Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bản làng "thay áo mới"

  • 08:38 | Thứ Bảy, 13/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều bản làng vùng cao đã từng bước thay da đổi thịt. Những cánh rừng, nương rẫy ngút ngàn màu xanh, những con đường bê tông phẳng lỳ men theo triền núi, ánh điện chiếu sáng về tận ngõ… Những bản làng vùng cao như khoác lên mình chiếc áo mới, chiếc áo của ấm no.
 
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
 
Còn nhớ cách đây nhiều năm, Mò O Ồ Ồ là bản đặc biệt khó khăn của xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Đường vào bản quanh co, gồ ghề đất đá, mưa lũ thì trơn trượt. Đi lại khó khăn, giao thương chậm phát triển, đời sống của người dân thiếu thốn trăm bề. Bây giờ, đường bê tông đã vào tận bản, chỉ mất hơn 30 phút từ trung tâm xã Thượng Hóa, chúng tôi đã có mặt tại bản.
 
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, anh Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ hồ hởi nói: “Bản nay đã có đường bê tông phẳng lỳ, điện sáng từ nhà ra ngõ... nhưng đổi thay lớn nhất có lẽ chính là nếp nghĩ, cách làm của bà con. Nhiều cách làm mới, cách nghĩ mới đã “kéo” Mò O Ồ Ồ gần hơn với miền xuôi. Dân bản bây giờ không còn thả nuôi gia súc, gia cầm dưới chân nhà sàn, nhà nào cũng có chuồng trại chăn nuôi riêng. Bà con đã biết tổ chức sản xuất lúa nước, làm vườn, chăn nuôi, biết đến trạm y tế mỗi lúc ốm đau, biết ăn chín uống sôi…” 
Bản làng vùng cao huyện Minh Hóa nay đã thay da đổi thịt.
Bản làng vùng cao huyện Minh Hóa nay đã thay da đổi thịt.
Dọc theo chân dãy Trường Sơn hùng vỹ, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở Quảng Bình có 2 dân tộc chính là Bru-Vân Kiều và Chứt, trong đó, dân tộc Chứt gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng và dân tộc Bru-Vân Kiều gồm các tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong…
 
Núi cao, sông dài, thiên nhiên hùng vĩ, các bản làng vùng cao dọc dãy Trường Sơn hiện ra như bức tranh sơn thủy hữu tình với những đồi keo, tràm bạt ngàn, những rẫy lúa, nương ngô phủ xanh mướt những triền đồi. Người dân vùng cao đã dần thay đổi thói quen sản xuất, làm quen với những giống cây trồng, vật nuôi mới. Cuộc sống tại bản làng không còn gói gọn “tự cung, tự cấp” mà đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, giao thương với các thương lái trong và ngoài tỉnh.
 
Bên ấm trà nghi ngút khói, tỏa hơi ấm xua tan cái lạnh của những ngày cuối năm, ông Phan Công Khánh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: “Ngày trước, mỗi lần lên các bản ở huyện Minh Hóa phải đi mất 2 ngày, nay đường đến các bản xa nhất hơn 3 tiếng là tới nơi. Với những nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, diện mạo bản làng vùng cao có nhiều khởi sắc. Những ngôi nhà dần được xây dựng kiên cố, khang trang. Hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu dạy học, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Dân bản đã và đang dần xóa được đói, giảm được nghèo, đoàn kết vươn lên xây dựng bản làng no ấm, tiến bộ. Nhiều bản làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện. Khi đời sống đã có nhiều tiến bộ, mọi hủ tục lạc hậu cũng dần được thay thế bằng nếp sống văn hóa mới”.
 
