Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ra đi là để trở về...

  • 07:05 | Chủ Nhật, 22/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ông Mai Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh giới thiệu tôi với anh kèm theo những lời “có cánh”: “Hy vọng hai người sẽ trở thành bạn thân”. Hóa ra anh là trung tá, bác sỹ Nguyễn Xuân Thành, công tác tại Bệnh viện Quân y 175, một trong những người con Quảng Bình sát cánh cùng người dân thành phố qua hơn 100 ngày căng mình chống dịch Covid-19 trong năm 2021.
 
"Ra đi từ mái tranh nghèo"
 
Sau một cái bắt tay thật chặt, anh cười hiền hiền bảo: “Mình người Hoành Vinh, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, thuộc thế hệ 7X. Rứa mà thoát ly khỏi quê hương cũng đã gần 20 năm”... Nếu tại Quảng Bình, nghe tiếng “mô, tê, răng, rứa” thì rất bình thường. Với những người xa quê như bác sỹ Nguyễn Xuân Thành, lời anh vẫn “răng, rứa, mô, tê” giữa đất Sài Gòn, thấy cứ thổn thức, bồi hồi, xúc động lạ!
 
Hỏi bác sỹ Thành cơ duyên nào giúp anh lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, anh chia sẻ: “Năm 1996, mình đạt giải ba môn Sinh học, kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc. Cũng năm đó thì tốt nghiệp THPT, được tuyển thẳng vào Học viện Quân y. Quê hương, gia đình giai đoạn đó nghèo khó nên việc học tập trong môi trường quân đội có thể xem là may mắn, hạnh phúc cho mình”.
 
Năm 2003, Nguyễn Xuân Thành tốt nghiệp bác sỹ đa khoa và về làm Bệnh xá trưởng, Chủ nhiệm quân y, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận. Năm 2014, bác sỹ Thành chuyển công tác vào Bệnh viện Quân y 175, phụ trách Ban Chỉ đạo tuyến-Khám sức khỏe dịch vụ. Năm 2021, khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam bùng phát dịch Covid-19, anh phụ trách Phòng khám tiền phương phòng, chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Quân y 175.
 
Hơn 100 ngày đêm chống dịch
 
Vào trận chống dịch Covid-19, bác sỹ Nguyễn Xuân Thành được Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 phân công phụ trách Ban Chỉ đạo tuyến và Phòng khám tiền phương, khám sàng lọc Covid-19 cho cán bộ, nhân dân cùng đội ngũ y tế.
 
Ngoài nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho bệnh viện, bác sỹ Thành còn tham gia hỗ trợ các tuyến nhằm tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phân loại, phân luồng, chuyển tuyến, điều trị Covid-19 cho các đơn vị quân đội và người dân. Khi khám sàng lọc, anh nhận thấy vì thời gian giãn cách kéo dài, điều kiện đi lại khó khăn nên nhiều trường hợp người bệnh cơ thể suy nhược, bệnh chuyển biến nặng trước khi nhập viện.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thành (giữa) đón chiếc xe cấp cứu mang “thương hiệu” Quảng Bình từ TP. Vũng Tàu về quê.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thành (giữa) đón chiếc xe cấp cứu mang “thương hiệu” Quảng Bình từ TP. Vũng Tàu về quê.

“Phải làm gì để giúp dân trong thời điểm toàn thành phố đang giãn cách chống dịch?”, câu hỏi ấy cứ ám ảnh mãi bác sỹ Thành. Tranh thủ các ý kiến của Hội đồng hương Quảng Bình, anh liên hệ với quê nhà, vận động bà con quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm gửi vào chi viện cho TP. Hồ Chí Minh. “Những tháng ngày gian nan đáng nhớ đó, tấm lòng bà con Quảng Bình hướng vào Sài Gòn và các tỉnh miền Nam thật đáng trân quý. Con cá, con tôm, củ khoai, củ sắn, quả bầu, quả bí, rau xanh, cân gạo mà ấm nghĩa đồng bào”, bác sỹ Thành nhớ lại.

Hơn 100 ngày đêm tham gia tuyến đầu chống dịch, hàng trăm F0 được bác sỹ Nguyễn Xuân Thành và đồng đội điều trị an toàn. Hơn thế nữa, cái tâm, tinh thần lạc quan, hết lòng vì cộng đồng từ bác sỹ Thành đã lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và người bệnh, giúp các F0 vững tin vào cuộc sống, vững tâm vượt qua dịch bệnh. “Trong đại dịch, đội ngũ y bác sỹ chúng tôi có kịp suy nghĩ gì đâu, tự nguyện, tiên phong lao vào tâm dịch lo chữa trị, cứu người”, bác sỹ Thành nhớ lại.
 
Bén duyên cùng chiếc xe cấp cứu mang “thương hiệu” Quảng Bình
 
Chiếc xe cứu thương mang BKS Quảng Bình 73B-006.01 đi vào tâm dịch Covid-19 từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Bình đến TP. Hồ Chí Minh gắn liền với hình ảnh hai cha con ông Đặng Tri Thông, Đặng Minh Trí đã trở thành biểu tượng đẹp, truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu thương và nghĩa đồng bào trong cộng đồng.
 
Ngày 29/7/2021, hai cha con ông Đặng Tri Thông có mặt tại TP. Hồ Chí Minh. Cả hai được phân công đến UBND quận 10 nhận công việc, tham gia hỗ trợ đưa vật tư y tế, y bác sỹ đến bệnh viện dã chiến và chở các F0, F1 đi chữa trị, cách ly.
 
