Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Sưu tầm gốm sành của Pháp thế kỷ XIX ở Đồng Hới

  • 08:35 | Thứ Ba, 23/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thế kỷ XIX, sau khi đặt được ách thống trị ở Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai, kinh tế hàng hóa được phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Thực dân Pháp đã khai thác nguồn tài nguyên của Việt Nam đưa về Pháp, chỉ mang đến một số hàng chế phẩm kỹ nghệ nhỏ như đồ đạc, gốm sứ. Trong các đồ gốm sứ của nước ngoài được đưa vào Việt Nam và Quảng Bình cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lịch sử và văn hóa có thể kể đến loại gốm sành xốp được du nhập từ Pháp vào những năm đầu thế kỷ XIX.
 
Thị xã Đồng Hới thời đó mang đậm dấu ấn của làng xã. Phố xá nhỏ hẹp với một số nhà buôn bán nhỏ lẻ gần chợ, một vài ba quán ăn, quán trọ, dịch vụ, một vài quán tạp hóa buôn bán gạo, thực phẩm, thuốc lá… Các sản phẩm sành xốp của Pháp được du nhập vào cũng đã được người dân Đồng Hới để mắt đến, mua và sử dụng trong gia đình. Năm 1922, Công ty xuất nhập khẩu Frexor ra đời tại Pháp do ông Guilloteau điều hành.
 
Công ty này cho đặt một chi nhánh tại Sài Gòn do ông Prierre Lelouvier quản lý. Công ty phát triển nhanh chóng và đã mở thêm các chi nhánh ở Hà Nội, Quy Nhơn, Hải Phòng, Đà Lạt… Các đồ sành xốp du nhập vào Việt Nam chủ yếu là đĩa, bát, tô được công ty đặt mua từ xưởng sành sứ Moulin Des Loups Hamage (Pháp) và dưới đáy cho in logo của Công ty xuất nhập khẩu Frexor Saigon.
 
Các sản phẩm sành xốp là dụng cụ sinh hoạt được nhập vào Việt Nam rất phong phú về kiểu dáng và mỹ thuật, với đủ loại hoa văn, như: hoa văn màu xanh cobalt hoặc men ngũ sắc; hoa văn trang trí bông hồng lớn màu đỏ với lá xanh rực rỡ hoặc hình bó hoa nhiều màu; hoa văn quả sồi, cây lá thẳng hoặc hoa văn người và phong cảnh theo điển tích của đồ sứ Trung Hoa (Giang Liễu) hay truyền thuyết thất hiền. Dưới đáy của sản phẩm in hình chiếc cối xay gió bên trong một hình tròn. 
Một chiếc dĩa gốm sành của Pháp thể kỷ XIX được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Một chiếc dĩa gốm sành của Pháp thể kỷ XIX được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Bao quanh bên ngoài là dòng chữ Hamage&Moulins Dé Loups-Nord. Ở ngoài cùng phía trên là dòng chữ Nord và France. Đây là những món sành xốp do lò Wandignies Hamage sản xuất từ năm 1923 đến năm 1952. Một hiệu đề khác cũng có hình chiếc cối xay gió có in chữ NODR. Vòng tròn thứ hai bên ngoài có dòng chữ MOULIN DES LOUPS FRACE-ORCHIES. Đây cũng là hiệu đề của một trong những lò của xưởng sản xuất. Các kiểu hoa văn bên trong là do Frexor Saigon đặt làm tại Moulin Des Loups theo gu thẩm mỹ của giai cấp tư sản Việt Nam lúc đó.
 
Các kiểu hoa văn Giang Liễu được in màu đỏ, xanh chủ yếu in trên đĩa. Hoa văn do chủ xưởng phóng tác dựa trên tích trang trí của gốm sứ Trung Hoa gọi motip Nam Kinh hay Quảng Đông. Trang trí bên trong lòng đĩa là trà đình, một hàng rào phía trước, một cây táo, một cây liễu, một chiếc cầu có người đi qua.
 
