Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Rằng ai lên Quy Đạt mùa này

  • 07:13 | Thứ Ba, 10/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ thị trấn Đồng Lê của huyện Tuyên Hóa đi về phía Tây Nam theo đường 12A khoảng 20km, vượt qua nhiều cảnh quan đồi núi uốn lượn, chúng ta sẽ đến với Quy Đạt, một thị trấn nhỏ nằm gọn trong một thung lũng bằng phẳng bình yên xung quanh là núi đồi, khe suối với những nương sắn, vườn chè xanh mướt dưới chân núi.
 
Thị trấn Quy Đạt là trung tâm chính trị, kinh tế,văn hóa của huyện Minh Hóa.  Theo cổ sử và một số gia phả các dòng họ ở thị trấn Quy Đạt thì thời Lê Cảnh Thịnh thứ 6 (năm 1797), có nhiều hộ dân tộc Mường ở miền Tây Thanh Hóa di cư vào mạn Bắc sông Gianh rồi ngược dòng sông lên vùng sơn cước phía Tây Bắc thượng nguồn dòng sông này định cư, trong đó có trên chục hộ đã chọn vùng Phôốc Lác thuộc xã Yên Hóa, cạnh Quy Đạt bây giờ cư trú khai hoang, trồng trọt, săn bắn tạo lập làng bản. Một số ít người còn lại xuống phía Nam làng Sạt khai phá, trồng trọt và săn bắn, dựng xây một cộng đồng dân cư đông đúc, cuộc sống ngày càng phát triển.
 
Thời nhà Nguyễn, năm 1915, vua Khải Định lên ngôi chính thức cho thành lập làng Quy Đạt và trở thành một đơn vị làng xã trong bộ máy nhà nước và lập địa bạ thu thuế hàng năm.
 
Theo gia phả một số dòng họ vùng Quy Đạt thì Quy Đạt lúc trước có tên là Kẻ Sạt, thôn An Đức, thuộc tổng Cơ Sa, dân cư quần tụ vùng thượng nguồn sông Nan hay còn gọi là rào Nan, 1 trong 3 nguồn đổ về xuôi hợp thành sông Gianh.
 
Quy Đạt là mảnh đất cổ, nơi cư trú của người Văn hóa Hòa Bình cách đây trên dưới vạn năm, dấu tích cư trú, sinh hoạt, phương thức săn bắn hái lượm, trồng trọt của họ đã được phát hiện tại đây. Tại thị trấn Quy Đạt và khu vực xung quanh có các di chỉ, như: Hang Hùm, hang Khái, hang Hội Trường... đều tìm thấy trong tầng văn hóa ken dày vỏ ốc là thức ăn chính của họ, có nhiều xương cốt thú vật (lợn rừng, hươu, nai, hoẵng, gà rừng...). Khảo cổ học còn tìm thấy cả rìu đá, gốm có văn hoa thị và đặc biệt có dấu hiệu mộ táng, phát hiện cả hai bộ xương người trong một hang đá...
 
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quy Đạt nói riêng, Minh Hóa nói chung, là mảnh đất lý tưởng, là căn cứ kháng chiến của vương triều Hàm Nghi chống Pháp, là địa bàn quan trọng của hệ thống đường Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam với đường 12A vượt khẩu qua Lào, đồng bào các tộc người nơi đây đã nhường cơm sẻ áo, chung lưng đấu cật, cùng bộ đội tu sửa đường, cất giấu lương thực vũ khí, tất cả vì miền Nam thân yêu.
 
Cư dân Quy Đạt là cộng đồng dân cư gồm nhiều thành phần, chủ yếu là người Nguồn, một số người Chứt, Khùa. Còn lại là một số người Kinh do nhiều lý do mà họ di cư từ miền xuôi lên định cư lâu dài và đổi họ thành họ Đinh, họ Cao của người Nguồn. Người Nguồn ở thị trấn Quy Đạt có bản sắc văn hóa độc đáo với ngôn ngữ, sinh hoạt kinh tế, ẩm thực cực kỳ phong phú.
 
