Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Quê tôi, làng Đạm Thủy

  • 08:46 | Thứ Hai, 25/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Địa danh Đạm Thủy (Thạch Hóa, Tuyên Hóa) không biết có từ thuở nào. Hỏi chuyện người cao tuổi trong làng, được biết, từ xa xưa, có 4 dòng họ ngoài Bắc vào khai phá vùng đất này, đặt tên phường Đạm Thủy, thuộc làng Tiên Lệ (xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn ngày nay), sau khi tách khỏi làng Tiên Lệ (vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX) lấy tên là làng Đạm Thủy; khoảng năm 1947 đổi tên thành thôn Đạm Thủy.
 
Về sự tích tên làng Đạm Thủy, nhiều người cho rằng, do nơi đây có hồ nước đẹp nên người xưa đặt tên làng như thế. Gần đây, một người nghiên cứu lịch sử, khi nghe giới thiệu tên làng Đạm Thủy đã nói với tôi rằng: “Chú Trinh, địa danh Đạm Thủy đẹp quá. Đạm Thủy là nước ngọt, cũng là nước mát. Chắc là do người xưa căn cứ vào sơn khê mà dâng địa danh cho quê hương mình”...
 
Thời gian tôi sống liên tục ở quê không nhiều, dù vậy, cả tuổi thơ tôi được thả hồn mình vào đó, được chứng kiến và cảm nhận mọi mặt cuộc sống làng quê, được vui chơi với bạn bè, được tham gia lao động, sản xuất, có những buổi trưa hè dưới bóng cây cổ thụ hay lũy tre làng, dưới mái trường tuổi học trò... Tất cả trở thành ký ức khi tôi lên đường nhập ngũ (1975) và xa quê từ ấy.
 
Thuở trước, Đạm Thủy rất thanh bình, quanh năm mùa nào cũng đẹp bởi thiên nhiên, thời tiết yên lành; cánh đồng, ngọn núi, đường làng... còn như thuở sơ khai. Làng có hồ nước trong, mát (thường gọi là bàu) chạy dọc thôn theo đường làng (người dân gọi là đường quan).
 
Cái bàu này, cứ đến mùa hè hàng năm, sen lại mọc rồi nở hoa, tỏa hương thơm ngào ngạt, khách qua đường không muốn rời đi. Thôn xóm tôi tứ bề là những lèn đá cao, núi thẳm, sông dài, ruộng đồng xen lẫn. Đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống, làng quê như một bức tranh có nhiều màu sắc; màu của cỏ cây, hoa lá, ruộng đồng, sông xanh, đường mòn, lối nhỏ...
Cứ đến mùa hè, sen ở bàu làng Đạm Thủy lại mọc rồi nở hoa, tỏa hương thơm ngào ngạt, níu chân bao lữ khách.
Cứ đến mùa hè, sen ở bàu làng Đạm Thủy lại mọc rồi nở hoa, tỏa hương thơm ngào ngạt, níu chân bao lữ khách.
Làng có lùm cây đại thụ gồm lim, sanh, thị..., mỗi cây cao mấy chục mét, đường kính ba, bốn người ôm không xuể. Lùm cây như biểu tượng của làng, có nhiều loài chim về đậu, hót suốt ngày. Bên trong lùm cây có miếu thờ thần nông, thời trước người ta hay tế lễ nên cũng linh thiêng; dưới tán cây có nhà kho hợp tác xã...
 
Cơn bão lịch sử năm 1964, cây sanh bị đổ, những cây còn lại sau này người ta cũng chặt bỏ. Hồi đó, biết tin cây sắp bị chặt, thấy tiếc nên dù ở xa quê, tôi vẫn có ý kiến đề nghị giữ lại, nhưng không thành. Giá như còn lại, có khi trở thành cây di sản Việt Nam và hồn quê vẫn còn đó... Giờ chỉ còn là ký ức!
 
Đạm Thủy, nơi có gia đình tôi, hình ảnh, bóng dáng của cha, của mạ, của anh chị em trong một mái nhà..., của những người bà con, hàng xóm, với những sinh hoạt nông thôn đầy ắp tình nghĩa xóm giềng. Nhà tôi ở sát đường, ra khỏi nhà là đường quan, hàng ngày, các bà, các chị thường đi chợ trên con đường này trò chuyện râm ran. Tầm tám rưỡi, chín giờ, chợ tan, các gia đình ăn cơm, chuẩn bị đi đồng áng buổi trưa.
 
Ngày Tết thuở ấy, làng tôi vui lắm, trẻ con háo hức, rộn ràng khoe áo mới, vui chơi thỏa thích, được cha mẹ cưng chiều; người lớn thì tất bật cho việc thờ cúng tổ tiên và đi thăm hỏi bà con, làng xóm. Ngày Tết, nhà nào cũng có món cháo canh, bánh gai, bánh ít, món nem... đặt lên bàn thờ tổ tiên; khách đến nhà những thứ đó được đưa ra mời khách. Nói về nem Đạm Thủy thì rất độc đáo, với cách làm nem rất riêng, đặc biệt vùng Đạm Thủy có loại cây lá nem mọc ven đồi, ven lèn đá vôi, bờ bụi... dùng gói nem ngon đáo để. Tôi đã từng ăn nem ở nhiều nơi, nhiều loại, nhưng không có nem nào ngon như nem Đạm Thủy...
 
