Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cộn

  • 08:11 | Thứ Hai, 29/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong tất cả các loại giấy tờ từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc “giã biệt” của những ai ở mảnh đất đó đều ghi địa danh “Đồng Sơn”. Nhưng ba, mạ, anh chị em, họ hàng chòm xóm và tất nhiên cả lũ bạn chăn trâu cắt cỏ của tôi đều gọi vùng quê ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: “Cộn”
 
Kỳ 1: Cộn xưa
 
Có không ít địa danh mà ngay cả những người sinh ra, lớn lên rồi kề cận ngày “trở về” với nó cũng không thể lý giải nổi vì sao lại có tên như thế. Nhưng có lẽ, hiểu được thì tốt, không cũng chẳng sao, cho dù ý nghĩa của nó không mỹ miều, bóng bẩy thì cái tên mộc mạc được ghép từ ba chữ cái và dấu chấm nặng tình nặng nghĩa cũng đã in đậm trong tâm trí của hàng nghìn người Cộn đây, người Cộn đó và người Cộn ly hương.
 
Không ai biết chính xác tên “Cộn” có từ bao giờ và vì sao, ngay cả địa danh Đồng Sơn thường trực trong các văn bản hành chính cũng không ít người lý giải được. Nhiều lần tôi gạ hỏi "đại giáo sư" Google cũng chỉ nhận được câu trả lời: “một phường của TP. Đồng Hới”.
 
Các bậc cao niên thì giải thích phức tạp hơn: “Đồng là như nhau, sơn là đồi núi, Đồng Sơn là vùng toàn đồi núi”. Nghe cũng có lý. Nhưng Cộn nghĩa là gì thì các cụ nhăn trán: “À, thì cộn là cồn, là cồn đất cao”. Gặng hỏi thêm thì cụ hất: “Bọ tau gọi rứa thì tau gọi rứa”.
Hàng cây xà cừ rêu phong trên vùng đất Cộn.
Hàng cây xà cừ rêu phong trên vùng đất Cộn.
Hồi mới tập tành yêu đương, vào nhà cô bạn ở Hải Thành, sau đôi ba câu hỏi han, mệ cố của cảm tình viên thở dài quay lưng: “Đừng chơi với dân Cộn, con gái thì làm đị (điệu) con tai (trai) thì dảy (nhảy) đầm”. Sau cái lưng còng và câu phán không mang tính xây dựng của bà cụ, cuộc tình chưa kịp nở của tôi chấm dứt. Về, tôi hỏi ba, dân Cộn gốc gác ở đâu. Ba xoa đầu tôi: "Người Cộn là người uống nước giếng Cộn, ăn gạo Cộn, thở không khí Cộn và… chơi kiểu Cộn."
 
Ba nói vậy thôi chứ sau này tìm hiểu tôi mới biết, đa phần người Cộn là dân góp. Được cái bức tranh cư dân Cộn được ghép bởi những mảng màu sáng loáng. Những cô gái làm "đị" và những chàng trai "dảy" đầm được sinh ra từ những mối tình của “người thị xã”. Họ từ Xóm Câu, Đồng Hải, từ Hải Thành, Đồng Phú, Nam Lý… sơ tán chạy giặc lên mà thành.
 
Trước đây, Cộn là thủ phủ của thị xã Đồng Hới. Các cơ quan, đoàn thể chủ chốt của thị xã đều chọn những cái cồn của Cộn làm nơi đặt nền móng. Chiến tranh kết thúc, họ ở lại luôn cho đến ngày tỉnh Quảng Bình được tái lập. Cũng vì thế mà ở Cộn, ngay cả thời ai có tivi là “địa chủ” và từ “cơm” lâu lâu mới được đánh vần thì phong trào văn hóa-thể thao đã vô cùng rầm rộ. Giải bóng đá thị xã được tổ chức hàng năm ở sân vận động Cộn.
 
Còn nhớ, đội Đồng Sơn với ông bầu là hai anh em “buôn trầm quên nộp thuế” Ngọc, Dậu, vô địch thì chớ chứ về nhì thì cả ba trọng tài trở thành vận động viên chạy nước rút ngay lập tức. Hải Thành thì gắn liền với tên tuổi của anh M. với câu chốt bất hủ khi bị đối thủ chế giễu: “Ai nói tau điên? Tau điên mà tau đi Sim sơn, bây tỉnh mà đi xe đạp?”. Rồi Quang Phú, Nông trường Việt Trung, Zét 71 hay Công an Đồng Sơn với “Hải Chéc” và những pha vô lê thần sầu, “Thịnh bói” với thương hiệu bay người đánh đầu dũng mãnh bất kể bóng ở trên cao hay chỉ ngang tầm… đầu gối.
 
