Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Người Trung Nghĩa

  • 07:38 | Chủ Nhật, 06/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, ở phía bắc Lý Chính Đại Quan môn có một quai thành bảo vệ nhằm ngăn quân Trịnh vượt sông đánh vào hệ thống Lũy Thầy. Về sau, những người lính giữ quai thành này định cư, khai khẩn ruộng đồng lập nên làng Trung Nghĩa (xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới). Cho dù trải qua biến thiên của lịch sử, thì người Trung Nghĩa vẫn giữ nguyên hào khí cha ông để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
 
Chuyện xưa, tích cũ
 
Theo cuốn sách “Đào Duy Từ với Lũy Thầy” của nhà nghiên cứu Nguyễn Tú và “Lịch sử Đảng bộ xã Nghĩa Ninh”, thì ở phía bờ bắc trước mặt Lý Chính Đại Quan môn (Võ Thắng quan, thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) có một quai thành bảo vệ nhằm ngăn quân Trịnh vượt Rào Lũy áp vào cửa quan.
 
Ở đây, có một con mương bảo vệ quai thành, được gọi là mương Cá, nhưng kỳ thật trước đó, người ta gọi là Mang Cá-vì nó bí ẩn như mang cá. Đội quân trấn giữ quai thành được chọn lựa rất kỹ càng, họ phải tinh thông võ nghệ, sử dụng thành thạo các loại binh khí, bởi vì sau khi tiêu hao sinh lực đối phương thì được phép rút vào rừng, phân tán đánh phía sau lưng quân địch.
 
Khi quân Trịnh rút lui thì quay về giữ quai thành để bảo vệ cửa quan an toàn. Do trung thành với Chúa Nguyễn nên đội quân này được gọi là “Trung Nghĩa đội” do ông Đào Hữu Nghĩa chỉ huy. Về sau, họ định cư, khai khẩn đất đai, lập làng thì đổi tên “Trung Nghĩa đội” thành “Trung Nghĩa thôn” (nay là thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới).
   Ông Đào Hữu Khuyến, Trưởng tộc họ Đào Hữu thắp hương cho tổ tiên tại đình làng Trung Nghĩa.
Ông Đào Hữu Khuyến, Trưởng tộc họ Đào Hữu thắp hương cho tổ tiên tại đình làng Trung Nghĩa.
Các bậc cao niên còn cho rằng, vùng đất phía tây và tây bắc làng Trung Nghĩa còn có những địa điểm mang tên “Dinh Mã” (đội kỵ binh), “Dinh Tượng” là nơi voi ở, “Dinh Lừa” là chỗ của lực lượng hậu cần vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí bằng lừa, trâu, bò hay “Giếng Đồn”… Đó là các dấu tích của những đội quân Chúa Trịnh lưu trú trong những lần tiến chiếm phương Nam về sau trở thành tên gọi lưu truyền trong dân gian.
 
Theo ghi chép từ gia phả các dòng tộc thì người dân làng Trung Nghĩa có nguồn gốc từ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, trong đó có những họ chính như: Đào, Lê, Trần, Phạm, Nguyễn, Đặng, Đoàn... Riêng họ Đào được cho là một chi của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, sau này chia làm 3 nhánh là Đào Hữu, Đào Văn, Đào Viết.
 
Trải qua biến thiên của lịch sử, vùng đất này vốn có các tên gọi khác nhau như là Chính Thủy (Chính Thỉ), Trung Kiển, Trung Nghĩa. Nhưng tên làng Trung Nghĩa được người dân gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
 
Ông Đào Hữu Khuyến, Trưởng tộc họ Đào Hữu ở thôn Trung Nghĩa 3 cho biết: Dòng họ vào định cư sớm nhất ở làng Trung Nghĩa là họ Đào, vì vậy, trong dân gian và các dòng họ cùng sinh sống nơi đây đều xác nhận Thành hoàng có sắc phong “Đào Đại lang chi thần” Đào Thế Đạo, thủy tổ họ Đào làng Trung Nghĩa.
 
