Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tự hào vùng quê cách mạng

  • 07:01 | Thứ Tư, 02/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Thanh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Chi bộ Lộc Điền ra đời (1-1937) đã lãnh đạo nhân dân địa phương đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Trải qua chặng đường dài lịch sử, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, Đảng bộ và nhân dân Quảng Thanh hôm nay đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đổi mới.
 
Truyền thống cách mạng vẻ vang
 
Quảng Thanh là xã thuộc vùng Nam huyện Quảng Trạch. Thời kỳ trước và trong cách mạng tháng Tám 1945, nhờ ở vị trí đặc biệt nơi có giao thông đường thủy, đường bộ nên Quảng Thanh là nơi giao lưu của nhiều vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Nơi đây từng ghi dấu sự ra đời và hoạt động của Chi bộ Lộc Điền, một chi bộ Đảng có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo và phát triển phong trào cách mạng của huyện Quảng Trạch.
 
Tháng 1-1937, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Đoan và đồng chí Nguyễn Văn Huyên, đồng chí Lê Tú đã triệu tập hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Lộc Điền (bí danh Chi bộ Trị) tại nhà ông Võ Đối. Trong hội nghị thành lập, Chi bộ Đảng đã bầu đồng chí Lê Tú làm Bí thư, đồng chí Ngô Quốc Sự phụ trách dân vận, đồng chí Ngô Đăng Long phụ trách thanh niên vận. Sau khi thành lập, Chi bộ Lộc Điền đã ra sức lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân Quảng Thanh đứng lên đấu tranh cướp chính quyền, chống giặc ngoại xâm.
Đình làng Lộc Điền nơi ghi dấu sự hoạt động của Chi bộ Lộc Điền.
Đình làng Lộc Điền nơi ghi dấu sự hoạt động của Chi bộ Lộc Điền.
Đầu tháng 8-1945, Chi bộ đã tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ, rèn đại đao, kiếm...làm vũ khí, đồng thời chọn nhiều thanh niên trai tráng gia nhập đội chiến sỹ tự vệ ở căn cứ Trung Thuần. Công tác chuẩn bị khởi nghĩa được Chi bộ chuẩn bị khẩn trương. Lực lượng phụ nữ trong xã vận động chị em nấu nước chè, bánh đa để phục vụ đoàn khởi nghĩa từ chiến khu Trung Thuần về và các nơi khác đến.
 
Mờ sáng ngày 23-8, các đoàn biểu tình của quần chúng nhân dân trong Mặt trận Việt Minh được chia làm ba mũi tiến về phủ lỵ. Họ mang theo băng cờ, gươm dao, giáo mác, gậy gộc ào ào kéo vào phủ lỵ hô vang khẩu hiệu "Đả đảo phát xít Nhật Pháp", "Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim", "Ủng hộ Mặt trận Việt Minh". Trước khí thế hừng hực của nhân dân, tri phủ và bọn tay sai phải xin đầu hàng.
 
Đến sáng ngày 23-8-1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động Quảng Trạch, lúc này, Ủy ban nhân dân lâm thời huyện Quảng Trạch ra mắt trước đông đảo quần chúng nhân dân và chính thức thông báo sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ thực dân phong kiến. Sáng ngày 24-8-1945, đoàn biểu tình của Quảng Thanh đã kéo đến nhà các lý trưởng thu hồi ấn triệu và toàn bộ sổ sách cho cán bộ Việt Minh.
 
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quảng Thanh cũng đã phát huy truyền thống cách mạng và lập những chiến công vẻ vang. Với những thành tích xuất sắc trong phong trào cách mạng, xã Quảng Thanh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” vào năm 2002.
 
Vươn lên đổi mới
 
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Thanh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và giành được những thành tựu quan trọng. Bộ mặt của xã Quảng Thanh có nhiều thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
 
Quảng Thanh là xã thuần nông, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp của người dân còn nhiều khó khăn do diện tích đất canh tác tương đối ít, nguồn nước lại phụ thuộc vào thiên nhiên. Dù khó khăn nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, nhân dân Quảng Thanh đã biết tìm tòi những ngành nghề khác để nâng cao thu nhập. Chính nhờ vậy mà ngày nay, các ngành nghề như: mộc, nề, làm bún, bánh và các loại dịch vụ buôn bán...phát triển tương đối mạnh ở Quảng Thanh.
 
Ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: Xác định tiểu thủ công nghiệp là một trong những ngành nghề mũi nhọn của địa phương, những năm qua, xã đã tập trung quan tâm phát triển các ngành nghề, đặc biệt là xây dựng thương hiệu làng nghề bánh mè xát Tân An, thôn Tân An.
 
Bà Phan Thị Cẩm Tú, Chủ nhiệm HTX làng nghề bánh mè xát Tân An cho biết: HTX chủ yếu sản xuất tất cả các loại bánh từ gạo như: bánh mè xát, bánh cuốn ram, bánh cuốn rau, bánh tráng. Để nâng cao chất lượng và năng suất, HTX đã trang bị thêm các máy móc để làm bánh. Trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất khoảng 3.000 bánh mè xát và 20.000 bánh ram, cuốn các loại. Bên cạnh sản xuất các loại bánh, HTX còn là đầu mối thu mua sản phẩm bánh tráng cho bà con trong vùng, qua đó, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm bánh mè xát truyền thống của địa phương.
 
Với sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, đến nay, sản phẩm bánh mè xát Tân An đã trở thành 1 trong 2 sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình trong các năm 2016, 2018.
 
Cùng với sản phẩm bánh mè xát Tân An, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển, tạo việc làm cho lao động và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Hiện nay, xã có 240 hộ kinh doanh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và 360 hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ tổng hợp làm ăn có hiệu quả. Năm 2019, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp nông thôn tăng trưởng khá, chiếm 75% tổng thu nhập địa phương, tăng 6% so với năm 2018.
 
Có thể nói, 83 năm sau ngày thành lập Chi bộ Lộc Điền, Đảng bộ và nhân dân Quảng Thanh đã hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển. Tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng đó, Quảng Thanh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trên con đường đổi mới.
 
Đ.N