Tôi có người cậu, lúc đó chưa có vợ, thổi sáo rất hay. Tiếng sáo vút cao ấy như đang văng vẳng bên tôi cho đến bây giờ. Cậu làm súng van (súng tự làm bằng cái van xe đạp, nhồi thuốc diêm vào bắn) rồi cho nổ đì đoàng hòa vào không gian ngày Tết. Rồi một ngày, năm 1964, cậu tôi đi bộ đội, cậu gửi thư về, cha tôi nhận được thư, đưa đi nhờ ông Dịnh đọc cho ông nghe, rồi nhờ ông Dịnh viết thư gửi cho cậu...
 
Năm 1967, cậu tôi hy sinh, nhà ông bà ngoại có bằng Tổ quốc ghi công treo ở xà nhà. Năm 1969, một cậu tiếp theo lên đường nhập ngũ, nhà ông bà ngoại có thêm tấm bằng “Bảng vàng danh dự”, ghi rõ: Có một liệt sỹ và một quân nhân tham gia chống Mỹ, cứu nước. Trận lũ lịch sử năm 1970 cuốn trôi cả hai tấm bằng, sau đó, cậu tôi cũng mất danh hiệu liệt sỹ; chỉ còn lại ký ức buồn!
 
Thời đó, làng Đạm Thủy nhiều nhà có nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa. Vào vụ tằm, mẹ tôi sang nhà bà ngoại kéo tơ cho bà cùng với ba bốn người khác. Những lần ấy, anh em tôi mon men đến nhà ngoại ăn nhộng. Nhộng tằm thời đó ngon, vì đói khát một phần nhưng thực sự nhộng của làng rất ngon...
 
Khi đã có HTX, cánh đồng làng tôi được đắp một con mương nổi trên đồng (1963), nam nữ thanh niên tập trung lao động, đào đất đắp mương đông vui lắm. Vừa lao động, các anh chị thanh niên vừa hò đối đáp tình tứ, ví von, cứ hò đi hò lại với một chủ đề tình yêu trai gái...; rồi đến phong trào làm bèo hoa dâu, chăng dây cấy thẳng...
 
Trời rét căm căm nhưng mấy chị vẫn hôm sớm ngoài đồng... Rồi những đêm rước đuốc đường làng, Đạm Thủy lại sáng lên ánh đuốc, cùng với tiếng trống, tiếng mõ tre náo nhiệt và tiếng hô khẩu hiệu vang rền xóm thôn, mong có hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đời sống no ấm...
 
Vâng lời cha dặn, vợ chồng tôi về quê làm nhà trên đất hương hỏa ông bà, cha mẹ để lại. Nơi ấy là cội nguồn quê hương tôi, quê của các con tôi, để sau này các con còn nhớ, có trách nhiệm đi về, bởi đó là quê cha đất tổ, không được lãng quên...  
 
Đạm Thủy bây giờ đất chật, người đông, có đường bê tông, điện thắp sáng, trường lớp khang trang, nhà cửa đàng hoàng hơn trước, đời sống người dân từng bước được nâng cao... Và, Đạm Thủy bây giờ cũng khác với ngày xưa; cảnh quan và con người, hai yếu tố chính làm nên Đạm Thủy từng đi vào ký ức tôi bây giờ đã khác. Con người không còn hồn nhiên như xưa.
 
Nghề nuôi tằm ươm tơ dệt lụa, đan lát... cũng chỉ còn là dĩ vãng. Món nem ngon đã có phần biến tướng. Bóng cổ thụ vắng dần. Bàu sen không đẹp tự nhiên như trước. Làng mạc, thôn quê mất dần sự quyến rũ của một thời...Cái gì cũng có giá, đều phải đánh đổi, được cái này mất cái khác, nhưng để cái gì còn, cái gì mất con người phải cân nhắc, lựa chọn!
 
Làng tôi qua mấy lần thay đổi, nhập tách có nhiều tên gọi, nhưng Đạm Thủy vẫn luôn là tên làng in sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ. Mong sao, các thế hệ mai sau vẫn giữ được tên làng...
 
Hoàng Xuân Trinh

tin liên quan

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

Dòng sông thiêng

(QBĐT) - Có một dòng chảy do đất trời sinh tạo từ mấy triệu năm về trước vẫn còn dài rộng, sung mãn đến hôm nay. Bắt đầu từ một nét đứt gãy địa chất ở vùng đất phía Bắc tỉnh Quảng Bình, một địa hào đã được tạo nên để trên bản đồ Tổ quốc, nơi eo thắt nhất của miền Trung nắng gió bão lũ dữ dằn có hành trình ra biển cả của sông Gianh. 

Mùa dâu da chín

(QBĐT) - Vùng đất Mỹ Thủy (Lệ Thủy) nằm về phía hữu ngạn dòng Kiến Giang. Sau mỗi mùa mưa lũ, phù sa lại bồi đắp cho mảnh đất này thêm mỡ màu. Để rồi, lũ qua, cây cối lại đơm bông, kết trái. Đến Mỹ Thủy mùa này, những vườn dâu da chín rộ trĩu trịt trên những thân cây sần sùi qua thời gian. Trải qua mưa nắng, quả dâu da trở thành một phần làm nên hồn đất, hồn làng của vùng quê này.