Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giai cấp nông dân Việt Nam

  • 08:23 | Thứ Tư, 28/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù bất kỳ từ góc độ quân sự, chính trị, khoa học hay ngoại giao, chúng ta đều ngưỡng mộ trước một người có trí tuệ mẫn tiệp, tâm đức ngời sáng và tầm vóc phi thường. Những di sản mà Đại tướng để lại, theo thời gian, ngày càng hiển lộ thêm nhiều giá trị sâu sắc và ý nghĩa to lớn. Đặc biệt, tư tưởng, tình cảm, lời căn dặn của Đại tướng với giai cấp nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang giá trị lý luận, thực tiễn vô cùng sâu sắc và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
 
Sinh ra từ một gia đình nhà Nho nghèo ở vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào, bà con nông dân bị áp bức, bóc lột, đàn áp dã man, người thanh niên Võ Nguyên Giáp đã sớm có tinh thần cách mạng và quyết tâm đứng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột, cường quyền.
 
Trong những năm 1925-1928, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở Trường Quốc học Huế; tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vào đầu tháng 10-1930, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế (1930), cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, ông được thả tự do.
 
Khi ra tù, ông ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, đồng thời tiếp tục học đại học Luật và Kinh tế. Trong giai đoạn 1936-1939, thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã sáng lập và làm biên tập viên cho một số tờ báo công khai hồi đó như "Tiếng nói của chúng ta", "Tiến lên", "Tập hợp", "Thời báo", "Tin tức"…
 
Một trong những dấu ấn đặc biệt chưa từng phai mờ trong tâm trí giai cấp nông dân Việt Nam, đó là tác phẩm "Vấn đề dân cày" mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu, viết cùng đồng chí Trường Chinh năm 1937.
 
Trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn lúc đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh vẫn luôn tin tưởng, đánh giá cao vai trò của dân cày lúc bấy giờ đối với cách mạng và tiền đồ của đất nước: “...Dân cày thường chiếm số đông trong nhân dân, dân cày là một lực lượng hậu bị khá mạnh của cách mạng, cho nên phàm một cuộc cải tạo xã hội một cách lớn lao phải có dân cày tham gia mới có kết quả”.
 
Và “khi nào họ được giác ngộ, có tổ chức và có lãnh đạo thì họ có một sức mạnh quật cường to lớn. Lúc đó họ sẵn sàng san phẳng những trở lực trên bước đường tiến thủ của họ và của dân tộc. Song tất cả vấn đề là ở chỗ: Giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo được dân cày..."
 
Những gì đã diễn ra trong cuộc Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, cũng như quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế trong hơn 30 năm qua đã minh chứng cho những luận điểm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh nêu ra.
 
Cho đến tận ngày nay, khi Đảng ta tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên mục tiêu quốc gia công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, nhận định về giai cấp nông dân vẫn còn nguyên giá trị.
 
Từ thuở ban đầu chỉ huy 34 chiến sỹ-nông dân cầm súng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944), cho đến vị trí Tổng Tư lệnh các LLVT, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tỏ ra là một vị tướng thông minh, bản lĩnh, cứng rắn với kẻ thù, nhưng lại rất thương yêu binh sỹ-lực lượng vốn hầu hết xuất thân từ giai cấp nông dân.
 
Đại tướng đã ra quyết định khó khăn nhất của cuộc đời ông: hoãn cuộc tiến công “đánh nhanh thắng nhanh” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thêm gần 2 tháng để thay đổi phương án tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”, giảm thiểu tổn thất và bảo đảm thắng lợi cuối cùng.
 
Tâm thế “tướng sĩ một lòng phụ tử” đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng trọn vẹn trong tim người lính cũng như trong lòng người nông dân. Đến khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, nhiều giải pháp được đặt ra trong “Vấn đề dân cày” đã được hiện thực hóa.
 
Tuy nhiên, hiện trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau 1975, đặc biệt là trong hơn 30 năm đổi mới, dù đạt được nhiều thành tựu, vẫn còn đó những vấn đề không dễ giải quyết.
 