Cư dân Quy Đạt chủ yếu là nông dân, nhưng vì đất đai là đồi núi, ruộng đất ít, nay nhờ có công trình thủy lợi nên nghề trồng lúa phát triển cho năng suất cao. Người dân nơi đây còn làm nhiều nghề khác nhau, như: Chăn nuôi gia cầm, ong mật, trồng rừng, thủ công nghiệp (mộc, nề, hàn...). Thị trấn Quy Đạt nay đang ngày càng đổi mới, khởi sắc.
 
Với lợi thế về tự nhiên của vùng đất tận cùng phía Tây của Quảng Bình, thiên nhiên ban tặng biết bao sản vật quý từ rừng núi, như: Ong, thú, chim muông, cùng với các loại cây, củ, quả, hoa, lá; những thực phẩm sạch, như: Cá, tôm, cua, ốc, ếch... Với đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, họ đã chế biến các món ăn dân dã đậm chất ẩm thực văn hóa dân gian vùng miền.
 
Và rằng mà ai lên Quy Đạt mùa này tháng ba, đến với chợ Quy Đạt, một phiên chợ miền núi, nơi hội tụ giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa, sản vật rất phong phú. Các món ăn đặc sản chỉ ở đây mới có, như: Bồi ngô (pồi sậu), ốc pực, cá khe, ong chành, trứng kiến nấu với lá bún chua, bánh vọt, bánh vo, tằm (nhộng tằm lá sắn)... Đặc biệt, du khách đến với thị trấn Quy Đạt sẽ ngây ngất với các loại rượu đặc biệt như rượu đoác của người Sách, người Rục; rượu cần của người Khùa; rượu nếp của người Nguồn...
 
Quy Đạt còn lôi cuốn người ta bởi hội rằm tháng ba Minh Hóa, bởi tín ngưỡng thờ Pụt, bởi các loại hình trò chơi dân gian thu hút bao người từ khắp nơi trong tỉnh và du khách đến với Quy Đạt. Ngày tháng ba, chợ Quy Đạt, người xe chật cứng đường đi, hàng hóa phong phú, người các nơi đổ về như hội. Đêm Quy Đạt điện sáng trưng một vùng giữa núi rừng miền Tây Quảng Bình. Đêm văn nghệ của Tuần Văn hóa-Thể thao-Du lịch huyện nhà, câu hò điệu hát vang lên trong cảnh đất trời của thị trấn đang thay đổi hàng ngày: "Hôi lên! là hôi lên!..." và rằng ai lên Quy Đạt quê mình để cùng vui với Quy Đạt, để cùng say với Quy Đạt mến thương.
 
   Tạ Đình Hà

tin liên quan

Đổi thay Bắc Trạch

(QBĐT) - Trải qua những năm tháng cách mạng hào hùng, Bắc Trạch hôm nay đang đổi thay từng ngày với nhiều gam màu tươi sáng trong phát triển kinh tế-xã hội.
 

Ông nội tôi được gặp Bác Hồ

(QBĐT) - "Xã Cảnh Hóa vinh dự có ông Hoàng Khiêm (bố đẻ đồng chí Hoàng Tọa) ở thôn Vịnh Thọ là cá nhân tiêu biểu của phong trào lao động sản xuất được chọn đi dự lễ mít-tinh gặp Bác Hồ tại Đồng Hới"…

Trần Nguyên Thắng và hành trình quảng bá du lịch Quảng Bình

(QBĐT) - Trước khi quyết định gặp gỡ và chuyện trò cùng nhau, tôi luôn nghĩ một ca sỹ trẻ đã khẳng định được chỗ đứng như Trần Nguyên Thắng hẳn sẽ xa cách lắm. Nhưng, ấn tượng về nam ca sỹ sinh năm 1988 lại trái ngược hoàn toàn. Thắng chân chất, mộc mạc và thẳng thắn trải lòng như thể những hào quang của ánh đèn sân khấu chưa bao giờ "chạm" đến anh.