Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những cánh chim Mơ Leng không mỏi - Bài 2: Dang rộng đôi cánh đại bàng

  • 08:00 | Thứ Hai, 21/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thế hệ những đảng viên kỳ cựu, người già uy tín trong cộng đồng người Mã Liềng thời hạ sơn, xây dựng các điểm bản ĐCĐC được tiếp nối bởi lớp con cháu ưu tú, được Đảng bồi dưỡng, rèn luyện đủ sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chèo lái giúp đồng bào có cuộc sống ngày một ấm no hơn. Họ được ví như chim đại bàng dang rộng đôi cánh giữa núi rừng phía Tây huyện Tuyên Hóa.
 
Từ trung tâm xã Lâm Hóa ngược ra Bắc khoảng chừng 6 cây số, phía bên phải đường Hồ Chí Minh là bản Cáo. Những ngôi nhà của đồng bào Mã Liềng nằm san sát nhau, quần tụ giữa màu xanh no ấm cạnh con suối nhỏ phía đầu nguồn dòng Gianh.
 Những học sinh Mã Liềng, thế hệ tương lai kế thừa cha anh đi trước, tiếp tục bay cao, bay xa hơn về phía chân trời no ấm, hạnh phúc.
Những học sinh Mã Liềng, thế hệ tương lai kế thừa cha anh đi trước, tiếp tục bay cao, bay xa hơn về phía chân trời no ấm, hạnh phúc.
Năm 1993, nghe theo Đảng, dưới sự dìu dắt của trưởng bản Phạm Bá Nghĩa có 6 hộ đồng bào Mã Liềng rời “rừng thiêng, nước độc” ở bản Cáo cũ ra bám mặt đường lập bản Cáo mới gồm Phạm Bá Nghĩa cùng con gái Phạm Thị Lâm, Hoàng Thị Quy, Phạm Văn Thiền, Hồ Văn Bình, Phạm Thị Lựu.
 
Cuộc sống tại bản mới ban đầu gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, trong đó trở ngại lớn nhất là đồng bào sinh sống trong những ngôi nhà “rập khuôn” xây sẵn, xa lạ với tập quán sinh hoạt truyền thống của mình. Nhiều hộ gia đình bỏ bản mới vào lại bản Cáo cũ, sống du canh, du cư, săn bắt, hái lượm. Đến năm 1998, bản Cáo mới chỉ còn lại 4 hộ dân.
 
Cuộc vận động di dân bắt đầu tái khởi động vào năm 2003, 16 hộ dân nghe theo Đảng trở về bản mới. Đến năm 2006, cuộc di dân kết thúc khi 2 hộ đồng bào cuối cùng là Phạm Liễu, Phạm Đoong quay ra cùng cộng đồng. Cuộc vận động di dân thắng lợi có vai trò không nhỏ của nữ trưởng bản Phạm Thị Lâm, một đảng viên ưu tú, “hạt giống đỏ” trong cộng đồng người Mã Liềng.
 
Chị Phạm Thị Lâm tiếp nhận chức trưởng bản từ bố mình là ông Phạm Bá Nghĩa vào năm 1999. Tháng 12-2002, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng, lúc này trách nhiệm của chị trước Đảng, trước đồng bào ngày càng nặng nề hơn.
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Lâm vẫn nhớ như in lần trở lại bản Cáo cũ tìm dân, chị đã khóc khi dân không chịu quay về. Nữ trưởng bản ghé nhà Hồ Hĩm, một người già uy tín trong cộng đồng, chị hỏi ông: “Trong nhà còn con trâu, con bò nào không?”. Hồ Hĩm lắc đầu, trách ngược lại: “Ơ, mắt cán bộ sáng hơn dân chơ. Nhìn thì biết chứ hỏi làm chi!”.
 
Biết Hồ Hĩm trách, như cái bụng người Mã Liềng chưa an yên với những ngôi nhà nơi bản mới, chị bảo: “Về sát bên đường, bà con được nhận chế độ, nhận trâu, bò, nhận đất rừng sản xuất từ Nhà nước hỗ trợ, răng không ưng!”. Hồ Hĩm lật ngược bàn chân chai sạn vì một đời bám núi, bám lèn: “Già chỉ có đôi chân trần này thôi! Sống ở rừng quen rồi. Rừng là nhà mình mà”.
 
“Nhưng mai mốt Nhà nước cấm cửa rừng, lấy gì mà ăn?”. Nữ trưởng bản hỏi lại. Già Hồ Hĩm im lặng, ánh mắt buồn rưng rưng. Biết cái bụng già Hồ Hĩm xuôi xuôi, chị mừng. Mấy hôm sau, không biết Hồ Hĩm tuyên truyền, vận động thế nào, bà con theo ông quay ra bản mới.
   Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cáo Phạm Thị Lâm-
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cáo Phạm Thị Lâm-"hạt giống đỏ" trong cộng đồng người Mã Liềng.
 