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thành nhớ lại hình ảnh ngày đầu tiên anh gặp bố con ông Thông: “Thấy hai cha con còm nhom mà nhói lòng, định khuyên anh Thông đưa con quay về Quảng Bình vì chủng Delta rất nguy hiểm. Mình lớn tiếng với anh “Cha con anh vào đây để chết à?”. Vì anh Thông đã trên 60 tuổi, hai người chưa được tiêm một mũi vắc-xin nào, lo lắm chứ! Nhưng thấy tâm cha con anh quá tốt, mà bà con thành phố đang ngày đêm cần những chuyến xe nghĩa tình kịp thời như vậy, mình động viên: “Thôi thì đã vào Sài Gòn rồi thì chiến đấu anh Thông nhé. Có gì khó khăn thì cứ gọi em. Bên cạnh anh và con trai, có nhiều anh em đồng hương Quảng Bình đang và sẽ ủng hộ cha con anh!”.
lẻ
Lễ bàn giao xe cứu thương mang BKS 73B-006.01 và ra mắt Đội xe cấp cứu từ thiện trên địa bàn tỉnh.

Tròn một tháng sát cánh cùng TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19, ngày 27/8/2021, hai bố con ông Đặng Tri Thông cùng chiếc xe cứu thương BKS 73B-006.01 hồi hương. Sau khi dịch Covid-19 tạm ổn tại Quảng Bình, ông Đặng Tri Thông quyết định bán xe ô tô cứu thương này cho một cá nhân tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để mua lại phương tiện cấp cứu mới hiện đại hơn.

“Vì đây là chiếc xe cứu thương mang thông điệp nhân văn, nhân ái cao cả, cùng người dân cả nước trải qua thời khắc gian nan nhất của dịch bệnh Covid-19 nên biết rõ thông tin, mình âm thầm xuống TP. Vũng Tàu, tìm được đích xác người mua để đặt vấn đề xin chuộc lại. Mình trình bày cùng họ, đây là kỷ vật rất đổi thiêng liêng của người Quảng Bình, nên rất muốn chiếc xe về lại với Quảng Bình, chở tiếp thông điệp yêu thương, lan tỏa tình người cho đến lúc nào chiếc xe kết thúc sứ mệnh lịch sử. Nghe mình giải thích như vậy, người mua vui lòng nhượng lại ngay, bằng đúng cái giá đã bán đi, 430 triệu đồng”.
 
Một ngày đẹp trời, bác sỹ Nguyễn Xuân Thành bốc máy điện thoại gọi cho ông Đặng Tri Thông bảo ông vào TP. Hồ Chí Minh đưa chiếc xe cấp cứu về quê.
 
Trở về thương lấy nhau thôi!
 
Tháng 4/2022, bác sỹ Nguyễn Xuân Thành trở lại Quảng Bình, cũng là thời điểm chiếc xe cứu thương mang BKS 73B-006.01 “hồi hương” với hai cha con ông Đặng Tri Thông, Đặng Minh Trí.
 
"Cống hiến cho Quân đội, vì sự nghiệp chăm lo sức khỏe cho nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam... rồi có một ngày mình sẽ trở về. Ra đi là để trở về, neo đậu ở Quảng Bình. Hiện tại mình đang xúc tiến huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng một cơ sở khám chữa bệnh quy mô, hiện đại tại Quảng Bình. Hy vọng bệnh viện trong tương lai của mình trở thành một địa chỉ tin cậy cho nhân dân, nhất là người nghèo, bệnh nhân nghèo”, bác sỹ Nguyễn Xuân Thành “bật mí”.
“Mong muốn góp một chút gì đó cho quê hương, cho người nghèo, bệnh nhân nghèo Quảng Bình là sự ấp ủ, thai nghén từ khi mình thoát ly, từ khi mình lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Chiếc xe cứu thương BKS 73B-006.01 vốn tự thân nó mang nặng thông điệp nhân văn, nhân ái cao cả nên mình chuộc lại, gửi tặng cho cha con anh Thông và quê hương Quảng Bình, mong muốn anh Đặng Tri Thông và cháu Đặng Minh Trí tiếp tục giữ gìn, phát huy hiệu quả phương tiện với sứ mệnh chuyên chở từ thiện bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh”.
 
Nhân dịp bàn giao chiếc xe cứu thương BKS 73B-006.01 cho ông Đặng Tri Thông, bác sỹ Nguyễn Xuân Thành cùng với Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh cũng đã xúc tiến thành lập Đội xe cấp cứu từ thiện trên địa bàn tỉnh và Quỹ từ thiện hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân nghèo cấp cứu với số tiền ban đầu trên 100 triệu đồng.
 
 Ngô Thanh Long

tin liên quan

Đổi thay Bắc Trạch

(QBĐT) - Trải qua những năm tháng cách mạng hào hùng, Bắc Trạch hôm nay đang đổi thay từng ngày với nhiều gam màu tươi sáng trong phát triển kinh tế-xã hội.
 

Ông nội tôi được gặp Bác Hồ

(QBĐT) - "Xã Cảnh Hóa vinh dự có ông Hoàng Khiêm (bố đẻ đồng chí Hoàng Tọa) ở thôn Vịnh Thọ là cá nhân tiêu biểu của phong trào lao động sản xuất được chọn đi dự lễ mít-tinh gặp Bác Hồ tại Đồng Hới"…

Trần Nguyên Thắng và hành trình quảng bá du lịch Quảng Bình

(QBĐT) - Trước khi quyết định gặp gỡ và chuyện trò cùng nhau, tôi luôn nghĩ một ca sỹ trẻ đã khẳng định được chỗ đứng như Trần Nguyên Thắng hẳn sẽ xa cách lắm. Nhưng, ấn tượng về nam ca sỹ sinh năm 1988 lại trái ngược hoàn toàn. Thắng chân chất, mộc mạc và thẳng thắn trải lòng như thể những hào quang của ánh đèn sân khấu chưa bao giờ "chạm" đến anh.