Và, chỉ dân Cộn mới tận hưởng được cảm xúc hân hoan tột cùng khi các cầu thủ Thể Công, Tổng cục Đường sắt hay Công an Hà Nội-những đội bóng lừng lẫy một thời tay trong tay tiến vào sân Cộn giữa tiếng reo hò tựa World Cup. Cái sân bóng nhỏ bé đó cũng đã từng in dấu giày của những ông chuyên gia nước ngoài to tướng râu ria bồm xồm vác dùi cui dọa nhau xong lại bắt tay thân ái. Sau này mới hiểu thì ra họ chơi bóng chày.
 
“Nhà văn hóa Đồng Sơn”-bảng tên được viết to tướng treo ngay giữa cổng chính nhưng không ai gọi đúng tên, nam thanh nữ tú lại ới nhau “đi nhà văn hóa Cộn hè”. Không biết mệ cố của cô bạn tôi đã đến đó lần nào chưa, nhưng với tôi, mệ nói rất đúng. Con trai Cộn "dảy" đầm đẹp run chân.
 
“Người Cộn xưa” không ai không nhớ Hùng Nhớ (thành thật xin lỗi anh Hùng vì gọi tên phụ huynh), những điệu nhảy uốn lượn điêu luyện và những bước chân đi mây về gió dưới nền nhạc Disco của anh có lẽ không bao giờ phai trong tâm trí những đứa trẻ tầm tuổi học làm người lớn như tôi. Ngay cả Michael Jackson sau này với tôi cũng chỉ là hư vô.
 
Những cuộc thi khiêu vũ đều đặn diễn ra tại nhà văn hóa Cộn. Thi cấp phường, cấp thị xã, rồi thi nội bộ của trường mười cộng ba... Ngày thường thì tuần ba buổi, buổi hai tiếng, một tiếng một lần giải lao, nhà văn hóa Cộn là nơi sinh hoạt văn hóa của nam thanh, nữ tú.
 
Thời đó, không rượu, tất nhiên chẳng có bia nhưng hễ nhạc lên thì không ai mời ai, âm thanh phát ra từ chiếc đài Akai không “bát” cũng chẳng “chép” nhưng có sức lôi kéo kỳ lạ. Những đôi chân, những vòng eo uốn lượn thì thôi rồi, lúc nhẹ nhàng êm ái cùng bản Tango êm đềm, lúc mạnh mẽ dồn dập với điệu Disco bốc lửa...
 
Trẻ con Cộn nhảy từ khi biết soi gương... Không cần biết điệu gì nhạc nào, cứ nghe tiếng cát-sét xập xình là... nhảy… Người lớn tuổi tầm tuổi ông, tuổi bà, họ tìm đến bạn già khuây khỏa phần cuối chặng đường gian nan. Các câu lạc bộ khiêu vũ cứ thế mọc lên như nấm sau mưa.
 
Thế đó, Cộn xưa dân ăn chưa đủ no, nhưng được cái "đị" và "dảy" đầm thì không đâu bằng.
 
                                                                                        Khánh Như
Kỳ 2: Lang thang Cộn

tin liên quan

Quê tôi, làng Đạm Thủy

(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.

Dòng sông thiêng

(QBĐT) - Có một dòng chảy do đất trời sinh tạo từ mấy triệu năm về trước vẫn còn dài rộng, sung mãn đến hôm nay. Bắt đầu từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía Bắc tỉnh Quảng Bình, một địa hào đã được tạo nên để trên bản đồ Tổ quốc, nơi eo thắt nhất của miền Trung nắng gió bão lũ dữ dằn có hành trình ra biển cả của sông Gianh. 

Mùa dâu da chín

(QBĐT) - Vùng đất Mỹ Thủy (Lệ Thủy) nằm về phía hữu ngạn dòng Kiến Giang. Sau mỗi mùa mưa lũ, phù sa lại bồi đắp cho mảnh đất này thêm mỡ màu. Để rồi, lũ qua, cây cối lại đơm bông, kết trái. Đến Mỹ Thủy mùa này, những vườn dâu da chín rộ trĩu trịt trên những thân cây sần sùi qua thời gian. Trải qua mưa nắng, quả dâu da trở thành một phần làm nên hồn đất, hồn làng của vùng quê này.