Bây giờ bản Cáo có dân số ổn định gồm 44 hộ, 175 nhân khẩu, chị Cao Thị Lâm kiêm thêm chức Bí thư Chi bộ bản. Năm 2013, chị Lâm thay mặt cho người dân bản Cáo nhận bảo vệ hơn 230 ha rừng. Ngoài ra, mỗi hộ đồng bào được giao từ 0,5 ha đến 3 ha đất để trồng rừng. Có rừng, đồng bào giữ rừng như giữ ngôi nhà mình, đoạn tuyệt với việc phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy và canh tác theo kiểu “chặt, đốt, cốt, trỉa”.
 
Nhiều hộ dân đời sống ổn định hơn từ rừng và kinh tế rừng. Từ phong trào chăn nuôi do chính chị Phạm Thị Lâm khởi xướng ngày đầu tiên về bản mới ĐCĐC, đến nay, bản Cáo sở hữu đàn gia súc gồm 60 con bò, 20 con trâu, nhà nào cũng nuôi được trâu bò.
 
“Là đảng viên, Bí thư, Trưởng bản, chị luôn tâm niệm phải luôn gương mẫu, lúc nào cán bộ cũng phải đi trước để làng nước theo sau. Với đồng bào, lòng tin luôn luôn đặt lên hàng đầu, dân tin thì dân mới nghe và làm theo”-chị Phạm Thị Lâm chia sẻ.
 
Tạm biệt bản Cáo và chị Phạm Thị Lâm, chúng tôi bám theo đường Hồ Chí Minh ra với xã Lâm Hóa, đến bản Cà Xen. Bản Cà Xen được xem là bản ĐCĐC thành công nhất của cộng đồng Mã Liềng ở hai xã Thanh Hóa và Lâm Hóa. Ngoài hơn 4ha lúa nước và diện tích trồng các loại cây ngắn ngày, bà con đã biết sản xuất theo kiểu nông-lâm kết hợp. Tận dụng nguồn nước, nhiều hộ đào ao, thả cá, trồng lạc, đậu xanh, gia đình nào cũng nuôi trâu, bò, gia cầm. Toàn bản có 44 con bò và 25 con trâu.
 
Đến nay, cơ sở hạ tầng điện đường, trường, trạm của bản Cà Xen được đầu tư đồng bộ, khang trang. Từ chỗ du canh, du cư, sống trong hang đá ở các vùng Ma Đao, Rưng Rưng, Cà Dàn, Quạt…, hiện tại, bản mới Cà Xen hình thành với 2 khu vực dân cư Cà Xen và Bạch Tài gồm 57 hộ, 187 nhân khẩu.
 
Người Mã Liềng bản Cà Xen ví ba anh em ruột Hồ Quang (SN 1979), Hồ Văn Thanh (SN 1983) và Hồ Chí Thành (SN 1985) như những cánh chim đại bàng đầy sức sống. Bản Cà Xen có 7 đảng viên dân tộc thiểu số thì ba anh em Quang, Thanh, Thành đều vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng, cùng với những cán bộ trẻ khác như Hồ Thị Hồng, Hồ Bợt đủ sức chèo chống giúp đồng bào Mã Liềng trong bản trân quý những gì Đảng, Nhà nước hỗ trợ, từ đó, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
 
Như lời Hồ Bợt chân thành: “Trước năm 1993, gia đình ở Quạt, ngày ngày bám rừng mà tài sản quý nhất chỉ có một con dao rựa. “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, bây giờ về đây, gia đình có ruộng lúa nước, có đất rừng, nuôi được trâu bò, sắm cả máy cày. Cuộc sống khấm khá dần lên, cái ăn, cái mặc hàng ngày đều bảo đảm”.
 
Hồ Chí Thành tuổi trẻ, năng nỗ, nhiệt tình, đang giữ chức Bí thư Chi bộ bản Cà Xen. Thành bảo rằng, để người dân tin, làm theo thì bản thân phải làm trước, nói sau, làm được mới nói được. Bởi vậy, đồng bào ai ai cũng quý trọng Thành. Đơn cử, hôm chúng tôi đến bản, gặp lúc Bí thư Chi bộ Hồ Chí Thành cùng Hồ Văn Thanh, Chi hội trưởng Chi hội CCB; Hồ Thị Hồng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ và Hồ Bợt, công an viên đang họp bàn về việc giao phân bón, giống ngan, giống mít Thái Lan cho bà con. Công việc “có lớp, có lang”, dựa theo danh sách tên hộ dân đăng ký, vào sổ sách cẩn thận, khoa học… dân bản nhận cây, con giống ai cũng phấn khởi.
 
Tròn 100 năm kể từ ngày đầu tiên phát hiện người Mã Liềng sống giữa rừng dọc biên giới Việt- Lào và 20 năm hành trình hạ sơn trong sự nghiệp đổi mới của quê hương đất nước, người Mã Liềng phía Tây huyện Tuyên Hóa thực sự đã tạo lập cho mình một cuộc sống mới. Dù cuộc sống mới đó vẫn còn nhiều gian khó, thử thách nhưng cộng đồng Mã Liềng không bao giờ đơn lẻ, đuối sức bởi có sự trợ giúp kịp thời từ Đảng và Nhà nước.
 
Những cánh chim Mơ Leng sẽ kế thừa nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác tiếp tục bay cao, bay xa hơn về phía chân trời no ấm, hạnh phúc.
 
Nhóm PV Phòng Bạn đọc