Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Người khai khoa làng khoa bảng Lý Hòa

  • 08:18 | Thứ Ba, 01/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dòng tộc họ Hồ làng Lý Hòa đã sinh ra ông Hồ Công Thăng (Hồ Văn Thăng), người có công lớn trong việc mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho các thế hệ con em làng biển Lý Hòa nói riêng, đất nước nói chung. Ông Thăng (1792-1868) là con cụ Hồ Công Quế, làng Lý Hòa, nay là xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
 
Xuất thân trong một gia đình nghèo làm nghề đánh cá biển, thuở nhỏ, ông Hồ Công Thăng đã học giỏi có tiếng trong làng. Năm Ất Dậu 1825, tức năm Minh Mạng thứ 6, ông thi đỗ cử nhân, trở thành người đỗ đạt đầu tiên của làng và sau đó, làm quan đến chức viên ngoại lang.
 
Cũng như một số nho sỹ lúc đó, ông không mặn mà với chốn quan trường, lại là người luôn đau đáu về quê hương, về dòng tộc, về sự học hành thua thiệt của làng quê, một làng biển nghèo bên cửa biển đa phần con em đều thất học. Ông đã không ngần ngại từ quan về nơi "chôn nhau cắt rốn" để thực hiện ý tưởng mở mang dân trí cho con em của làng. Về quê, ông đã mở lớp dạy học, lúc đầu là con cháu trong nhà, dần dần là các dòng họ trong làng và cả vùng lân cận.
 
Ông là người đặt nền móng đầu tiên cho việc học hành của làng thời bấy giờ. Ông là người chủ trì cùng một số nho sỹ của làng lập Hội "Khai trí". Đây là hội có quy mô nhỏ, sơ khai nhưng vô cùng ý nghĩa, có tác dụng to lớn đối việc vận động con em đến lớp học chữ. Phong trào học tập ở Lý Hòa càng ngày càng được nhân rộng; nhiều gia đình, nhiều con em khắc phục khó khăn theo học chữ.
 
Để tạo điều kiện cho việc học chữ và tiếp thu tư tưởng tiến bộ của đạo thánh hiền, năm 1832, ông Hồ Công Thăng vận động xây dựng Điện thánh thờ Khổng Tử. Việc truyền bá đạo thánh hiền qua những buổi học, ông Hồ Công Thăng đã đề cao vai trò của giáo dục, coi giáo dục, học vấn là con đường quan trọng để tạo bộ mặt mới cho làng quê và tạo nên bản sắc của con người Lý Hòa.
 
Hạt nhân tư tưởng của đạo Khổng mà thầy Hồ Công Thăng truyền dạy cho các môn sinh là lòng yêu thương con người, yêu thương quê hương, làng mạc... Bên cạnh dạy chữ, ông chú trọng việc dạy cho các môn sinh về lễ, nghĩa, trí, tín.
 
Chủ trương của ông là bình dân giáo dục, là coi trọng kinh thi, làm cho mọi người đoàn kết, bồi dưỡng đức hạnh cho con người, làm việc siêng năng, ham học, biết tự sửa mình... Đây được coi là chủ trương tiến bộ của ông trong bối cảnh một làng quê nghèo ven biển lúc ấy. Qua việc dạy chữ, dạy đạo thánh hiền, dạy làm người, ông đã phát hiện nhiều nhân tài, trong đó phải kể đến ông Nguyễn Duy Cần.
 
Ông Nguyễn Duy Cần đậu cử nhân năm 1841 và năm 1842, đậu tiến sỹ. Ông kế tục sự nghiệp của thầy Hồ Công Thăng, được triều đình chọn vào chức giáo tập Tôn học đường, là một trường học chuyên dạy con vua, cháu chúa. Cũng là dạy học, nhưng khác với thầy của mình, ông Duy Cần là người đào tạo ra những ông hoàng, bà chúa biết cách thương dân, yêu nước, lấy dân làm gốc, biết cách quản lý nhà nước theo hướng của Khổng Tử, Mạnh Tử.
 