Đồng bào làm kinh tế
 
Tham gia Tổ hợp tác măng khô Mã Liềng, người dân bản Kè có thu nhập ổn định hơn.
Tham gia Tổ hợp tác măng khô Mã Liềng, người dân bản Kè có thu nhập ổn định hơn.
Sải bước trên chiếc cầu treo vững chãi dẫn vào bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, anh Nguyễn Tiến Hải, cán bộ nông-lâm nghiệp xã Lâm Hóa bảo: “Ngày khánh thành đưa cầu treo vào sử dụng, dân bản ai nấy đều vui mừng khôn xiết, họ vui mừng vì từ nay giao thông đi lại thuận tiện, kinh tế phát triển, đời sống của người dân sẽ được nâng lên. Đứng ở đây nhìn về bản sẽ thấy bản Kè giờ đã từng bước “thay da đổi thịt”. Người dân đã biết trồng rừng kinh tế, xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương. Sản phẩm măng khô Mã Liềng đã trở thành sản phẩm OCOP của xã và hiện đang tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh”.
 
Bản Kè có 58 hộ dân, hơn 70% hộ tham gia trồng rừng với hơn 35ha. Người dân bản Kè đã biết phát huy lợi thế từ rừng để xóa đói giảm nghèo. Nhiều gia đình có của ăn, của để nhờ trồng rừng và phát triển rừng. Bên cạnh trồng các rừng keo, tràm, nhiều hộ dân còn trồng xen vào các khu rừng tự nhiên nhiều loại cây gỗ quý. “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, không đủ ăn, nhưng nhờ vào cây keo mà gia đình đã khấm khá hơn. Không những có tiền cho con cái ăn học, tôi còn sắm sửa tivi, quạt máy… và có vốn chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà”, anh Hồ Phìn chia sẻ.
 
Bao đời nghèo khó, sống du canh du cư dọc dãy Trường Sơn, sau nhiều năm nỗ lực vươn lên, giờ đây cuộc sống của ĐBDTTS ở các bản làng từ miền núi huyện Lệ Thủy, trải dài lên vùng cao Tuyên Hóa, Minh Hóa đang bừng lên những trang mới nhờ phát triển các mô hình kinh tế. Nhiều hộ dân đã có phương tiện sản xuất cơ giới hóa, máy móc thay thế sức người, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm và không còn hộ đói...
 
Trong câu chuyện làm kinh tế của ĐBDTTS, Phó Trưởng ban Dân Tộc, Phan Công Khánh khẳng định: "ĐBDTTS đã có nhiều chuyển biến trong phương thức làm ăn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người có thu nhập hàng trăm triệu đồng, có hộ sắm xe ô tô, nhiều hộ cho con em đi xuất khẩu lao động. Tiêu biểu như: anh Hồ Văn Sửu, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) vừa trồng rừng kinh tế, vừa mở dịch vụ đưa người dân ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đi xuất khẩu lao động; ông Đinh Hợp, xã Thượng Trạch (Bố Trạch) nuôi hàng chục con bò, trồng hơn 5ha cao su; chị Hồ Thị Thanh, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) nuôi 15 con bò, 30 con lợn bản và trồng 3 vạn cây keo; bà Phạm Thị Lâm, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) làm giàu từ mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng… Và rất nhiều tấm gương ĐBDTTS tiêu biểu làm kinh tế giỏi, đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo của những bản làng vùng cao”.
 
Cuộc sống đang đổi thay từng ngày, hiện hữu trên nét mặt hân hoan của bà con các bản làng vùng cao. Xuân này, ĐBDTTS trên dãy Trường Sơn sẽ không còn lo đói ăn, đói mặc bởi họ đã từng bước làm chủ được kinh tế, làm chủ được chính cuộc sống của mình.
Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, sau 5 năm thực hiện chương trình 135 (chương trình giảm nghèo nhanh bền vững) giai đoạn 2016-2020, 100% xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa, trong đó 70% thôn, bản có trục đường giao thông được cứng hóa; hơn 85% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân hơn 5,58%/năm; thu nhập bình quân tại các bản vùng cao đạt 10 triệu đồng/người/năm.
Lan Chi