Xa xa là một chiếc thuyền và có 2 con chim đang bay. Vành bên ngoài đĩa có trang trí hoa văn hình sin, hồi văn cùng màu với trang trí bên trong. Một kiểu hoa văn khác cũng nổi trội trong các loại sành xốp là đĩa có vẽ theo truyền thuyết về 7 vị hiền triết (thất hiền) nổi tiếng của Đạo giáo thời Tây Ấn, hội ngộ trong vườn trúc đàm đạo để phù hợp với thị hiếu của người Việt lúc bấy giờ.
 
Ngoài ra, còn có nhiều kiểu hoa văn khác như in hình 3 cành táo với hoa màu đỏ và lá xanh… theo kiểu Normand đặc trưng của vùng chuyên trồng táo và rượu ở Pháp. Nhiều nhất là loại đĩa tròn, đĩa o van, đĩa chân cao, đọi tô. Hoa văn trang trí là dây hoa lá theo kiểu thức châu Âu. Cụ thể là hoa cúc, tuy lip, hồng, nho và các loại trái cây, với 3 màu trắng, đỏ, xanh lam. Đáy ghi ký hiệu đề nơi sản xuất. Logo 1 có chữ Frexor lấp đầy hình tam giác bên dưới là chữ Saigon.
 
Tất cả đều viết hoa in 3 màu đỏ, lam, lục. Logo 2 có chữ Frexor thẳng đều nhau và không lấp đầy tam giác. Bên dưới là chữ Saigon in màu mực đen. Logo 3 in màu lục, chữ Frexor thẳng đều nhau không lấp đầy tam giác. Bên dưới chữ Saigon viết hoa chữ S. Các hiệu đề có các dị bản khác nhau, in màu đỏ, lục, lam. Hình cối xay gió trong có chữ Nord Moulin des Loups trên chữ Nord, dưới cối xay gió có chữ Modete Depose...
 
Các sản phẩm được nhập khẩu là những sản phẩm hiện đại nhất, với các kiểu hoa văn được tuyển chọn mang tính chất tuyên truyền cho nền văn hóa Pháp nhưng cũng mang tính đặc trưng và ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa  Đông-Tây phù hợp xu hướng và kiểu thức của người Việt nên cũng đã được người Quảng Bình đón nhận.
 
Những chiếc bát, đĩa, tô... thuộc gốm sành xốp của Pháp thế kỷ XIX đã được người Đồng Hới mua về bằng con đường giao thương trên các tuyến đường sắt, đường biển và trở thành món cổ vật minh chứng cho sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và nền văn minh châu Âu đã có ở Quảng Bình, minh chứng cho sự phong phú của các loại đồ dùng trong gia đình của người Việt thời bấy giờ.
 
Họ không những đặt hàng mua những loại gốm sứ hoa lam của Trung Quốc mà còn đặt hàng cho dòng gốm xốp sành của Pháp. Loại gốm sành này phong phú về thể loại, đẹp về kiểu cách và hình dáng, vừa bảo đảm độ chắc bền, do đó được người Đồng Hới ưa chuộng, bảo tồn, trân quý. Hiện nay, bên cạnh bộ sưu tập gốm sứ hoa lam của Trung Hoa, của Việt Nam thì bộ sưu tập gốm sành Pháp cũng đã được sưu tầm về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
 
Những hiện vật gốm sứ sành xốp này tồn tại trên 200 năm, là sản phẩm nghệ thuật của Pháp du nhập vào Việt Nam thế kỷ XIX, chứa đựng giá trị lớn về văn hóa, nghệ thuật, đạt đến sự hoàn hảo về chất liệu, kiểu dáng, màu sắc và nghệ thuật tạo hình. Ở đó có sự hài hòa, đăng đối giữa kiểu dáng, men màu, trang trí, đồ họa và tạo ra một nét đẹp cân đối, trang nhã. Bộ sưu tập có trong Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình chứng minh cho sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam và Quảng Bình, tạo nên một giá trị mỹ thuật để đời sau trân trọng và ngưỡng mộ.
 
                                                          Trần Thị Diệu Hồng