Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Di tích lịch sử "Nơi thành lập Chi bộ Trường Môn":

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

  • 08:43 | Thứ Năm, 11/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Di tích lịch sử “Nơi thành lập Chi bộ Trường Môn” thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh), được UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 2414/QĐ-UBND, ngày 5-7-2017. Đây là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng đối với phong trào cách mạng ở huyện Quảng Ninh và là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
 
Ngược dòng lịch sử vào những năm 1930-1935, vùng đất Quảng Ninh sớm thấm nhuần tư tưởng cách mạng qua cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh với những hoạt động bí mật của các đảng viên Cộng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, phong trào yêu nước và cách mạng của quần chúng nhân dân huyện Quảng Ninh có những bước tiến mạnh mẽ.
 
Đồng Tư là một thôn nhỏ thuộc xã Hiền Ninh, phủ Quảng Ninh lúc bấy giờ. Với lòng yêu nước, yêu độc lập, tự do, người dân thôn Đồng Tư đã hướng về Đảng với niềm tin mãnh liệt. Nhiều trí thức và thanh niên yêu nước Đồng Tư đã giác ngộ cách mạng và tìm đến Đảng, được Đảng giáo dục, rèn luyện, thử thách và trở thành hạt nhân lãnh đạo của phong trào cách mạng, trong đó có đồng chí Nguyễn Liễn, lý trưởng làng Trường Môn. Nguyễn Liễn vốn là người rất thông minh, tháo vát, tuy làm lý trưởng nhưng đã sớm giác ngộ và hoạt động cách mạng từ sớm. Ông thường xuyên liên lạc, móc nối với các tổ chức yêu nước ở các vùng lân cận lập ra các tổ chức yêu nước trong làng. 
Dấu tích ngôi miếu cổ.
Dấu tích ngôi miếu cổ.
Nhận thấy đây là nơi có khả năng gây dựng cơ sở cho tổ chức Đảng, cấp trên đã giao đồng chí Nguyễn Đức Thưởng thâm nhập vào quần chúng, phát hiện một số nhân tố có tinh thần yêu nước, như: Nguyễn Liễn, Nguyễn Nang, Dương Thạch, Cao Hàn... để tìm cách giác ngộ họ.
 
Tháng 10-1942, đồng chí Nguyễn Đức Thưởng đã tổ chức kết nạp các đồng chí Nguyễn Liễn, Dương Thạch và Nguyễn Nang vào Đảng và thành lập Chi bộ Trường Môn do đồng chí Nguyễn Liễn làm bí thư. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Chi bộ Trường Môn đã lấy miếu cổ Đồng Tư-nơi thờ tự thiêng liêng nằm trong một khu rừng rậm sát bờ sông Long Đại làm nơi hội họp, bàn phương hướng hoạt động của chi bộ, mở thêm những lớp bồi dưỡng mới về chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc cho các thanh niên ưu tú ở đây.
 
Trong điều kiện khó khăn ban đầu, tuy phải hoạt động trong vòng kìm kẹp của kẻ thù nhưng Chi bộ Trường Môn đã vận động, tập hợp quần chúng lao động đứng vào hàng ngũ những người cách mạng, từng bước tập dượt cho quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh.
 
Sự ra đời của Chi bộ Trường Môn đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng ở Quảng Ninh nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung, là "mốc" đầu tiên xây dựng truyền thống đoàn kết, nhất trí của Đảng.
 
Từ khi thành lập Chi bộ Trường Môn tháng 10-1942 đến tháng 11-1945, Đảng bộ huyện Quảng Ninh ra đời tại đình làng Võ Xá. Chặng đường hơn 75 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện Quảng Ninh khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, của quê hương, đất nước, tiếp tục tạo thêm nhiều cơ hội, nhiều thuận lợi cho việc từng bước xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Trải qua 25 kỳ đại hội, đến nay, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã có 7.561 đảng viên, sinh hoạt tại 46 đảng bộ, chi bộ cơ sở. Hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn được củng cố, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Đội ngũ cán bộ các cấp không ngừng được chăm lo bồi dưỡng toàn diện, đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Trồng cây tại di tích.
Trồng cây tại di tích.
Di tích "Nơi thành lập Chi bộ Trường Môn" có giá trị tiêu biểu về lịch sử, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và bồi đắp sức mạnh đoàn kết trong quần chúng nhân dân xây dựng và bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới.
 
Tháng 11-2019, tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc, tưởng nhớ công lao của những người đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh đã khởi công xây dựng công trình di tích lịch sử "Nơi thành lập Chi bộ Trường Môn", nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị. Công trình được xây dựng trên diện tích 119m2, với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng.
 
Đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc xây dựng công trình di tích lịch sử cấp tỉnh “Nơi thành lập Chi bộ Trường Môn” nhằm bảo tồn, tôn vinh và khẳng định giá trị lịch sử của di tích, góp phần vào hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tưởng nhớ công lao của các đảng viên đi trước, khơi dậy lòng tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh.
 
N. Khang