Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Từ "hạt giống đỏ" cách mạng Đại tướng gieo…

  • 07:39 | Thứ Ba, 01/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, chàng thanh niên yêu nước Võ Nguyên Giáp chính là người đã gieo những “hạt giống đỏ” đầu tiên, giúp phong trào đấu tranh cách mạng lan rộng ra cả huyện, tỉnh, góp phần làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi.
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người gieo những
Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người gieo những "hạt giống đỏ" cách mạng đầu tiên trên quê hương Lộc Thủy. (Ảnh tư liệu)
Những năm 30 của thế kỷ trước, cùng chung cảnh ngộ với người dân cả nước, người dân xã Lộc Thủy phải chịu sự kìm kẹp hà khắc, bóc lột của thực dân phong kiến. Về kinh tế, chúng chiếm gần như toàn bộ diện tích đất công, biến người nông dân thành những người làm thuê trên mảnh ruộng của mình với ngày công rẻ mạt. 
 
Về chính trị, chúng không cho ta một chút quyền tự do dân chủ nào. Thực dân Pháp còn thực hiện chính sách ngu dân, đầu độc dân ta bằng thuốc phiện và các hoạt động mê tín dị đoan… Chính chế độ cai trị tàn bạo đó là nguyên dân tạo nên sự phản kháng, lòng căm thù giặc trong mỗi người dân.
 
Lúc đó, người thanh niên yêu nước Võ Nguyên Giáp đang theo học tại Trường Quốc học-Huế, được đồng chí Nguyễn Chí Diểu dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng. Tháng 4-1927, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về quê, ông liên lạc với một nhóm thanh niên yêu nước ở làng An Xá gồm: Đào Viết Doãn, Võ Hoàng, Võ Hựu… cung cấp các loại sách báo tiến bộ, tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước cho thanh niên, học sinh, nông dân tiến bộ. Sau đó, nhóm người này liên lạc với các lực lượng yêu nước ở các làng khác thành lập nhóm đọc sách báo tiến bộ và lấy chùa An Xá làm nơi liên lạc dưới sự theo dõi, định hướng của đồng chí Võ Nguyên Giáp.
 
Các loại sách báo tiến bộ như: Tiếng Dân, An Nam, Người cùng khổ và quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc cùng các tài liệu của Đảng được bí mật chuyền tay nhau trong quần chúng. Được nhân dân ủng hộ, nhóm thanh niên yêu nước này đã tổ chức cho quần chúng đứng dậy đấu tranh với bọn cường hào, hương lý, thành lập các tổ chức chính trị. Phong trào cách mạng đang phát triển thì bọn thực dân Pháp phát hiện, lùng sục, bắt bớ khiến các tổ chức phải chuyển qua hoạt động bí mật.
 
Tháng 6-1936, đồng chí Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội về gặp đồng chí Đào Viết Doãn và nhiều đồng chí khác để truyền đạt chủ trương của Đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương từ hoạt động bí mật sang hoạt động công khai, bán công khai với nhiều hình thức đấu tranh mới; đồng thời, giới thiệu đồng chí Đào Viết Doãn, Võ Văn Quyết vào Huế gặp đồng chí Phan Đăng Lưu, một cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ để lĩnh hội các phẩm chất cách mạng. 
 
Trở về quê, hai đồng chí đã bí mật tổ chức hội nghị nhằm thống nhất tổ chức, chương trình hành động cách mạng, thành lập ban liên lạc và truyền đạt các tinh thần, nghị quyết của Trung ương Đảng, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng lan rộng ra nhiều nơi trong huyện.
Chùa An Xá là một trong những nơi hoạt động cách mạng những năm 1930-1945.
Chùa An Xá là một trong những nơi hoạt động cách mạng những năm 1930-1945.
Năm 1937, đồng chí Đào Viết Doãn đã vận động và thành lập Trường Thành Chung đặt tại làng An Xá và được đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp hướng dẫn phương thức hoạt động. Hầu hết giáo viên đều là đảng viên với 3 lớp học và khoảng 100 học sinh là con em trong xã và các vùng lân cận. Ngoài học văn hóa, học sinh còn được truyền đạt tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng. Sau thời gian 3 năm hoạt động, trường phải đóng cửa do thực dân Pháp cấm đoán. 
 
Từ ngôi trường này, đã có nhiều học sinh thành đạt, sau này giữ các chức vụ quan trọng của tỉnh và đất nước. Tháng 5-1938, Đảng ta có chủ trương thành lập Hội truyền bá quốc ngữ nhằm dạy cho toàn dân. Từ đó, các lớp học công khai tiếp tục được mở ra do chính thầy và trò Trường Thành Chung giảng dạy.
 
Ông Lê Trung Hân, 85 tuổi, ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy kể lại: “Ngày đó, bọn trẻ chúng tôi theo học chữ quốc ngữ nhiều lắm. Ở lớp, các thầy không những dạy chúng tôi biết chữ mà còn truyền tinh thần yêu nước, cách hoạt động cách mạng. Khi đọc, viết thành thạo, mọi người tìm các sách báo tiến bộ đọc say sưa rồi tiếp tục thành lập thêm nhiều nhóm đọc sách báo. Lớp học còn là nơi sinh hoạt của quần chúng, cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng. Khi học xong, chúng tôi tiếp tục đi dạy bình dân học vụ và theo các thầy, các anh đi hoạt động cách mạng”.
 
Phong trào cách mạng ngày đó càng phát triển. Tổ chức Việt Minh cũng đã được hình thành để lãnh đạo các phong trào đấu tranh. Từ năm 1945, nhân dân trong toàn huyện chuyển bị gậy gộc, giáo mác và lĩnh hội các tư tưởng cách mạng. Ông Võ Xuân Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy cho biết: “Từ khi đồng chí Võ Nguyên Giáp mang lý tưởng cách mạng về truyền cho nhóm thanh niên yêu nước tại làng An Xá, Tuy Lộc, nơi đây đã trở thành trung tâm của phong trào đấu tranh cách mạng cả huyện, tỉnh. Từ đây, phong trào lan sang vùng giữa, liên kết với Trung Lực, Mỹ Thổ, Hòa Luật Bắc tạo thành cao trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa thắng lợi trong toàn huyện”.
 
Trải qua 75 năm sau ngày giành được độc lập, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc Thủy vẫn thể hiện tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra. Ông Bùi Hữu Tứ, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân toàn xã luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Từ đó, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân ngày càng được quan tâm, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. An ninh-quốc phòng trên địa bàn tiếp tục được giữ vững, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể đạt được nhiều kết quả tích cực”.
 
Hiện nay, tổng diện tích cây trồng hàng năm toàn xã Lộc Thủy đạt trên 593ha, sản lượng lương thực đạt bình quân hàng năm trên 5.600 tấn. Toàn xã có 8 gia trại chăn nuôi, 158 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 244 cơ sở thương mại dịch vụ thu hút hàng trăm lao động. Xã cũng đang trên đà xây dựng nông thôn mới nâng cao. Toàn xã chỉ còn 2,29% hộ nghèo…
 
Xuân Vương