Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chợ Roòn phiên bốn xưa và nay

  • 10:13 | Thứ Hai, 06/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ xưa đến nay, chợ là nơi giao lưu, trao đổi sản phẩm, hàng hóa, phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Tại vùng Roòn (Quảng Trạch), để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, đến nay, hầu hết các xã đều có chợ: Chợ Cầu (xã Quảng Phú), chợ Hôm (xã Cảnh Dương), chợ Càn (xã Quảng Kim), chợ Bưởi Rỏi (xã Quảng Hợp), chợ Minh Sơn (xã Quảng Đông) chợ Nam Lộc (xã Quảng Tùng)… Tuy nhiên, chợ Roòn phiên bốn xã Quảng Châu vẫn là một ngôi chợ lưu giữ nhiều dấu ấn qua các thời kỳ lịch sử.
 
Cảnh mua bán ở chợ Roòn đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu.
Cảnh mua bán ở chợ Roòn đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu.

Theo hồi ký của cụ Thái Vũ, bậc cao niên có học vấn ở vùng Roòn: Thuở trước, chợ Roòn họp tại thôn Di Luân, xã Quảng Tùng dưới một vườn dừa, nên thường gọi là chợ Dừa. Ngoài các phiên thường, mỗi tháng có 3 phiên chính vào các ngày mùng 4, 14 và 24 âm lịch.

Theo cụ Trần Đình Hiếu, người hiểu biết nhiều về văn hóa xứ Roòn: “Cùng với hàng hóa và nông sản, chợ Roòn lúc ấy còn có các tiệm rượu, chuyên bán các loại rượu Pháp như Sica, Nam Đông Ích...

Ngoài ra, nhà cầm quyền còn độc quyền kinh doanh thuốc phiện để phục vụ quan lại và lính tráng”. Ngày 8-8-1950, máy bay Pháp điên cuồng dội bom xuống chợ Dừa, làm chết hơn 100 người, hầu hết là phụ nữ đang mua bán ở chợ. Sau trận bom thảm khốc đó, chợ tạm thời lui về các gia đình theo dạng lều quán, không họp tập trung. Hòa bình lập lại, đầu năm 1955, chính quyền cách mạng tổ chức xây dựng chợ mới, cũng tại thôn Di Luân, bên sông Con, phía đông quốc lộ 1.
 
Chợ Roòn phiên bốn từng là nơi chứng kiến bao cảnh thương tâm. Thời kỳ 1944-1945, biết bao nạn nhân của trận đói lịch sử, từ phía Bắc dạt vào kiếm ăn, nhiều người không còn sức để di chuyển, nằm lại chết đói ở chợ Roòn một cách thê thảm. Người dân trong vùng, cùng cảnh đói kém nhưng với tình đồng loại, cùng nhau tìm kiếm đồ đạc, gói đùm thi thể những người đã chết, mang đi chôn cất. Trong cảnh khốn cùng ấy, khi vào xin ăn, nếu không có gì giúp họ cầm hơi, bà con đành phải ra nương bới khoai non...
 
Thời kỳ chuyển mình của đất nước, sinh hoạt chợ cũng ngày một sung túc hơn. Song chưa được bao lâu, Quảng Bình đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chợ phải sơ tán lên đội 6 Trung Minh, thôn Tùng Lý, xã Quảng Châu. Những năm sau, tình hình ngày càng ác liệt, chợ tiếp tục chuyển lên Gò Đá, Gò Dầu (xã Quảng Châu). Mỗi sáng, chợ chỉ họp chớp nhoáng, rồi giải tán nhanh để tránh máy bay địch oanh tạc.
 
Gắn bó hơn 10 năm trên đất Quảng Châu, sau chiến tranh, chợ Roòn không trở lại Di Luân như trước mà chuyển về đội 6 Trung Minh, với tên gọi chợ Quảng Châu. Mỗi tháng chợ họp 15 phiên (vào ngày chẵn), riêng phiên chính vẫn duy trì ngày mùng 4, 14 và 24 âm lịch. Do địa điểm nằm bên con sông Tùng Lý, nên chợ Quảng Châu vẫn được người dân quen gọi chợ Tùng Lý, cái tên chợ Roòn chỉ còn trong quá khứ.
 
Dẫu vậy, chợ luôn giữ được những nét văn hóa đặc trưng, chỉ trao đổi các sản vật làng quê. Đặc biệt, ai cần mua con giống chăn nuôi, như: Bê, nghé, lợn, gà, ngan, ngỗng..., chỉ có đến chợ Quảng Châu là sẵn nhất. Mặc dù hiện tại, nhu yếu phẩm đã có nhiều nguồn dịch vụ nhưng chợ Quảng Châu vẫn luôn phong phú về mặt hàng, do người địa phương sản xuất hoặc từ nơi khác làm ra mang về đây tiêu thụ.      
 
Hàng ăn có các loại bánh trái, bún...; hàng may mặc phong phú không kém chợ huyện; hàng tiêu dùng phần lớn là sản phẩm của các làng nghề, như: rổ, sàng, thúng, mủng, chõng tre, thang tre, xẻng, cuốc, dao rựa, cày bừa, xoong nồi... Ngoài ra, còn có những mặt hàng là công cụ đánh bắt tôm, cá, lươn như: Nơm, lờ, oi, trúm, nhủi và câu lưới các loại... Câu có cần câu máy (phải đặt hàng) và cần tre truyền thống; lưới có loại thả ruộng, loại thả sông, biển, có lưới nổi, lưới chìm… tất cả đều được đóng ba lớp để tăng khả năng bắt cá.
 
Về giá cả, người bán ở chợ Quảng Châu không bao giờ biết “nói thách” (ra giá cao hơn giá bán), vì thế, hầu hết các mặt hàng luôn được bán đúng giá hoặc có phần rẻ hơn chút đỉnh so với các chợ trong vùng.
 
Mang truyền thống chợ Roòn phiên bốn xưa, với diện tích chỉ khoảng 3.000m2 nhưng khi bước vào chợ, người ta thấy mình như về với không gian văn hóa làng, dân dã, ấm áp. Gặp bạn bè, có dịp hàn huyên, mời nhau chén “quốc lủi” thương hiệu “rượu gạo Quảng Châu”, với tiếng “khà” như trút hết những bề bộn, ưu tư. Những đồ dùng, dụng cụ, ngư cụ, con giống… từ chợ phiên Quảng Châu đều thiết thực với từng gia đình, nên khi có nhu cầu, người ta lại rủ nhau đợi đến phiên sau, là thế!
 
Nguyễn Tiến Nên
 

tin liên quan

CỘN - Kỳ 2: Lang thang Cộn

(QBĐT) - Sau nhiều lần thêm, bớt, Cộn ngày nay đã định hình về mặt địa lý. Phía đông, nam giáp Nghĩa Ninh, mạn Bắc chung ranh giới với Bắc Nghĩa, Thuận Đức, phần phía Tây mới là chủ đề tranh cãi phức tạp: Tiếp nối "thành phố ngàn thu" Đá Bạc là vùng trung du đồi núi mênh mông.

Cộn

(QBĐT) - Trong tất cả các loại giấy tờ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc "giã biệt" của những ai ở mảnh đất đó đều ghi địa danh "Đồng Sơn". Nhưng ba, mạ, anh chị em, họ hàng chòm xóm và tất nhiên cả lũ bạn chăn trâu cắt cỏ của tôi đều gọi vùng quê ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: "Cộn"

Quê tôi, làng Đạm Thủy

(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.