Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những chuyến đi sinh tử

  • 08:10 | Thứ Bảy, 23/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được sự giới thiệu của ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Bí thư Đảng ủy phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn), chúng tôi đến thăm gia đình CCB Nguyễn Văn Quốc (SN 1940) sinh sống tại khu phố 4. Ông Quốc là một trong những người lính của đoàn tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
 
Trên những chuyến tàu không số
 
Ông Nguyễn Văn Quốc nhập ngũ tháng 4-1963, được huấn luyện chuyên ngành vô tuyến điện thuộc Trung đoàn 170 Hải quân, chuẩn bị tăng cường cho những chuyến tàu không số chi viện chiến trường miền Nam.
 
Ngày 26-2-1968, tàu 56 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba và chính trị viên Đỗ Như Sạn cùng hai thuyền phó Lê Xuân Ngọc, Nguyễn Văn Sơn chỉ huy xuất phát tại bến Đồ Sơn (Hải Phòng) chở 56 tấn vũ khí hướng vào Nam. Trên tàu có thêm 13 thủy thủ, ông Nguyễn Văn Quốc làm báo vụ. Đích đến của tàu 56 là bến Lộ Diêu (Bình Định).
 
Để tránh sự phát hiện của địch, tàu 56 hải hành trên đường biển quốc tế. Thế nhưng, đến tối ngày 29-2, khi cách đất liền chừng 40 hải lý, tàu 56 bị địch phát hiện. Mưu trí, dũng cảm giữa muôn trùng vây quân thù, thậm chí lúc cận kề giữa sinh tử, thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba cùng tập thể tàu 56 vẫn bình tĩnh, tự tin thoát vây an toàn. Là báo vụ trên tàu 56, ông Nguyễn Văn Quốc cùng cơ yếu Bùi Văn Hội duy trì mạch máu thông tin giữa tàu và sở chỉ huy. Diễn biến hải trình tàu 56 được tái hiện rõ qua những bức điện:
 
Ngày 29-2, tàu 56 báo cáo sở chỉ huy: “6 giờ, gặp 6 máy bay cắt ngang hướng đi từ Đà Nẵng đến Gu-am”. “17 giờ, 1 tàu chặn trước mũi, ta tránh sang trái, 1 máy bay đến lượn vòng”. “17 giờ 30, tàu chiến đang đi về phía ta”. “19 giờ, gặp 9 tàu địch. Tránh hơn 2 giờ đồng hồ. Chi bộ quyết định vào. Xin chỉ thị”.
Lãnh đạo phường Ba Đồn đến thăm ông Quốc nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển
Lãnh đạo phường Ba Đồn đến thăm ông Quốc nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 1-3, điện từ tàu 56: “18 giờ 23 phút, gặp 11 tàu địch bám sát. Tránh không được”. “23 giờ vẫn bám sát. Nhận định, có thể lộ. Trở ra chờ thời cơ. 3 tàu địch dọi đèn pha gọi dừng máy. Máy bay thả pháo sáng. Chúng tôi vẫn đi… có thể chiến đấu”. Sở chỉ huy: “Tránh né quay ra. Ngày mai chờ lệnh”. Tàu 56: “Địch chặn đường, cách bờ 40 hải lý. 3 tàu địch đuổi theo”.
 
Ngày 2-3, lúc 3 giờ 30 phút, tàu 56 điện: “Địch bám sát, bắn dọa. Tàu đi đúng hướng 90 độ, treo cờ Nhật Bản. Sẵn sàng chiến đấu. Xin chỉ thị”. Sở chỉ huy: “Bình tĩnh. Địch dọa. Chúng không dám đánh ngoài khơi”. 12 giờ 15 phút, điện từ tàu 56: “Lúc 12 giờ, tàu ở kinh độ 111 độ 36, vĩ độ 14 độ 19, hướng đi 90 độ. Vẫn còn một chiếc tàu địch bám liên tục. Tinh thần anh em tốt”. Sở chỉ huy: “Bình tĩnh. Động viên anh em. Địch khiêu khích, không dám đánh ở công hải, nhưng phải cảnh giác cao. Cho trở về”.
 
Sau 7 ngày đêm đối mặt, đấu trí với hàng chục tàu chiến, máy bay địch, biết rằng chắc chắn không thể cập bến Lộ Diêu theo kế hoạch, được sự đồng ý của sở chỉ huy, tàu 56 quay theo hướng đông, ra hải phận quốc tế và trở lại Hải Phòng an toàn.
 
Chuyến đi sinh tử thứ hai, ông Nguyễn Văn Quốc tham gia trên tàu 176 do ông Lê Xuân Ngọc lúc này làm thuyền trưởng chỉ huy, chính trị viên là ông Huỳnh Trung, trên tàu có 18 cán bộ, chiến sỹ. Ngày 28-5-1970, tàu 176 được lệnh xuất phát tại bến K15 (Hải Phòng) chở 60 tấn vũ khí chi viện cho tỉnh Bến Tre. Đích đến của tàu 176 là bến Cồn Lợi, xã Thạch Phong, huyện Thạch Phú. Sau khi ra khơi, địch phát hiện, đeo bám, đánh phá rát quá, tàu 176 tạm thời quay về.
 
