy hoạch kinh tế vùng, liên vùng; tiếp tục xây dựng tốt kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, Quảng Bình cần quan tâm hơn việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng và sử dụng đúng, hợp lý nguồn nhân lực của địa phương và thu hút nhân tài ở trong và ngoài nước về phục vụ xây dựng tỉnh nhà.
 
Quảng Bình cũng cần phát huy thế mạnh, tiềm năng tài nguyên du lịch, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự. Để làm được điều đó, tỉnh cần xây dựng được mô hình “Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch, cả huyện làm du lịch, cả tỉnh làm du lịch”. Đây là vấn đề rất lớn, cần đầu tư kinh phí, sức lực rất nhiều và có bài bản. Nhưng trước mắt, tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong phát triển du lịch. Ngoài ra, tỉnh cũng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quan tâm xây dựng ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
 
Việt Hà

tin liên quan

Tri ân 13 liệt sỹ tại hang Lèn Hà

(QBĐT) - Ngày 2/7/2022, huyện Tuyên Hóa sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sỹ của Trạm Thông tin A69 (2/7/1972-2/7/2022) tại Di tích lịch sử cấp quốc gia hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa. 

"Hạt ngọc trời" trên dãy Trường Sơn

(QBĐT) - Hai vụ mùa gần đây, một số hộ dân ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa) đã mạnh dạn đưa giống lúa nếp than trồng trên ruộng lúa nước để thay thế cho các giống lúa khác. 

Điêu khắc trẻ Quảng Bình và hành trình sáng tạo mới

(QBĐT) - Mỹ thuật Quảng Bình ngày càng phát triển về bề rộng và chiều sâu, gặt hái nhiều thành công với các tác phẩm có giá trị thẩm mỹ và tư tưởng cao qua nhiều triển lãm, trại sáng tác khu vực Bắc miền Trung, cả nước và quốc tế. Nhiều nghệ sĩ đã vượt ra khỏi giới hạn mang tính địa phương trong sáng tạo, bản lĩnh tham gia vào đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại. Đặc biệt, ở lĩnh vực điêu khắc, nhiều tác phẩm được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao.