Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Rặng rưới huyền tích

  • 08:47 | Thứ Hai, 15/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cây rưới bắt đầu bám rễ vào mảnh đất Cổ Hiền, một trong “Bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình, có lẽ đã hơn 500 năm. Và, chừng đó thời gian, loài cây này đã chứng kiến biến thiên của lịch sử cũng như tình đất, tình người sinh sống bên ven bờ Long Đại trước khi dòng sông này đổ vào biển lớn...
 
Thư tịch cổ viết rằng, làng Cổ Hiền là đất dư khí của hai dãy núi Án Sơn, Thần Đinh thuộc sơn hệ phía Nam của tỉnh Quảng Bình. Khi hai con sông Kiến Giang, Long Đại gặp nhau hình thành sông Nhật Lệ thì chỗ ngã ba sông ấy chính là địa đầu của làng Cổ Hiền (mới đây làng Cổ Hiền đã được chia thành 5 thôn, gồm: Đông Cổ Hiền, Tây Cổ Hiền, Nam Cổ Hiền, Bắc Cổ Hiền và Tân Hiền-P.V).
 
Sự tích khai thiết làng Cổ Hiền bắt nguồn từ ba vị thủy tổ của ba họ Lê, Trương, Nguyễn, được người dân nơi đây xem là ba vị tổ khai khẩn mảnh đất này. Sách “Địa chí làng Cổ Hiền” của nhà nghiên cứu Nguyễn Tú có ghi rằng “Các đời vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông đều có chiếu chỉ, cử các quan xứ Bắc, xứ Thanh, mộ dân binh, đưa gia quyến vào Bố Chính, Tân Bình khai khẩn ruộng đất, lập làng xóm, củng cố thêm biên cương phía Nam Tổ quốc. Do đó, mới có sự kiện ngài Lễ Lộc hầu Lê Đại Vũ, người làng Cổ Trai, tỉnh Kiến An (nay thuộc TP. Hải Phòng) vào lập làng Cổ Hiền”.
Những cây rưới cổ thụ trên dấu tích lũy Trường Dục
Những cây rưới cổ thụ trên dấu tích lũy Trường Dục.
Dựa theo sự truyền khẩu từ xa xưa cùng với ghi chép trong gia phả của các dòng họ và sắc phong vua chúa ban tặng, có thể khẳng định, làng Cổ Hiền có nguồn cội từ làng Cổ Trai từ hơn 500 năm trước. Chính vì vậy, trong lễ kỷ niệm 500 năm giỗ tổ họ Lê mà cũng là lễ 500 năm khai thiết làng Cổ Hiền, bà con ở làng Cổ Trai đã cử đại diện vào Quảng Bình dự lễ.
 
Làng Cổ Hiền có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, là một trong “Tứ danh hương” của huyện Quảng Ninh “Văn-Võ-Cổ-Kim”, “Bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình “Sơn-Hà- Cảnh-Thổ- Văn-Võ-Cổ-Kim” địa linh nhân kiệt. Mảnh đất ấy là nơi sinh sống của 34 họ tộc với những con người chân chất, mộc mạc và mến khách.
 
Hồn quê hơn 500 năm hình thành và phát triển gắn với những mảnh vườn thuần Việt với cây cau, cam, quýt, mía, tre…, nhưng không thể thiếu một loài đặc hữu, đó là cây rưới. Loài cây sống lâu năm thành cổ thụ, với bộ rễ ăn sâu vào lòng đất nên được ưa chuộng trồng làm hàng rào, che gió, chống bão, chống sạt lở đất ven sông…
 
Tương truyền khi xây dựng lũy Trường Dục để phòng thủ trong chiến cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhà quân sự tài ba Lộc Khê hầu Đào Duy Từ đã truyền lệnh cho binh sỹ trồng nhiều cây rưới bên trong lẫn bên ngoài tường thành. Bên ngoài lũy với đặc tính của mình, cây rưới bảo vệ thành không bị xói lở do mưa bão lại rất lợi hại khi chống hỏa công khi hai bên giao chiến.
 
Bên trong lũy Trường Dục, cây rưới là nơi buộc voi, ngựa cũng là chỗ nghỉ ngơi của quân binh phòng thủ. Các bậc cao niên kể rằng, từ khi người Cổ Hiền trồng cây rưới làm hàng rào bảo vệ vườn cây, trải qua hàng trăm năm, dù bão lũ có nổi cơn thịnh nộ và nhiều cơn binh lửa vẫn không xô ngã được một gốc cây rưới nào.
 
Bà Trương Thị Thùa, ở thôn Đông Cổ Hiền tâm sự: "Tôi ra ở vùng đất này từ thuở mới 22 tuổi đến nay đã 65 tuổi. Hơn 40 năm qua, cuộc sống của gia đình tôi gắn chặt với hình ảnh của cây rưới trên tuyến lũy Trường Dục này".
Lần theo sử sách, lũy Trường Dục được xây dựng đầu năm 1630, thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, nhằm tính kế chống giữ lâu dài với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Từ tầm nhìn chiến lược của kiến trúc sư trưởng Đào Duy Từ (người ở Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa), tuyến lũy được xây dựng theo lối chữ “Hồi”, nên còn gọi là lũy Hồi Văn, với chiều dài 10km, cao 4m và rộng 6m. Dấu tích của lũy còn rất rõ ở các làng Xuân Dục (Xuân Ninh), làng Cổ Hiền, còn đoạn từ làng Hỏa Lò (Tân Ninh) đến bãi cát phá Hạc Hải thì không còn nữa.
 
Bia di tích lịch sử lũy Trường Dục.
Bia di tích lịch sử lũy Trường Dục.
Dẫn chúng tôi đến rặng rưới cổ thụ mọc trên nền đất xưa của lũy Trường Dục, ông Lê Quốc Dũng, cán bộ văn hóa-xã hội UBND xã Hiền Ninh tâm sự, nhắc đến cây rưới là gợi nhớ về tuổi thơ, bởi loài cây này gắn bó từ rất lâu với người dân Cổ Hiền. Vào khoảng tháng 7 hàng năm, mùa rưới ra quả, trẻ con trong vùng thường leo cây bắt con rươi rưới về chơi và hái quả.
 
Quả rưới vàng óng, ăn vừa ngọt lịm vừa thanh như làm dịu mát ánh nắng của mùa hè bỏng rát. Hiện nay, để bảo vệ khoảng 200 cây rưới cổ thụ trên địa bàn, chính quyền xã Hiền Ninh đã giao cho các hộ dân ở thôn Đông và Bắc Cổ Hiền-nơi có tuyến lũy Trường Dục-chăm sóc, quản lý, bảo tồn cho các thế hệ mai sau, ông Lê Quốc Dũng cho hay.
 
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh cho biết, cây rưới mọc tự nhiên, cực kỳ bền gốc, bền cành, sinh trưởng trường tồn cùng với thời gian. Ở lũy Trường Dục mọc rất nhiều loài như mưng, me, đa, nhưng cây rưới rất đắc dụng trong giữ đất, giữ làng. Vốn dĩ chậm lớn, do đó, để có những gốc rưới cổ thụ như ven di tích lịch sử lũy Trường Dục bây giờ, ước tính đã hàng trăm năm. Bền bỉ gắn bó với mảnh đất, con người Hiền Ninh nên cây rưới gắn liền với lịch sử và hồn quê nơi đây.
 
Người Cổ Hiền gọi những loài cây sinh trưởng ở chân lũy Trường Dục là “rừng lũy”. Bởi lẽ cùng với sự đa dạng sinh học, cây rưới trở thành bệ đỡ có công dụng chắn gió phương Bắc, ngăn triều cường, lũ lụt, tạo sinh kế cho người dân. Vậy mới có thơ rằng“Lũy xưa nay đã biến thành rừng/ Cổ thụ vành đai giữ cửa sông/ Ngăn chặn thủy thần khi lũ lụt/ Vững che chắn gió lúc mưa đông…” (trích thơ của cụ Nguyễn Hoan, ở làng Cổ Hiền). Trải qua bao biến thiên của lịch sử, cây rưới vẫn vững chãi từ thời người Cổ Hiền khai canh lập ấp đến nay, xứng đáng trở thành biểu tượng về sự bền bĩ, kiên cường trên mảnh đất rạng rỡ về khoa bảng, giàu có về giá trị văn hóa đã được định rõ trong “Bát danh hương” muôn đời.
 
"Để bảo vệ rặng rưới huyền tích này, làng Cổ Hiền và xã Hiền Ninh đã ban hành hương ước nghiêm cấm người dân không được chặt phá. Ngày xưa, các bậc cao niên rất nghiêm cẩn dạy bảo cháu con gắng sức bảo vệ rặng rưới ở bìa làng, ven lũy Trường Dục. Lệ làng quy định nếu vào các khu vực này kiếm củi, người dân không được mang dao, rựa mà chỉ mang khoèo để bẻ những cành khô mục làm chất đốt. Không ai dám chặt hạ dù chỉ một cành cây tươi, vì cây rưới gắn với văn hóa làng đã được gìn giữ qua bao đời nay" - ông Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh cho biết.
 
Trần Minh Văn