Ngày 11-11, tàu 176 tiếp tục chuyến hải hành. Đến 17 giờ 45 phút ngày 17-11, máy bay địch phát hiện ra tàu ở phía bắc đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Một chiếc tuần dương hạm Mỹ bám theo. Sau 4 ngày di chuyển trên vùng biển quốc tế, đến 17 giờ ngày 21-11, tàu 176 tăng tốc, hướng thẳng vào đất liền. Biết rõ ý đồ của ta, địch lập tức điều thêm 2 tàu chiến khác từ vịnh Thái Lan và Vũng Tàu đến tăng viện, hội quân với nhiều tàu chiến khác lập thành một vòng cung bao vây tàu 176.
 
22 giờ đêm, 1 tàu địch tiến sát tàu 176 khoảng một hải lý, chúng đánh tín hiệu hỏi: “Các anh tàu nước nào?”. Tàu 176 không hồi đáp, hướng vào bờ với tốc độ nhanh hơn. Tàu địch bật đèn pha, bắn một loạt đạn 20 ly, bắt tàu 176 dừng lại. Từ thời điểm này, cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch bắt đầu.
 
Thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc ra lệnh cho anh em bình tĩnh, chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Tàu 176 quay ngược trở ra lao thẳng vào đội hình địch. Lúc này, pháo trên tàu khu trục bắn xối xả, thuyền trưởng Ngọc bị thương nặng vẫn bám đài chỉ huy. Các chiến sỹ ta dùng DKZ, B40, đại liên nã vào hai chiếc tàu địch đang cố cặp mạn tàu 176. Một chiếc bị thương phải rút lui, chiếc còn lại vẫn đeo bám, bắn như vãi đạn lên tàu 176.
 
Tàu 176 đã có 9 người hy sinh, 9 người còn lại đa số đều bị thương. Quyết không thể để tàu 176 và số vũ khí lọt vào tay địch, thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc ra lệnh điểm hỏa bộc phá, rời tàu. Bơi được một quãng, mặt biển rung lên sau một tiếng nổ lớn, tàu 176 dần chìm xuống biển trong sự tiếc nuối của những người còn sống.
 
Thuyền trưởng Ngọc bị mảnh pháo cắt cụt chân, được ông Quốc và một đồng đội vừa bơi vừa dìu vào bờ. Sau một đêm lênh đênh giữa biển, họ lên bờ an toàn.
 
Ra đi… để trở về!
 
9 người rời tàu, thuyền trưởng Ngọc bị thương, thuyền phó Nguyễn Văn Quốc (quê miền Bắc) mất tích. Sau khi vào bờ an toàn và gặp được lực lượng du kích địa phương, 8 thành viên tàu 176 quyết định ở lại miền Nam hoạt động, trở thành cán bộ Tiểu đoàn 762, Tỉnh đội Bến Tre.
 
Sau trận hải chiến không cân sức, đài tâm lý chiến của địch và máy bay trực thăng suốt ngày bay lượn phát loa, rải truyền đơn thông báo ông Nguyễn Văn Quốc bị bắt và đã chiêu hồi Chính phủ Việt Nam cộng hòa. Chúng còn rải truyền đơn ra miền Bắc với nội dung như trên nhằm gây nghi ngờ cho quân và dân miền Bắc.
 
Cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam với niềm tin sắt đá đất nước sẽ đến ngày thống nhất, ông Nguyễn Văn Quốc thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình ngày ra đi, gặp lại và chăm sóc mẹ già lúc cuối đời.
 
Tại quê hương, bà Phùng Thị Lành (SN 1952) bây giờ là vợ ông Quốc nhớ lại: “Ngày ông Quốc nhập ngũ đã có người yêu, hẹn khi đất nước thống nhất sẽ nên đôi lứa. Thế rồi ông biền biệt, sau năm 1975 vẫn không có chút tin tức. Buồn lòng, cô đi lấy chồng. 14 năm sau, năm 1976, ông Quốc mới có cơ hội thực hiện lời hứa, ra đi là trở về… Ngày về, ông vùi đầu vào lòng người mẹ bao năm ngóng chờ tin con, nước mắt chảy tràn hạnh phúc”. Ông Nguyễn Văn Quốc kết hôn với bà Phùng Thị Lành năm 1976, họ có ba con gái nay đều trưởng thành.
 
Ông Nguyễn Văn Quốc được kết nạp Đảng năm 1967, 4 năm sau ngày nhập ngũ. Ba con gái ông hiện tại đều là đảng viên.

Thăm ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Bí thư Đảng ủy phường Ba Đồn Nguyễn Văn Lợi ngậm ngùi: “60 năm trôi qua…, thế hệ những người tham gia những con tàu không số huyền thoại nay rất nhiều người đã mất”. Ông Lợi nói với ông Quốc thế, tôi thấy trong hai hốc mắt già nua của người lính tàu không số lặng lẽ dòng lệ chực trào.

Những người lính tàu không số, năm xưa họ vào trận lặng lẽ, điềm nhiên, tự tin đối mặt với cái chết vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Bây giờ, họ vẫn thế, thầm lặng, khiêm nhường, nêu gương cho cháu con, hào sảng vì mãi mãi là người lính Cụ Hồ của con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh.
 

Ngô Thanh Long

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tài và đức vẹn toàn!

(QBĐT) - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất vừa hạn chế thấp nhất thương vong cho chiến sỹ…

Người Rục và một thập kỷ bứt phá!

(QBĐT) - Nếu tính về tuổi xã hội, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa) được ví như người em út. Họ được Đảng, Nhà nước "chăm sóc" nhiều hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. 

Những bức thư kết đoàn

(QBĐT) - Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1977, Tuyên Hóa và Minh Hóa hợp nhất thành huyện Tuyên Hóa. Ngày 1-6-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 190/HĐBT chia tách huyện.