Tương truyền, sau này, đến thế hệ thứ 4, để có thêm diện tích canh tác cho người dân, đặc biệt là đất trồng lúa nước, Thành hoàng đã báo mộng cho ông Đào Hữu Nghĩa khai khẩn thêm đất đai, mở rộng làng mạc, vườn tược để Trung Nghĩa ngày càng trù phú.
 
Đi giữa cánh đồng Hói Đâu, ngóng về Võ Thắng quan phía bên kia Rào Lũy, có lẽ ký ức về các bậc tiền nhân đang ùa về như nhắn nhủ với ông Đào Hữu Khuyến và hậu thế tiếp tục bồi đắp, tạo dựng cho vùng đất này.
 
Mảnh đất tình người
 
Làng Chính Thủy, danh xưng này có từ năm 1555 và được tiến sỹ Dương Văn An nhắc đến trong sách “Ô Châu cận lục”, như vậy tính đến nay đã hơn 460 năm. Trong thời gian đó, mảnh đất này đã tạo dựng nên lớp người can trường, thủy chung, trung nghĩa cùng với dân làng Phương Xuân, Mỹ Cương, Phú Vinh, Thuận Đức bồi đắp cho quê hương Nghĩa Ninh ngày càng giàu đẹp.  
 
Trước đây, làng Trung Nghĩa có 6 xóm, gồm: Cựa Trà, Cựa, Giếng, Cống, Cày, Lòi. Sau thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà nước có chủ trương mở rộng diện tích đất canh tác và tránh lũ nên người dân Trung Nghĩa lập nên xóm Vòm.
  Đường vào trung tâm xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới.
Đường vào trung tâm xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới.
Là nơi quần tụ của các dòng họ nên Trung Nghĩa là nơi gìn giữ được những nét văn hóa xưa như: lễ cầu nông, lễ đóng cửa truông, các điệu hát dân ca, những công trình kiến trúc cổ xưa… ghi dấu một thời binh lửa.
 
Được dựng xây bởi những con người có nguồn gốc khác nhau nên xã Nghĩa Ninh có bề dày truyền thống, chịu thương chịu khó từng bước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới trên quê hương yêu dấu của mình. Với địa bàn rộng lớn, quy mô dân số đông nên năm 2004, thể theo nguyện vọng của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định chia tách xã Nghĩa Ninh (hiện toàn xã có 1.302 hộ với 5.400 nhân khẩu-P.V) và thành lập phường Bắc Nghĩa.
 
Từ đó, xã Nghĩa Ninh vóc dáng mới với các thôn: Trung Nghĩa (từ 1 đến 6), Thuận Hóa, Rẫy Cau, Ba Đa. Để phát triển kinh tế, người dân nơi đây tập trung sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ…, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, gia đình no ấm.
 
Ông Đào Hữu Luyện, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Ninh cho biết: Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Ninh đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng bộ xã đã đề ra. Trên địa bàn xã đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao; phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp và các mô hình vườn đồi, vườn nhà, vườn rừng; xây dựng cụm công nghiệp; tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh, dịch vụ mở rộng quy mô hoạt động… từ đó nâng cao thu nhập cho người lao động.
 
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, đến nay, Nghĩa Ninh giữ vững 19/19 tiêu chí đã đạt được, phấn đấu đến cuối năm 2020 xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
 
Đến Trung Nghĩa nói riêng và xã Nghĩa Ninh trong những ngày tháng Tám, có thể cảm nhận được sự đổi thay trên mảnh đất có bề dày truyền thống và sắc diện của những con người chân chất, mộc mạc. Từ thủy tổ của các dòng họ đã lan tỏa sự sẻ chia, hỗ trợ lẫn nhau trong mấy trăm năm qua, sẽ là động lực để người dân nơi đây tiếp tục vun đắp xây dựng quê hương.
 
Trần Minh Văn