Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Phát huy giá trị của Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến vua Hàm Nghi tại Minh Hóa:

Giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch

  • 07:34 | Chủ Nhật, 18/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là nơi được vua Hàm Nghi chọn làm “kinh đô kháng chiến” để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, mảnh đất và con người Minh Hóa đã để lại những dấu ấn đậm nét trong trang sử vàng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Với những ý nghĩa tốt đẹp đó, căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi tại Minh Hóa vừa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là cơ hội để huyện Minh Hóa kêu gọi đầu tư, phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phát triển du lịch…
 
Đường đến Minh Hóa của vua Hàm Nghi
 
Theo cứ liệu lịch sử, tháng 10-1885, khi biết tin vua Hàm Nghi đang ở Hương Khê (Hà Tĩnh), quân Pháp tổ chức lực lượng tiến đánh để bắt vua. Đại thần Tôn Thất Thuyết vội đưa vua Hàm Nghi cùng tùy tùng lui vào Bãi Đức (nay là thôn Tân Đức, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa).
 
Đến tháng 11-1885, đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi từ Bãi Đức về làng Sạt (nay là tiểu khu 3, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa). Từ làng Sạt, vua Hàm Nghi và tùy tùng di giá về xóm Đồng Nguyên (Cổ Liêm, Tân Hóa), rồi về Ba Nương (Xuân Hóa).
 
Sau một thời gian ở Ba Nương, được tin quân Pháp chuẩn bị tấn công và nhìn thấy địa hình hiểm trở của thung lũng Ma Rai (xã Hóa Sơn ngày nay) có thể phòng thủ, tháng 11-1885, đại thần Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi vượt eo Lập Cập vào đây trú đóng, xây dựng nơi đây thành “kinh đô kháng chiến” để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp…
 
Trong thời gian vua Hàm Nghi ở thung lũng Ma Rai, nhiều lần quân Pháp đã mở các trận tập kích vào đây nhưng đều bị đánh bại bởi những đạo quân người Sách, người Mường, người Nguồn vô cùng thiện chiến, hết lòng bảo vệ nhà vua. Một trong những trận đánh mà các đạo quân trên đã làm cho quân Pháp “kinh hồn, bạt vía” là trận đánh diễn ra vào cuối năm 1885, tại eo Lập Cập hiểm trở.
 
Đạo quân được cho là rất hùng mạnh của Pháp do đại úy Hugo cùng hai trung úy Gaygere và Bellomy chỉ huy đã hung hăng tiến vào thung lũng Ma Rai để bắt sống vua Hàm Nghi. Khi mới lên đến lưng chừng eo Lập Cập, quân Pháp đã bị đội quân người Nguồn, người Sách, người Mường bảo vệ nhà vua và người dân trong làng phục kích chặn đánh. Quá nửa quân Pháp chết và bị thương trong trận đánh này, bản thân đại úy Hugo trúng phải tên độc bị thương nặng và tử vong sau đó.
 Thung lũng Ma Rai ( xã Hóa Sơn ngày nay), nơi vua Hàm Nghi đặt căn cứ lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp năm 1885.
Thung lũng Ma Rai ( xã Hóa Sơn ngày nay), nơi vua Hàm Nghi đặt căn cứ lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp năm 1885.
Tuy nhiên, do vùng đất Ma Rai rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt và còn quá nghèo, nếu giặc bao vây chặn mất con đường độc đạo ở eo Lập Cập, khó liên hệ với bên ngoài để lãnh đạo phong trào Cần Vương, chống giặc Pháp, vì vậy, đầu năm 1886, vua Hàm Nghi đã rút khỏi đây, ra ngoài để thuận lợi hơn cho việc mở rộng lực lượng, kháng chiến lâu dài…
 
Tấm lòng trung quân, ái quốc của người Minh Hóa
 
Theo nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Đinh Thanh Dự, khi vua Hàm Nghi và quan quân triều đình đến Minh Hóa, đã nhận được sự ủng hộ, tận tình chăm sóc, bảo vệ của người dân nơi đây.
 