Sau đó, ông được triều đình sung chức tế tửu Quốc Tử Giám, đây là chức vụ chủ trì về giáo dục, văn, lễ. Trường Quốc Tử Giám là trường đại học cao nhất ở các thời phong kiến, chuyên đào tạo nhân tài cho đất nước.
 
Cảm mến cậu học trò thông minh, có phẩm chất của một hiền sỹ, thầy Hồ Công Thăng đã gả con gái cho ông Nguyễn Duy Cần. Ông Nguyễn Duy Cần có con là Nguyễn Duy Miễn. Ông Miễn sinh 5 người con đều đỗ đạt làm quan, đều phát huy tinh thần hiếu học của ông cố ngoại Hồ Công Thăng và ông nội Nguyễn Duy Cần.
 
Đó là ông Nguyễn Duy Thắng (thi đậu phó bảng năm 1898), ông Nguyễn Duy Đồng (đậu cử nhân năm 1897), ông Nguyễn Duy Tích (đậu tiến sỹ năm 1900), ông Nguyễn Duy Ich (đậu hoàng giáp năm1907) và ông Nguyễn Duy Thiệu (đậu phó bảng năm 1910).
 
Như vậy, ông Hồ Công Thăng đã đào tạo nên 5 vị đại khoa của làng trong 8 vị của huyện Bố Trạch, 6 vị cử nhân trong 25 vị của huyện. Những đóng góp trực tiếp và gián tiếp của các thế hệ học trò của thầy giáo Hồ Công Thăng đối với lịch sử dân tộc, đối với đất nước đã được triều đình phong kiến và nhân dân ghi nhận, tôn vinh.
 
Làng Lý Hòa, một làng nhỏ bên cửa biển nổi tiếng về sự học, về khoa bảng là niềm tự hào không những của các dòng họ trong làng mà còn của Quảng Bình, của đất nước. Năm 1842, vua Thiệu Trị đã phong sắc cho thầy Hồ Công Thăng là "Khai khoa" và phong cho học trò Nguyễn Duy Cần là "Phát khoa". Triều đình sắc chỉ làng Lý Hòa là làng văn hiến và cho xây dựng công trình văn miếu để ghi nhận một làng khoa bảng của tỉnh, của đất nước, xây 2 miếu thờ ông Hồ Công Thăng và ông Nguyễn Duy Cần.
 
Sau đó, văn miếu của làng được đổi tên thành văn thánh thờ Khổng Tử và các môn sinh của ngài gồm các vị đại khoa, khai khoa, phát khoa. Văn thánh cũng là nơi mà hàng năm cứ đến ngày 15-9 âm lịch làng tổ chức giỗ Khổng Tử và tảo mộ 2 ông, làm lễ vinh quy bái tổ cho con cháu đỗ đạt. Ông Hồ Công Thăng mất năm 1868, được mai táng tại một vị trí đẹp của làng, được dựng bia, tấm bia bằng đá xanh, có 3 chữ Hán "Hồ tiên sinh".
 
Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã tàn phá biết bao di tích lịch sử của đất nước. Cùng với đình làng, các miếu thờ, văn thánh, nhà thờ, đền thờ ở Lý Hòa đều bị tàn phá, hủy hoại. Lăng mộ ông Hồ Công Thăng cùng nhiều lăng mộ khác đều chung số phận, bị bom đạn cày xới, mộ và văn bia bị vùi lấp. Sau chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, dòng họ và dân làng phục hồi, xây dựng lại các di tích bị tàn phá; miếu thờ 2 vị khai khoa và phát khoa được dựng lại trên nền cũ.
 
Họ Hồ và dân làng đưa hài cốt và xây dựng lại lăng mộ ông Hồ Công Thăng trong khuôn viên nhà thờ họ. Từ đó đến nay,  hàng năm, cứ đến ngày 15-9 âm lịch, theo truyền thống xưa, con cháu trong họ và bà con dân làng tổ chức lễ cúng Khổng Tử và tảo mộ 2 vị Hồ Công Thăng và Nguyễn Duy Cần, hai thầy trò, hai cha con đã làm rạng rỡ nền văn hiến của làng.
 
        Tạ Đình Hà