Từng là một chuyên gia về dân cày, Đại tướng hiểu rằng, người nông dân của thời kỳ mới đã khác với giai đoạn trước. Bên cạnh những thành tựu, họ cũng đang đối mặt với khó khăn, thử thách mới. Trên cương vị Phó Thủ tướng hay Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, với uy tín và trí tuệ mẫn tiệp của mình, Đại tướng đã quy tụ được sự quan tâm, ủng hộ và kính trọng của đội ngũ nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà khoa học nông nghiệp.
 
Vì vậy, mỗi ý kiến chỉ đạo hay gợi ý của Đại tướng về khai thác kinh tế biển, khai thác năng lượng thủy triều, đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ vào phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và nhiều lĩnh vực khác… vẫn mang tầm chiến lược, thậm chí có những ý tưởng sớm hàng chục năm.
 
Năm 1977, sau khi đi thăm các đảo Côn Lôn, Thổ Chu, Cô Tô và 2 tỉnh duyên hải miền Trung Phú Yên, Khánh Hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập hội nghị lần thứ nhất về biển tại Nha Trang. Tại đây, Đại tướng đã đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu về điện thủy triều và nhiều nội dung mới khác. 7 năm sau, tại hội nghị khoa học về biển lần thứ III diễn ra ngày 8-6-1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục phân tích những giá trị to lớn của biển Đông về kinh tế, quốc phòng, an ninh và thẳng thắn nhìn nhận chúng ta còn chưa chú trọng phát triển kinh tế biển, thiếu tư duy tiến ra biển.
 
Đại tướng nói: “Phải đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh… Việc phân bố lực lượng sản xuất, phân bố lại lao động, phát triển kinh tế biển của các ngành, các địa phương phải theo sự bố trí chiến lược thống nhất, nhằm làm chủ cả về kinh tế và quốc phòng.
 
Thế bố trí về mặt địa bàn vừa tạo điều kiện khai thác toàn diện và tổng hợp các nguồn tài nguyên, vừa hình thành một thế trận liên hoàn có chiều sâu, thuận lợi cho tác chiến”[*]. Như vậy, với những nhận định và định hướng mang tầm chiến lược từ rất sớm ấy, có thể nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên đề xuất về chiến lược biển toàn diện, mà sau này, đến đầu thế kỷ XXI, chúng ta mới hiện thực hóa bằng các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể, chi tiết.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã hiện thực hóa thành công đường lối “Chiến tranh nhân dân” trong thời đại Hồ Chí Minh với việc nhìn thấy và huy động được sức mạnh từ mỗi người người nông dân như một người chiến sỹ trong cuộc chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ sự sinh tồn của đất nước.
 
Điển hình là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng dân công hỏa tuyến với hơn 2 vạn người và xe thồ được trang bị thô sơ nhưng với tinh thần yêu nước, được giác ngộ và được lãnh đạo bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện sức mạnh vượt xa tưởng tượng của quân viễn chinh Pháp vốn ỷ vào lực lượng hùng mạnh và máy bay tiếp tế qua đường hàng không thời bấy giờ.
 
Binh chủng xe thồ của những dân binh thế kỷ XX đã vận chuyển thông suốt hàng nghìn tấn hàng hóa cho tiền tuyến, không thua kém bất cứ phương tiện tối tân nào, góp phần làm nên chiến thắng quyết định tại Điện Biên Phủ. Và chiến thắng Điện Biên Phủ, hay những trận chiến khác, Đại tướng nhiều lần nói rằng đó không phải chỉ là chiến thắng của Quân đội, mà chính xác là chiến thắng của nhân dân, có đóng góp quyết định của lực lượng nông dân.
 
Trong tư duy xây dựng các LLVT bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng ta, lực lượng nông dân luôn được coi trọng và trở thành bộ phận không thể thiếu. Và trong thời đại Hồ Chí Minh, với tài cầm quân cũng như tư duy của Đại tướng, người nông dân vinh dự được nhìn nhận như một vai trò chính, được góp công sức, xương máu của mình để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ gần 100 năm của thực dân Pháp và ách áp bức của phong kiến hàng ngàn năm qua.
 
Tình cảm của Đại tướng đối với người nông dân đã vượt lên cao hơn mối quan hệ tình cảm, trách nhiệm lãnh đạo-công dân. Ở một chừng mức nào đó, Đại tướng đã mang phẩm chất của người quy tụ tinh thần, là một hiện thân lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng và Bác Hồ, thao thức thực hiện đến cùng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân.
 
