Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Kỳ vọng mới của thành phố biển

  • 08:47 | Thứ Tư, 28/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhưng thành phố biển Đồng Hới chỉ thực sự được “đánh thức” khi những công trình hạ tầng giao thông, du lịch được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và hiện đại. Những tòa tháp khách sạn, những con đường thênh thang, những hàng cây tỏa bóng… hiện hữu hôm nay đã trở thành “điểm nhấn” quan trọng trong hành trình "vươn vai" của Đồng Hới…
 
Ông Hoàng Ngọc Đan, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho biết, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố xem đây là kim chỉ nam để thực hiện các ưu đãi trong thu hút đầu tư phát triển du lịch và nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch bền vững.
 
Thành phố đã “bứt phá” trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và tập trung mạnh mẽ công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch triển khai các công trình, dự án trọng điểm phục vụ khách du lịch và nhu cầu của cư dân tại chỗ.
 
Điểm nổi bật trong 5 năm trở lại đây, TP. Đồng Hới đã huy động gần 22.500 tỷ đồng để đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, điện chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống thoát nước…, góp phần thay đổi đô thị theo hướng đồng bộ và hiện đại.
 
Ngoài trục giao thông Nam-Bắc, thành phố nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông đường xương cá kết nối các trục chính, đường ven biển, khu phố đi bộ, các tuyến đường, khu, điểm du lịch giúp khách du lịch có thể di chuyển đến các địa điểm dễ dàng. Đến nay, đường thảm nhựa, bê tông trên địa bàn thành phố chiếm 89% tổng số chiều dài đường giao thông đô thị. Cùng với đó, hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển, như: bãi tắm biển Bảo Ninh 2, Nhật Lệ, Quang Phú; bãi đỗ xe đường Trương Pháp, Nguyễn Hữu Cảnh...; hệ thống lan can công viên Nhật Lệ; khu du lịch phía Nam Bảo Ninh... 
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông trên địa bàn thay đổi đô thị theo hướng đồng bộ và hiện đại.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông trên địa bàn thay đổi đô thị theo hướng đồng bộ và hiện đại.
Những năm qua, để tăng tốc độ xây dựng hình ảnh thành phố và thúc đẩy phát triển kinh tế, Đồng Hới chú trọng xây dựng ánh sáng cảnh quan đô thị từ chiếu sáng công trình, góp phần thu hút, cải thiện tầm nhìn của toàn thành phố. Thành phố thực hiện chỉnh trang hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí, cổng điện led tuyên truyền tại các tuyến đường: Hùng Vương, Hữu Nghị và phía Tây cầu Nhật Lệ, Quách Xuân Kỳ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Trương Pháp... và thêm nhiều cụm đèn điện trang trí ở một số khu vực công cộng, cầu Nhật Lệ 1, cầu Nhật Lệ 2...
 
Theo ông Lê Công Kim, Giám đốc Trung tâm Công viên-Cây xanh Đồng Hới, quỹ đất thành phố không lớn, nhưng quy hoạch thành phố vẫn dành nhiều đất “vàng” để xây dựng công viên, quảng trường rộng rãi. Cây xanh, thảm cỏ được thiết kế thành 2 tầng với tán rộng trên cao cho bóng mát, tầng hoa cỏ sát mặt đất để không cản trở tầm nhìn ra biển. Hệ thống cây xanh, bồn hoa, công viên được trồng mới ở các tuyến đường và việc chăm sóc thảm cỏ, cây xanh tại các dải phân cách, đảo giao thông, công viên tạo cho bộ mặt thành phố khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Một số dịch vụ công ích đô thị trong trung tâm thành phố được đầu tư, bổ sung, nâng cao chất lượng tuyến đi bộ dọc bờ biển, tăng sức hút đối với cư dân và khách du lịch…
 
Tiềm năng dồi dào, giao thông cơ bản hoàn thiện, nhưng chỉ đến khi có sự xuất hiện của hàng loạt nhà đầu tư lớn với chiến lược phát triển hạ tầng du lịch bài bản, TP. Đồng Hới mới thật sự “lột xác”. Nhằm thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh du lịch của mọi thành phần kinh tế, thành phố xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi. Đặc biệt, thành phố khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu, nhất là các dự án khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng có của thành phố để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, tạo sự khác biệt hấp dẫn du khách.
 
Nhờ đó, nhiều công trình nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đẳng cấp, có quy mô lớn đã xuất hiện ở Đồng Hới, như: Sun Spa Resort, Khu Trung tâm thương mại, nhà phố shop-house; khách sạn Mường Thanh Luxury Nhật Lệ… Với sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn, như: Vingroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh, Tổng công ty Saigontourist, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh..., những làng chài ven biển đã chuyển mình thành“thiên đường” nghỉ dưỡng của thành phố.
Những công trình nhà hàng, khách sạn đẳng cấp, có quy mô lớn tại TP. Đồng Hới
Những công trình nhà hàng, khách sạn đẳng cấp, có quy mô lớn tại TP. Đồng Hới
So với 5 năm trước, các cơ sở lưu trú “mọc” lên với tốc độ nhanh và ngày càng đa dạng về loại hình, cung cấp dịch vụ tối đa cho nhu cầu tổng hợp và cao cấp của khách du lịch. Hiện nay, TP. Đồng Hới có 222 cơ sở lưu trú (trong đó có 116 khách sạn) với 5.235 phòng và hơn 9.500 giường (tăng trên 2.800 giường so với năm 2015). Nhiều khách sạn 4, 5 sao có quy mô với số lượng phòng lớn, như: Vĩnh Hoàng, Amanda, Thiên Đường, Royal, Vinpearl Đồng Hới…, đáp ứng nhu cầu cao về cơ sở lưu trú cho khách du lịch. Những khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển, những bãi biển trải dài tuyệt đẹp và rất nhiều những nhà hàng, quán ăn mọc lên san sát… đã để lại ấn tượng về một thành phố du lịch biển hiền hòa mà khác biệt. Bởi vậy, trước đây, cảnh “cháy phòng” vào mỗi dịp nghỉ lễ là “niềm mong ước” của TP. Đồng Hới, thì nay đã trở thành hiện thực.
 
Minh chứng rõ nét, năm 2015, tổng lượt khách du lịch đến Đồng Hới đạt trên 1.100.000 lượt người thì đến nay đã đón xấp xỉ gần 2.000.000 lượt khách; trong đó, khách quốc tế trên 149.000 lượt người, tăng 1,7 lần so với năm 2015.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan, những tín hiệu vui của du lịch Đồng Hới không phải tự nhiên mà có, đó là cả một quá trình nỗ lực trong việc thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá và phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh nói chung và của thành phố nói riêng. Qua đó, thể hiện rõ sự quyết tâm, sức mạnh đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đưa Đồng Hới trở thành “thành phố du lịch”.
 
Trong tương lai, TP. Đồng Hới phấn đấu xây dựng đô thị biển không chỉ đẹp, trong lành mà phải là “điểm đến” an toàn, thân thiện và chất lượng cao. Mục tiêu của du lịch chất lượng cao không đơn giản chỉ là đáp ứng một cách hợp lý nhu cầu của du khách về các sản phẩm, dịch vụ mà phải đặt ra tiêu chí để vươn tới những dịch vụ, sản phẩm cao cấp, thực sự phải trở thành thương hiệu du lịch quốc gia và khu vực.
 
Thùy Lâm