Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bố Trạch-nơi gặp gỡ của du khách bốn phương

  • 08:46 | Thứ Tư, 28/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được thiên nhiên ban tặng tiềm năng, lợi thế với nhiều cảnh quan tươi đẹp, quê hương miền di sản Phong Nha-Kẻ Bàng còn được biết đến với người dân hiền hòa thân thiện, mến khách. Những năm qua, ngành du lịch nơi đây khởi sắc đã mang lại lợi ích không chỉ cho người dân bản địa mà còn làm phong phú thêm cho hệ thống sản phẩm du lịch của Quảng Bình. Có thể nói, phát triển du lịch đã kiến thiết được nhiều vùng nông thôn ở Bố Trạch trở thành những "miền quê đáng sống" và là nơi gặp gỡ hấp dẫn, thu hút sự chú ý của du khách bốn phương.
 
Nói về quá trình phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nhiệm kỳ qua và trong tương lai, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Đinh Hữu Thành khẳng định: Là quê hương di sản, có rừng và biển, Bố Trạch đang là điểm thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm các dịch vụ du lịch hấp dẫn. Khó có thể kể hết những các khu, tuyến, điểm du lịch có thương hiệu ở Bố Trạch, như: khám phá 1.500m vào động Phong Nha, động Thiên Đường, Rào Thương-Hang Én, tuyến du lịch đu dây Zipline, khám phá sông Chày-hang Tối; khám phá hang hang Over, hang Pygmy, công viên Ozo, tour du lịch khám phá Sơn Đoòng (hang động lớn nhất thế giới) với lộ trình mới 4 ngày 3 đêm...
 
Trong bức tranh đa sắc màu về du lịch trên quê hương di sản, du lịch cộng đồng homestay, farmstay cũng ngày càng phát triển mạnh, tạo ra những điểm nhấn thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Các mô hình: Son Doong bungalow, Phong Nha farmstay, Jungle Boss homestay, Phong Nha Lake house… luôn làm hài lòng du khách. Hiện nay, đã có hơn 68 nhà nghỉ cộng đồng hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện. Nhiều mô hình homestay thực sự tạo thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho mọi du khách, đáp ứng nhu cầu lưu trú cũng như khám phá, tìm hiểu phong tục, tập quán người dân bản địa của du khách thập phương.
 Du khách rất hài lòng, thú vị khi khám phá cảnh đẹp thiên nhiên ở Bố Trạch.
Du khách rất hài lòng, cảm thấy thú vị khi khám phá cảnh đẹp thiên nhiên ở Bố Trạch.
Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH lữ hành Jungle Boss cho hay: “Hiện, công ty khai thác các tuyến du lịch, như: hang Trạ Ang, thung lũng MaDa, hang Voi, hang E, hang Hổ, hang Pygmy (Phong Nha-Kẻ Bàng)... thu hút du khách, chủ yếu là người nước ngoài. Các du khách rất hài lòng, thú vị khi khám phá cảnh đẹp thiên nhiên và được phục vụ với các dịch vụ chu đáo nơi đây. Nhiều đoàn khách đã từng đến và quay trở lại... Nếu như trước đây người dân quanh vùng Phong Nha-Kẻ Bàng sống nhờ vào nông nghiệp và phụ thuộc vào rừng, thì nay, việc làm không thiếu với thu nhập ổn định khi các dịch vụ du lịch rất cần có lao động địa phương”.
 
Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Đinh Hữu Thành, Bố Trạch đã hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, như: du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo tồn; du lịch văn hóa-lịch sử. Đặc biệt, việc phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn luôn được huyện quan tâm, giữ gìn. Trong năm 2019, nghệ thuật Bài chòi của khu vực miền Trung đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; lễ hội Cầu ngư của tỉnh Quảng Bình, lễ hội Đập trống của đồng bào Macoong được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 
Bên cạnh việc duy trì các sản phẩm du lịch truyền thống, các đặc sản làng nghề truyền thống, Bố Trạch đã thành lập được 4 CLB nghệ thuật truyền thống. Các CLB đã và đang hoạt động khá hiệu quả thông qua việc biểu diễn phục vụ người dân địa phương và du khách đến tham quan huyện Bố Trạch, góp phần tuyên truyền nhiệm vụ chính trị-xã hội, khơi dậy trong mỗi người dân tình yêu quê hương và ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.
 
Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở các miền tiếp tục được nhân dân địa phương gìn giữ, như: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son, sông Lý Hòa; múa bông, chèo cạn, lễ hội Cầu ngư ở Nhân Trạch, Thanh Trạch... Ðây chính là nét văn hóa đặc trưng làm phong phú thêm sản phẩm du lịch.
 
Trên các vùng đất gò đồi rộng lớn của huyện, người dân Bố Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những vùng đất trống khô cằn thành vùng cây nguyên liệu, cây ăn quả, hoa tứ mùa... trù phú, trông như những “miệt vườn”. Đã có nhiều nông sản có giá trị để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Tương lai không xa, đây sẽ là một trong những điểm đến trong hành trình khám phá vẻ đẹp của Bố Trạch, tạo sức hấp dẫn đặc biệt giữa miền đất “gió Lào, cát trắng” với du khách.
 
Ngược xuống miền “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, vào mùa cao điểm từ tháng 4 đến tháng 8, tại các bãi tắm, như: Đá Nhảy, Nhân Trạch, Trung Trạch, Đức Trạch, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, vui chơi, tắm biển và thưởng thức các loại hải sản. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại đây đang tiến hành tu sửa, đầu tư mở rộng quy mô để thu hút du khách và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trên vùng gò đồi ở Bố Trạch, hình thành những “miệt vườn” hoa quả trù phú.
Trên vùng gò đồi ở Bố Trạch, hình thành những “miệt vườn” hoa quả trù phú.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn Bố Trạch có hơn 170 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 1.600 phòng và gần 3.400 giường, tăng 90,6% so với năm 2016; có 8 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Trạch, Cự Nẫm, Hưng Trạch, Thanh Trạch. Trong giai đoạn 2016-2020, Bố Trạch đã đón gần 4 triệu lượt khách đến du lịch; tổng doanh thu du lịch đạt 1.132 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 9,7%.
 
Du lịch ở Bố Trạch từng bước khẳng định là hướng đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội. Hơn thế, ngành “công nghiệp không khói” tạo ra việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều lao động và làm thay đổi diện mạo các vùng quê trên địa bàn. Trong 5 năm, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 3.780 lao động; nâng mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng 3,8 triệu đồng, năm 2020 đạt 48,1 triệu đồng/kế hoạch 48 triệu đồng, tăng gần 1,7 lần so với 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,74% cuối năm 2015 xuống còn 3% vào cuối năm 2020.
 
“Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có trên các vùng quê, cấp ủy, chính quyền và người dân sẽ chung tay, khai thác hiệu quả nguồn lực để tiến xa hơn trên chặng đường phát triển, xây dựng Bố Trạch thành trung tâm du lịch, làm điểm đến, nơi gặp gỡ hấp dẫn, lý tưởng cho du khách bốn phương và làm đổi thay tích cực diện mạo, cuộc sống của người dân trên quê hương di sản.”, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Đinh Hữu Thành nhấn mạnh.
                                                                                                Hương Trà