Dù trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các LLVT hay sau ngày nghỉ hưu ở tuổi 80 (năm 1991), Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục dành nhiều tình cảm yêu thương, trân trọng, chăm lo đối với cuộc sống người nông dân, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Trong mỗi câu chuyện nhỏ đời thường hay vấn đề quan trọng của đất nước có liên quan đến cuộc sống của nông dân, những ý kiến của Đại tướng đều mang ý nghĩa sâu sắc, tầm nhìn xa trông rộng và khả năng chuyển hóa to lớn.
 
Trong ký ức của nhiều cán bộ Hội Nông dân Việt Nam vẫn còn nhớ đến việc vào một thời điểm cụ thể sau năm 2000, ngành thuế đã dự thảo chính sách dự kiến đưa đối tượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (những hộ có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/năm trở lên) vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu thiên tai thường xuyên nhất, tính chất sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của đại đa số nông dân, kể cả nông dân sản xuất giỏi vẫn phải chịu nhiều rủi ro, trong khi đó bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa được triển khai. Triệu phú cũng có thể trắng tay sau một trận bão lũ.
 
Vì vậy, Hội Nông dân Việt Nam đã lên tiếng kiến nghị ngành thuế chưa đưa nông dân vào diện đóng thuế thu nhập cá nhân để tạo điều kiện cho phong trào nông dân sản xuất giỏi phát triển mạnh hơn nữa. Biết được tin này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi điện, viết thư đến một số nơi cần đến, đề nghị Đảng và Nhà nước chưa đánh thuế thu nhập đối với các hộ nông dân giỏi có thành công bước đầu. Sau đó, việc thu thuế thu nhập đối với các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã không trở thành chính sách. Đại tướng là người góp tiếng nói chung để có kết quả này.
 
Trong một lần về thăm quê vào năm 1990, Đại tướng đã đến thăm, làm việc và trò chuyện với cán bộ Hội Nông dân Quảng Bình. Đại tướng căn dặn: Quảng Bình trong chiến tranh là tuyến lửa, bị tàn phá nặng nề. Bây giờ hòa bình rồi, nhưng Quảng Bình lại nằm trong vùng thiên tai khắc nghiệt, cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống bà con còn khó khăn, nghèo khổ.
 
Hội Nông dân phải nỗ lực hơn nữa để vươn lên xây dựng hội vững mạnh, làm tốt chức năng của mình, vận động bà con nông dân làm tốt thủy lợi, thâm canh các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, hội phải chống cho được tư tưởng bảo thủ, phải tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để có năng suất cao.
 
Làm thế nào hội phải là chỗ dực vững chắc cho bà con vươn lên... Đại tướng căn dặn thêm, phải phát triển nền kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, nếu độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi; phải trồng rừng nhiều hơn nữa, phải trồng cây gây rừng phủ xanh đồi cát.
 
Trong một lần khác về thăm quê, Đại tướng đã đến thăm bà Phạm Thị Nghèng ở Quang Phú (Đồng Hới)-người phụ nữ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành tích chủ động trồng rừng chắn cát trong 40 năm mà không hưởng lương.
 
Đại tướng xúc động: “Quảng Bình cát trắng, gió Tây Nam (gió Lào), nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy! Nếu không có những cuộc chiến tranh và không trở thành một vị tướng cầm quân, tôi rất muốn được làm một người trồng rừng chống cát cho quê hương như mẹ Nghèng!”. Với lời tâm tình mộc mạc ấy, Đại tướng đã đặt mình vào vai người nông dân, xóa đi hoàn toàn khoảng cách giữa một vị danh tướng thế kỷ và người nông dân chân chất, bình dị.
 
Tự hào và tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cấp hội, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam nêu cao vai trò, trách nhiệm trước Đảng, Bác Hồ kính yêu và trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng tổ chức hội ngày càng trong sạch, vững mạnh, triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về mục tiêu xây dựng thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh và nông thôn hiện đại.
 
Đinh Khắc Đính
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
 
[*] “Võ Nguyên Giáp-Hào khí trăm năm" (Nhà xuất bản Trẻ, 2012), tác giả Trần Thái Bình.