Cụ thể, khi vua Hàm Nghi và quan quân triều đình khi đến làng Sạt, ngự giá ở nhà ông Đinh Thanh Hiền thì ông Quán đoàn Đinh Văn Nguyên đem đội nghĩa quân người Nguồn Cần Vương đến ra mắt và được nhà vua phong cho ông chức Tác lộ chiến, cùng nghĩa quân người Nguồn của mình canh gác, tuần phòng, đánh địch bảo vệ nhà vua và đoàn tùy tùng.
 
Ông Đinh Văn Nguyên thuộc dòng họ ông Bộ Khoáng ở làng Sạt, tổng Cơ Sa. Ông học thông chữ Hán, giỏi võ nghệ. Năm Tự Đức thứ 42 (1883), ông được phong chức Chánh quân đoàn Kim-Cơ nhị tổng Cơ Sa-Kim Linh (Minh Hóa ngày nay-PV). Ông Nguyên có 3 người con là Đinh Bình, Đinh Văn Bột và Đinh Văn Hàn, trong đó, Đinh Bình là con đầu nên ông còn được dân làng gọi là ông Quán Bình.
 
Trước đó, khi vua Hàm Nghi xuất bôn, ra chiếu Cần Vương kêu gọi kháng chiến, ông Quán đoàn Đinh Văn Nguyên cùng các con và chánh tổng, lý trưởng, hương chức các làng hai tổng Cơ Sa và Kim Linh chiêu mộ trai tráng người Nguồn lập nên đội nghĩa quân Cần Vương.Sau khi ra mắt vua Hàm Nghi, Tác lộ chiến Đinh Văn Nguyên cùng nghĩa quân Cần Vương người Nguồn đã luôn sát cánh, bảo vệ an toàn cho nhà vua và lập nên những chiến công oanh liệt, đặc biệt là trận đánh ở eo Lập Cập…
 
Không chỉ kiên cường chiến đấu bảo vệ, trong thời gian vua Hàm Nghi ở Minh Hóa, đặc biệt là 3 tháng ở thung lũng Ma Rai, đồng bào người Nguồn, người Sách, người Mường nơi đây đã đóng góp sức người, sức của để “nuôi” nhà vua trong những ngày gian khổ nhất.
 
Ông Bàn Văn Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn kể: “Tôi nghe ông bà nội kể lại rằng, ngày đó, vùng đất Hóa Sơn rừng núi hoang vu, người dân thưa thớt và cuộc sống cũng vô cùng khó khăn. Nhưng bà con có cái gì quý giá nhất cũng để dành dâng lên vua Hàm Nghi. Nhiều người, trong nhà chỉ có con gà mái và ổ trứng cũng mang đến ủng hộ nhà vua…”.
 
Giáo dục truyện thống và phát triển du lịch
 
Ngày 25-9-2020, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi ở Minh Hóa thuộc xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa. Theo đó, ở xã Hóa Sơn có 2 địa điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ đó là điểm nền nhà cũ của vị quan cai quản vùng đất Ma Rai ở thôn Đặng Hóa, nơi vua Hàm Nghi tá túc trong những ngày tháng ở Hóa Sơn và eo Lập Cập, nơi diễn ra trận chiến thắng oanh liệt của quân đội nhà vua trước quân Pháp.
 
Riêng điểm ở thôn Đặng Hóa, hiện là vườn nhà của ông Bàn Văn Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn. Ông Sơn cho biết, vừa qua, gia đình cũng đã làm thủ tục để hiến 200m2 đất vườn để chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khoanh vùng bảo vệ di tích.
 
Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết, căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh là cơ hội để huyện Minh Hóa kêu gọi đầu tư, phát huy giá trị của di tích trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Hiện nay, huyện Minh Hóa đã tiến hành quy hoạch khoanh vùng bảo vệ và đang lập hồ sơ kêu gọi đầu tư bằng cách xã hội hóa. Mục đích của việc này ngoài bảo tồn giá trị di tích còn giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường của các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ, qua đó, nâng cao lòng tự hào về quê hương, con người Minh Hóa.
 
Ngoài ra, khi khu di tích lịch sử này được xây dựng, chắc chắn rằng, nơi đây sẽ trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của khách du lịch muốn tìm hiểm về lịch sử, văn hóa, về lòng yêu nước trung trinh của vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương trên vùng đất “kinh đô kháng chiến” Minh Hóa…
 
 Phan Phương